Các bác sĩ bệnh viện Việt Nam – Thụy Điển Uông Bí (Quảng Ninh), đã cấp cứu thành công cho bệnh nhi Nguyễn Khánh H. (2 tháng tuổi, Hải Dương) bị thoát vị bẹn trái nghẹt, nhẹ cân, viêm phế quản phổi, suy hô hấp độ II…

Theo Sức khỏe và Đời sống, ngày 1/7 vừa qua, bé H. có biểu hiện bệnh thoát vị bẹn trái nghẹt khi đang điều trị ngày thứ 8 tại bệnh viện.

Ths. Nguyễn Vũ – người trực tiếp phẫu thuật cho bệnh nhi cho biết, việc phẫu thuật điều trị thoát vị bẹn nghẹt cho trẻ nhỏ, đặc biệt là trẻ suy dinh dưỡng và đang có bệnh lý hô hấp rất nguy hiểm.

Trẻ nhỏ cấu trúc trong ống bẹn rất nhỏ và bị phù nề do hậu quả của tình trạng nghẹt ruột, quá trình phẫu thuật phải rất cẩn trọng, tỷ mỉ để tránh gây tổn thương. Hơn nữa, kíp phẫu thuật phải thực hiện nhanh để tránh biến chứng do thời gian gây mê kéo dài.

Hiện bệnh nhi H. đang được chăm sóc và điều trị tích cực tại đơn vị Hồi sức Nhi khoa bệnh viện với sức khỏe trẻ ổn định và sẽ xuất viện trong vài ngày tới.

Thoát vị bẹn là bệnh khá phổ biến ở trẻ nhỏ do còn ống phúc tinh mạc. Các bác sĩ khuyến cáo, phụ huynh nên thường xuyên quan tâm con cái, nếu phát hiện trẻ bị thoát vị bẹn, nên sớm đưa trẻ đến viện để được tư vấn và phẫu thuật. Tránh để bệnh diễn biến thành thoát vị bẹn nghẹt mới điều trị.

Thoát vị bẹn là gì?

Trong thời kỳ phôi thai, vào khoảng tháng thứ 7, khi tinh hoàn di chuyển xuống bìu sẽ kéo theo nếp phúc mạc tạo thành một túi dạng ống gọi là ống phúc tinh mạc. Bình thường khi trẻ sinh ra, ống này đóng lại.

Nếu ống này không đóng lại sẽ tạo điều kiện cho các cơ quan trong ổ bụng (thường là ruột) chui xuống ống làm thành một khối phồng ở vùng bẹn, gọi là bệnh lý thoát vị bẹn ở trẻ trai và thoát vị ống nuck ở trẻ gái.

Vùng bẹn của trẻ có một khối phồng căng cứng, sờ đau và có thể bé không cho sờ. Đa số các bé nhập viện với tình trạng bứt rứt, quấy khóc than đau (trẻ lớn) và bỏ bú, nôn (trẻ nhỏ).

Phương Nam