Dâu tằm không chỉ để hái lá nuôi tằm mà thực sự là một vị thuốc quý trong điều trị nhiều chứng bệnh, và cũng là nguồn nguyên liệu tốt để cho chị em phụ nữ làm đẹp.

Theo thần thoại La Mã, Pyramus và Thisbe đã phải lòng nhau từ thuở bé nhưng bị cha mẹ ngăn cấm tiến tới hôn nhân. Hai người đã phải lén hẹn gặp nhau dưới tán cây dâu tằm ở giữa một cánh đồng.

Một hôm, khi Thisbe đang chờ Pyramus, nàng tình cờ nhìn thấy một con sư tử người dính đầy máu đang uống nước ở dòng suối gần đó. Thisbe sợ hãi chạy thục mạng và làm rơi chiếc khăn choàng. Người yêu của nàng – Pyramus khi đến nơi thì nhìn thấy chiếc khăn và con sư tử dính máu liền nghĩ tới tình huống xấu nhất rằng Thisbe bị ăn thịt, vì vậy anh đã tự sát dưới gốc cây dâu tằm.

Ảnh: kenh14.vn

Máu của anh đã thấm đỏ sắc trắng của những trái dâu tằm. Khi quay lại thấy xác của Pyramus ngay cạnh gốc cây, Thisbe đau đớn tự kết liễu đời mình. Trước khi chết, cô nhìn những trái dâu tằm đỏ thẫm và nói rằng chúng chính là di chúc muôn đời của tình yêu. Kể từ đó, trái dâu tằm mang màu sắc đỏ tía, có vị ngọt ngào của tình yêu, nhưng cũng có chút chua xót cho mối tình dang dở.

Theo thần thoại thì quả dâu có màu trắng. (Ảnh: alobacsi.com)

Cây dâu tằm có tên khoa học là Morus alba L., Họ Dâu tằm – Moraceae. Tại nước ta, sở dĩ cây dâu tằm có tên gọi này là vì trước đây cây được trồng để hái lá nuôi tằm lấy tơ dệt lụa. Một số địa phương còn gọi là cây tang.

Trong dân gian, dâu tằm được sử dụng như một nguyên liệu tuyệt vời để chữa bệnh và làm đẹp. Trong dâu tằm có chứa thành phần α – hydroxy acid có khả năng loại bỏ những tế bào chết, nhanh chóng tái tạo tế bào mới, làm làn da trắng hồng tự nhiên, khoáng chất chống oxy hóa, acid hữu cơ ngăn ngừa mụn phát triển, đem lại cho phái đẹp một làn da trắng hồng, láng mịn và một mái tóc khỏe khoắn, đen bóng.

1. Lá dâu tằm “thổi bay” mụn trứng cá

Ảnh: nhanong.com.vn

Nguyên liệu:

Lá dâu tằm + Lá trầu không

Cách làm: Chọn những lá dâu tằm bánh tẻ và lá trầu không rửa sạch, ngâm nước muối khoảng 15 phút rồi vớt ra để ráo nước. Lá dâu tằm bạn phơi khô dưới ánh nắng mặt trời rồi xay thành bột mịn, lá trầu không cho vào xoong đổ nước đun sôi tầm 5 phút thì tắt bếp. Rửa sạch mặt, lấy nước lá trầu không rửa mặt, sau đó, rắc một lượng vừa đủ bột lá dâu lên mặt.

Thực hiện đắp mặt nạ lá dâu và lá trầu không lên mặt 1 tuần 3 lần da mặt bạn sẽ láng mịn sạch mụn.

2. Cách tắm bằng lá dâu tằm làm trắng da

Ảnh: thuocquyviet.com

Nguyên liệu:

Lá dâu tằm + Mật ong

Cách làm: Lá dâu tằm rửa sạch, cho vào máy xay sinh tố xay nhuyễn rồi bỏ ra bát. Trộn đều lá dâu tằm với mật ong để tạo thành một dung dịch sền sệt. Bạn tắm qua bằng nước rồi thoa hỗn hợp lá dâu tằm và mật ong lên cơ thể, massage nhẹ nhàng tầm 30 phút để cho các dưỡng chất trong hỗn hợp thẩm thấu vào làn da. Sau đó, bạn có thể tắm rửa lại sạch sẽ.

Thực hiện tắm lá dâu thường xuyên chỉ trong vòng 1 tuần da bạn sẽ tăng trắng sáng.

3. Lá dâu tằm trị tóc rụng, tóc bạc

Kết hợp lá dâu và bồ kết để tóc óng mượt.

Nguyên liệu:

Lá dâu + Bồ kết

Cách làm: Bồ kết nướng lên chuyển nâu đen gọi lại bằng khăn xô. Lá dâu nấu nước sau đó cho bồ kết vào, lấy gội đầu sẽ giúp chữa rụng tóc hiệu quả. Dùng kiên trì giúp tóc sạch gàu, bóng mượt.

4. Trái dâu tằm cho mái tóc đen óng ả, không lo tóc bạc sớm

Ảnh: kentary.com

Nguyên liệu:

Quả dâu tằm chín

Cách làm: Quả dâu tằm tươi rửa sạch cho vào xoong đổ nước đun sôi, sau đó đun nhỏ lửa 30 phút, sắc 2 lần, sau mỗi lần chắt lấy nước cốt, hợp hai nước lại, cô nhỏ lửa cho tới khi đặc lại rồi thêm mật ong vào trộn đều, đun sôi lại là được. Chờ nguội, cho vào lọ nút kín dùng dần. Mỗi ngày dùng 2 lần, mỗi lần 2 thìa cà phê hòa vào nước ấm uống sẽ rất tốt cho cơ thể, đặc biệt là nuôi dưỡng tóc đen bóng khỏe, chống bạc tóc.

Ngoài ra, bạn cũng có thể lấy trái dâu chín đen, thêm 1 ít hà thủ ô, đem ngâm với rượu, uống sẽ rất tốt cho thận và giúp tóc đen, lâu bạc hơn.

5. Khảm Ly hoàn – một bài thuốc từ trái dâu tuyệt hảo

Ảnh: songmoi.vn

Thành phần:

Trái dâu chín 5kg + Đỗ đen 2kg + Hồng táo (táo tầu màu đỏ, có thể mua ở các hiệu thuốc bắc) 2kg

Cách dùng: Đỗ đen rửa sạch, cho vào nồi, nấu kỹ với nước ép quả dâu cho chín, vớt ra phơi khô. Nấu và phơi như vậy 5 lần (ngũ chưng ngũ sái) rồi nghiền thành bột mịn. Hồng táo hấp chín, bỏ hạt, giã nhuyễn, trộn với bột đậu đen hoàn thành viên, to bằng đốt ngón tay; ăn 2 lần/ngày.

Đậu đen bổ Thận ích tinh – tạng Thận ứng với quẻ “Khảm”; hồng táo bổ khí huyết, kết hợp với trái dâu có tác dụng bồi bổ Tâm huyết càng mạnh – tạng Tâm ứng với quẻ “Ly”, nên thuốc có tên là “Khảm Ly hoàn”. Dùng lâu ngày da dẻ mịn màng, tóc khô vàng trở nên bóng mượt.

Trên đây là một số công thức làm đẹp từ cây dâu tằm. Dâu tằm có nhiều trong khoảng tháng 4, tháng 5, hi vọng bạn có thể kịp nắm lấy cơ hội và tự chế cho mình những bài thuốc làm đẹp da, đẹp tóc hiệu quả nhất.

Yến Dương