Hiện mỗi ngày bệnh viện tiếp nhận từ 10 – 20 bệnh nhân đột quỵ, tăng khoảng 5-10% do trời lạnh kéo dài – Bệnh viện Bạch Mai cho biết.

Theo PGS. TS. Mai Duy Tôn, khoa Cấp cứu A9, cho biết, bệnh nhân nữ 75 tuổi, ở Tả Thanh Oai, Hà Nội được đưa vào khoa trong tình trạng liệt hoàn toàn bên phải và không nói được.

Ngay lập tức, bệnh nhân được khám, xét nghiệm, chụp cắt lớp vi tính, được chẩn đoán xác định là nhồi máu não do tắc động mạch máu não giữa lớn và được điều trị thuốc tiêu huyết khối kết hợp với can thiệp nội mạch lấy huyết khối. Sau 3 ngày điều trị, bệnh nhân đã tỉnh táo, có thể nói chuyện, nửa người phải có thể vận động gần như bình thường.

Đây chỉ là một trong số khoảng 10 – 20 ca bệnh được đưa đến cấp cứu tại BV Bạch Mai mỗi ngày vì đột quỵ.

PGS Mai Duy Tôn cho biết, thời tiết mấy ngày qua khiến bệnh nhân bị đột quỵ gia tăng. Bởi thời tiết lạnh là nguyên nhân gây tăng huyết áp, là nguyên nhân gây ra đột quỵ.

Trời lạnh, phong hàn khiến khí huyết ngưng trệ dẫn đến tăng huyết áp là nguyên nhân gây đột quỵ. (Ảnh: tamminhduong.vn)

Thời tiết lạnh cũng là nguyên nhân làm co mạch, máu dễ bị đông hơn có thể gây tắc nghẽn gây đột quỵ. Thời tiết lạnh, người cao tuổi, người mắc các bệnh tim mạch, huyết áp cũng dễ mắc một số bệnh nhiễm trùng và điều này là cơ hội cho những người có bệnh nền trước đó dễ bị đột quỵ hơn.

Để phòng chống đột quỵ, bác sỹ khuyến cáo người dân nên giữ ấm cơ thể, không ra ngoài trời lạnh vào ban đêm hoặc sáng sớm để tránh bị lạnh đột ngột; nên ăn uống các thức ăn ấm nóng, giàu dinh dưỡng để có đủ năng lượng giữ ấm cho cơ thể, tránh nguy cơ bị lạnh đột ngột.

Theo Đông y, trời lạnh khiến phong hàn dễ xâm nhập vào cơ thể khi gặp thể trạng yếu (vinh vệ khí suy); thường gặp ở những người cao tuổi và người có sức đề kháng kém. Phong hàn làm khí huyết bị ngưng trệ – ứ tắc mà dẫn đến huyết áp cao, là nguyên nhân của đột quỵ và nhiều chứng bệnh khác như: đau xương khớp, tê tay chân, cảm cúm… Vì vậy, ngâm chân thường xuyên trong mùa đông này có tác dụng phát tán phong hàn giúp phòng tránh được các bệnh kể trên. Dưới đây là một số cách ngâm chân bạn đọc có thể tham khảo:

Ngâm chân với nước gừng

Nguyên liệu: Lấy 100g gừng tươi ép nước, lại dùng 50ml giấm đổ vào trong nước ngâm chân.

Công dụng: Nước ngâm chân lấy gừng tươi làm vị thuốc chính; phối hợp với giấm để lâu năm; nước nóng giúp thuốc phát tán chứng phòng hàn, hiệu quả nhanh hơn; gừng tươi trị thương hàn, trúng gió, đau đầu.

Ngâm chân là biện pháp hữu hiệu để phát tán phong hàn, đề phòng đột quỵ. (Ảnh: Hotdeal)

Ngâm chân với lá kinh giới, tía tô

Nguyên liệu: Dùng 50g phòng phong, 50g kinh giới, 30g lá tía tô, 50g hành củ, 20g ma hoàng, sắc lấy nước để ngâm chân.

Công dụng: Nước ngâm chân sử dụng kinh giới, phòng phong, lá tía tô, ma hoàng có tác dụng phát tán, lưu tán phong hàn, cùng với hành thông dương, tán hàn, trợ giúp công năng tán ôn, trừ bỏ cảm mạo.

Nước ngâm chân với lá bạc hà, tế tân

Nguyên liệu: Lấy 30g bạc hà, 30g gừng tươi, 30g tỏi,15g tế tân, sắc lấy nước rồi ngâm chân.

Công dụng, cách dùng: Nước ngâm chân lấy vị bạc hà để trừ phong; dùng gừng tươi phát tán hàn; tỏi khai khiếu, tế tân tán hàn, lợi khiếu, thông quan. Bốn vị thuốc này cùng với nước ấm có tác dụng thanh lợi thông khiếu, phát tán phong hàn, cảm mạo có biểu hiện nhức mỏi toàn thân.

Lưu ý

Thời gian ngâm chân không nên quá lâu, hoặc quá ngắn, sẽ không thể phát tán phong hàn. Ngâm chân đến khi thấy mồ hôi phát ra là được. Bởi vì phong hàn là từ ngoài vào, khi mồ hôi toát ra, cái lạnh theo mồ hôi mà phát tán, cơ thể tự nhiên khỏe mạnh.

Sau khi ngâm chân, mồ hôi toát ra, nên chú ý tránh gió lạnh. Bởi vì sau khi ngâm chân các lỗ chân lông nở rộng ra; nếu không chú ý giữ ấm dễ dẫn đến phong hàn xâm nhập vào cơ thể lần nữa, bệnh tình càng nặng hơn. Sau khi ngâm chân không dùng nước lạnh hay uống nước lạnh.

Chú ý lượng nước dùng cho ngâm chân: Lượng nước vừa đủ qua mắt cá chân.

Cao Sơn