Viêm túi mật là căn bệnh hiện khá phổ biến nhưng nhiều người vẫn chưa có kiến thức đúng về bệnh. Để phát hiện bệnh và điều trị kịp thời thì bạn cần nắm các dấu hiệu và có chế độ dinh dưỡng thích hợp.

Viêm túi mật là gì?

Viêm túi mật là tình trạng túi mật bị nhiễm khuẩn do chất kích thích hóa học hoặc túi mật kết sỏi. Túi mật là một túi nhỏ nằm dưới gan có chứa dịch mật do gan tạo ra và có chức năng tiết mật vào ruột khi thức ăn được đưa vào.

(Ảnh: dieutribenhsoimat.com)

Viêm túi mật và sỏi mật là những bệnh phổ biến nhất ở đường mật, cả hai cùng song hành có quan hệ nhân quả. Nếu không chữa trị kịp thời, bệnh có thể dẫn đến nhiễm trùng và thủng túi mật. Những phụ nữ trên 40 tuổi béo phì là những người dễ mắc sỏi mật.

Các dạng viêm túi mật

1. Viêm túi mật mãn tính

Túi mật bị viêm mạn tính là một loại bệnh thường gặp trên lâm sàng. Bệnh có thể do viêm túi mật cấp tính chuyển sang, tuy nhiên trường hợp này không chiếm tỷ lệ cao. Bệnh có thể đi kèm với sỏi mật do mật ứ đọng nhưng cũng có nhiều bệnh nhân không có sỏi mật và sẽ bị tái phát nhiều lần như sỏi mật.

Triệu chứng biểu hiện là bệnh nhân thấy đau âm ỉ và ấn đau vùng hạ sườn phải, đau xuyên lên vai lưng phải, bụng trên đầy, ngực tức, ợ hơi, biếng ăn, sắc mặt kém tươi nhuận, mệt mỏi, bựa lưỡi màu trắng hoặc vàng nhày.

2. Viêm túi mật cấp tính

Triệu chứng viêm túi mật cấp tính xảy ra khi người bệnh thấy đau bụng quặn, kèm theo buồn nôn, nôn và sốt cao. Những cơn đau kéo dài về sau sẽ đau lan ra cả vùng hạ sườn phải, đến vùng bả vai phải. Triệu chứng viêm túi mật tăng cao khi ho và hít sâu, bệnh nhân thường nôn và chán ăn. Tình trạng vàng da chỉ xuất hiện khi có viêm phù nề hoặc hạch chèn ép vào đường dẫn mật chính.

Viêm túi mật sẽ gây đau đớn ở vùng bụng bên phải (vị trí của túi mật) và gây ảnh hưởng đến chức năng tiêu hóa. (Ảnh: presscute.com)

Dấu hiệu nhận biết viêm túi mật

1. Khi bệnh phát tác bệnh nhân có các triệu chứng như buồn nôn, nôn với trường hợp nặng có thể nôn ra dịch mật.

2. Hầu hết các bệnh nhân sẽ bị đau bụng phía trên rốn hoặc giữa. Bệnh sẽ đau từng cơn đôi khi cơn đau kéo dài đến vùng dưới xương bả vai bên phải. Ở một vài trường hợp bệnh nhân xuất hiện đầy hơi và khó chịu. Nếu đường mật bị tắc sẽ xuất hiện các cơn đau quặn thắt.

3. Màu nước tiểu hoặc phân thay đổi bất thường. Khi mật chảy bình thường qua hệ thống tiêu hóa, phân sẽ có màu nâu. Tuy nhiên, sự thay đổi màu phân có thể chỉ ra vấn đề túi mật. Khi bị viêm túi mật phân sẽ có màu nhợt hoặc màu đất sét, nước tiểu tối màu hơn.

4. Bụng trên bên phải bị sưng nhẹ, hít thở khó khăn, đau xương sườn phải. Ngoài ra sẽ cảm thấy căng cơ bụng, ấn vào phía trên bên phải bụng thấy có cục như u nang. Nếu đau khắp vùng bụng, căng cơ bụng cần chú ý tình huống bị thủng túi mật hoặc viêm màng bụng cấp tính.

5. Bệnh vàng da sẽ xảy ra nếu túi mật bị chặn bởi sỏi mật. Khi túi mật không thể di chuyển được mật qua cơ thể sẽ bắt đầu tích tụ và để lại lượng dư thừa bilirubin trong máu. Bilirubin thừa sẽ gây ra vàng da hoặc mắt, gọi là bệnh vàng da.

Bệnh vàng da sẽ xảy ra nếu túi mật bị chặn bởi sỏi mật. (Ảnh: psyfor.life)

Viêm túi mật nên kiêng gì?

– Thịt đỏ (bò, vịt, cừu và lợn), thịt xông khói hoặc nếu muốn ăn thịt, bạn có thể dùng thịt nạc và bỏ da.

– Các loại thực phẩm từ sữa, có nhiều chất béo như pho mát, kem, chocolate, mayonnaise…

– Các thực phẩm đã qua chế biến như bánh rán, đồ chiên xào

– Hạn chế ăn hạt dẻ, súp lơ, cải bắp và trứng.

Viêm túi mật không nên ăn các loại thịt đỏ (Ảnh: arabitoday.com)

– Giảm sử dụng các loại trà đen, đồ uống có ga, cà phê và rượu.

– Tránh các thức ăn gây kích ứng đường tiêu hóa như như mù tạt và ớt vì chúng có thể làm tăng các triệu chứng bệnh. Ngoài ra, tuyệt đối không nên ăn quá no để tránh gánh nặng cho túi mật. Nên ăn đủ bữa đặc biệt là bữa sáng.

Chế độ ăn uống

Dầu ô liu, dầu hạt vừng đen, bơ, nước ép củ cải đường, mâm xôi, bồ công anh, ngũ cốc nguyên hạt…đều là những thực phẩm cần thiết có thể bổ sung vào chế độ ăn uống khi bị viêm túi mật.

– Dầu ô liu là thực phẩm giúp giảm đau khi viêm túi mật cấp tính hiệu quả. Hãy bắt đầu một ngày mới bằng việc sử dụng khoảng 30ml dầu và kèm theo khoảng 100ml nước ép bưởi hoặc nước cốt chanh.

– Dầu hạt vừng đen sẽ giúp ta làm sạch hệ thống gan mật, tuy nhiên cần sử dụng với tỷ lệ vừa phải không nên lạm dụng để tránh một số tác dụng không mong muốn như đi phân lỏng.

– Nước ép củ cải đường có tác dụng giống như dầu hạt vừng đen. Bạn nên sử dụng khoảng 100ml mỗi lần và hai lần cho trong ngày.

Dầu ô liu giúp giảm đau khi viêm túi mật cấp tính hiệu quả

– Bơ rất tốt cho sức khỏe vì chứa rất nhiều vitamin cần thiết cho cơ thể.

– Nước chanh và giấm sẽ phá vỡ các acid béo trong dịch mật, giúp quá trình tiêu hóa thức ăn được dễ dàng.

Quả mâm xôi giàu chất xơ rất, dinh dưỡng và vitamin tốt cho người viêm túi mật (Ảnh: anhdep.pro)

– Quả mâm xôi và bồ công anh cũng là hai loại thực phẩm rất tốt mà bạn nên cho bổ sung. Đặc biệt, quả mâm xôi chứa hàm lượng chất xơ rất cao, giàu chất dinh dưỡng và vitamin.

– Sử dụng thêm các thảo dược như Uất kim, Chi tử, Sài hồ, Hoàng bá… sẽ giúp lợi mật, tăng vận động đường mật, kháng khuẩn, chống viêm hiệu quả

Bổ sung thêm chất xơ là phần không thể thiếu trong các bữa ăn hàng ngày của người bị viêm túi mật. Nguồn thực phẩm giàu chất xơ mà bạn có thể huy động từ các loại đậu, ngũ cốc nguyên hạt, rau quả và trái cây.

Kiên Định t/h