Các chuyên gia cho biết, sơ cứu đuối nước, tránh dốc ngược nạn nhân, vác lên vai rồi chạy mà cần hô hấp nhân tạo và ép tim ngoài lồng ngực khi vận chuyển tới bệnh viện.

Trao đổi với An Ninh Thủ Đô, TS.BS Tạ Anh Tuấn, Trưởng khoa Hồi sức tích cực bệnh viện Nhi Trung ương cho biết, từ đầu hè 2018 đến nay, khoa đã tiếp nhận nhiều bệnh nhi bị đuối nước, phải thở máy trong tình trạng rất nặng. Thậm chí có những tuần viện tiếp nhận tới 4 ca nguy kịch.

Theo thống kê của Bộ Lao động Thương binh và Xã hội, Việt Nam là nước có tỷ lệ tử vong do đuối nước cao nhất trong khu vực các nước phát triển với khoảng trên 3.000 ca tử vong mỗi năm.

Bác sĩ Phạm Ngọc Toàn, Khoa Cấp cứu bệnh viện Nhi Trung ương cho biết, đa số người dân khi cứu trẻ bị đuối nước thường xử lý cấp cứu ban đầu bằng các biện pháp lưu truyền trong dân gian như vác xốc nạn nhân, dốc ngược người nạn nhân, vác lên vai rồi chạy…

Tuy nhiên, đây là những sai lầm nghiêm trọng khiến bệnh nhân rơi vào tình trạng nặng hơn, nguy hiểm đến tính mạng.

Do bệnh nhân bị chìm lâu trong nước, nước vào đường thở, thiếu oxy, gây suy hô hấp, ngừng thở, ngừng tim nên cấp cứu ngừng thở, ngừng tim là vô cùng quan trọng, quyết định sự sống của nạn nhân.

Điều quan trọng là cấp cứu cơ bản gồm hà hơi, thổi ngạt, ép tim để cấp oxy cho não. Việc vác lên chạy, hay dốc ngược bệnh nhân để ọc nước ra sẽ làm mất thời gian vàng cứu sống bệnh nhân.

Bác sĩ nhi khoa Nguyễn Đức Thường, Bệnh viện Nhi Trung ương trao đổi Dân Trí các bước sơ cứu khi trẻ bị đuối nước:

Bước 1: Nhanh chóng đưa trẻ ra khỏi mặt nước.

Bước 2: Đặt trẻ nằm ngửa trên mặt phẳng cứng, khô ráo, thoáng khí.

Bước 3: Nếu trẻ bất tỉnh, kiểm tra xem còn thở không bằng cách quan sát lồng ngực có di động hay không.

– Nếu lồng ngực không di động, tức là trẻ ngừng thở thì phải hô hấp nhân tạo ngay lập tức. Sau khi thổi ngạt 2 lần, bắt mạch cảnh, bẹn, hoặc áp tai vào lồng ngực bên trái xem có tiếng tim đập hay không.

– Nếu không bắt được mạch chứng tỏ tim trẻ đã ngừng đập, cần phải hô hấp nhân tạo kèm theo ép tim ngoài lồng ngực (ép ở ½ dưới xương ức bên trái) theo tỷ lệ 15/2 (nghĩa là ép tim 15 lần thì thổi ngạt 2 lần). Sau đó vừa làm vừa đưa bệnh nhân đi viện.

Bước 4: Nếu trẻ còn tự thở, đặt nằm nghiêng sang 1 bên, cởi bỏ quần áo ướt, giữ ấm, nhanh chóng đưa đến bệnh viện gần nhất vì có thể sẽ xảy ra khó thở tái diễn.

Để phòng tránh đuối nước, bác sĩ khuyến cáo

– Khi đi tắm ở ao hồ biển, hãy luôn cho trẻ mặc áo phao.

– Kiểm tra độ sâu và chướng ngại vật trước khi cho trẻ bước chân xuống nước. Luôn bơi cùng trẻ và bơi không quá xa bờ 15m.

– Không nên để trẻ tắm quá 2 tiếng liên tiếp để tránh bị nhiễm lạnh. Không nên tắm vào thời điểm từ 11h trưa đến 3h chiều.

– Chỉ cho trẻ tắm tại các bãi biển có đội cứu hộ và tắm trong khu vực bơi được chỉ định.

Dốc ngược, vác lên vai - sai lầm thường gặp khi sơ cứu đuối nước

– Trẻ không được tắm nếu mắc bệnh như viêm phế quản, hen suyễn, lao phổi, viêm tai giữa, viêm thận, các bệnh tim mạch…

– Cần cho trẻ lập tức lên bờ nếu trẻ cảm thấy lạnh người, mệt mỏi đột ngột, nhức đầu hoặc đau nhức sau gáy, chuột rút, ngứa ngáy cơ thể, rối loạn thị giác, đau khuỷu tay và đầu gối có dấu hiệu bị trướng bụng…

– Nhắc trẻ tránh xa các dòng chảy siết, tắm quá xa bờ biển, hồ, ao nơi quá sâu. Luôn bơi gần nhân viên cứu hộ. Nếu không may bị nước cuốn, giơ tay vẫy và la lớn để nhờ người trợ giúp.

​​​​​​

Lan Phương