Con trai bị mắc bệnh động kinh, nên người mẹ người Ấn Độ đã nghiên cứu và chế tạo chiếc gang tay để theo dõi sức khỏe của cậu bé.

Theo Economic Times, Raji Borthakur, Ấn Độ đã quyết định tạo nên một thiết bị giúp cô có thể thường xuyên theo dõi tình trạng sức khỏe của con trai Tejas, vốn mắc bệnh động kinh. Sau 5 năm nghiên cứu và chế tạo, chiếc găng tay mang tên T Jay, theo tên thân mật của con trai cô đã ra đời.

Con thường xuyên bị ốm, mẹ sáng chế ra gang tay để chẩn đoán bệnh
Găng tay T Jay có thể theo dõi các chỉ số nhịp tim, huyết áp… để đưa ra chẩn đoán về bệnh động kinh (ảnh: Terra Blue).

Chiếc găng tay là thiết bị sinh học gắn 10 cảm biến nhúng có thể phát hiện và dự báo bệnh động kinh bằng cách theo dõi các chỉ số quan trọng trong cơ thể như huyết áp, mạch, nhịp tim…

Khi đeo vào tay, chiếc găng sẽ thu thập các chỉ số sức khỏe từ lòng bàn tay và ngay lập tức chuyển lên hệ thống điện toán đám mây. Các dữ liệu này sẽ được phần mềm ứng dụng công nghệ máy học và trí thông minh nhân tạo AI phân tích để hỗ trợ cho chẩn đoán của bác sĩ.

Bác sĩ có thể truy cập vào ứng dụng T Jay bằng thiết bị điện tử để theo dõi tình trạng sức khỏe bệnh nhân, liên hệ hoặc kê thuốc trong trường hợp khẩn cấp nếu nhận thấy sự bất thường trong các chỉ số. Nhờ vậy nhân viên y tế theo dõi bệnh nhân từ xa và cung cấp các hỗ trợ y tế cần thiết tới tận nhà, thay vì người bệnh phải đến khám trực tiếp.

“Không ít người đang đối mặt với nguy cơ tử vong cao bởi họ không nhận thức được sự phức tạp của chứng rối loạn thần kinh, do đó sẽ không thể xử lý kịp thời. Chiếc găng tay chuẩn đoán bệnh này có thể giúp 50 triệu người đang mắc chứng động kinh trên thế giới và cả những người chăm sóc họ”, Borthakur lý giải.

Trước đó, cậu bé Tejas – con trai của Borthakur mắc bệnh ngay từ khi chào đời và thường xuyên cần đến các dịch vụ chăm sóc y tế khẩn cấp. Thế nhưng phải mất nhiều tháng, bác sĩ mới có kết luận cuối cùng. Việc chuẩn đoán trễ khiến những cơn co giật ảnh hưởng đến sự phát triển của cậu. Tejas mất 9 tháng mới biết bò và 2 năm để đi được bước đầu tiên.

Đó là động lực đưa cô đến với ý tưởng chế tạo một thiết bị có thể theo dõi chỉ số liên tục và dự báo các cơn co giật sắp diễn ra, giúp chuẩn bị các biện pháp y tế kịp thời hơn.

Có kinh nghiệm trong lĩnh vực công nghệ thông tin hơn 20 năm nhưng cô gần như biết rất ít về việc tạo phần mềm. Bà mẹ đơn thân vẫn quyết chí theo đuổi dự án. Tháng 3/2016, Borthakur thành lập nhóm nhỏ cùng hai cộng sự để nghiên cứu giải pháp. Công ty TerraBlue ra đời từ đó với dự án khởi nghiệp là chiếc găng tay T Jay.

Từ lúc chỉ có 3 thành viên, nay công ty đã phát triển lên đến 20 người. Dự án nhận hỗ trợ từ chuyên gia trong nhiều lĩnh vực từ phần cứng, phần mềm, thần kinh học, chăm sóc sức khỏe…

Không chỉ dừng lại ở căn bệnh động kinh mà cô còn phát triển nghiên cứu để chuẩn đoán thêm các chứng rối loạn thần kinh khác như bệnh Parkinson, tâm thần phân liệt, rối loạn hai cực.

Borthakur cùng cộng sự cũng tiến hành sản xuất thiết bị mang tên Xaant. Khi đeo vào tay, sản phẩm sẽ giúp chuẩn đoán sức khỏe thể chất và tâm lý qua phân tích hô hấp, nhịp tim, nhiệt độ cơ thể khi di chuyển, nghỉ ngơi hay thậm chí lúc đang ngủ…, từ đó đánh giá trạng thái căng thẳng thần kinh và giúp tinh thần bình tĩnh trở lại.

Sản phẩm sẽ chính thức đưa ra thị trường vào cuối năm 2018.

Phương Nam