Quả cây ngô đồng chứa chất độc tố gây hại cho cơ thể con người. Tuy đã được cảnh báo nhưng hàng năm vẫn có những vụ việc đang tiếc xảy ra với các em học sinh. Vậy cây ngô đồng chứa độc tố gì và vì sao lại có nhiều trẻ bị ngộ độc loài cây này?

Bác sĩ Thái Hải Đăng – Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Tân Kỳ (Nghệ An) cho biết, ngày 23/4, trung tâm đã tiếp nhận 7 em học sinh trường Tiểu học Kỳ Tân nhập viện do bị ngộ độc. Các bác sĩ đã tiến hành rửa dạ dày, giúp các em qua cơn nguy kịch. Trước đó, trong giờ ra chơi buổi chiều, các em học sinh lớp 1B được các anh chị lớp 4 – 5 cho quả cây ngô đồng nhưng lại nói là hạt dẻ, theo báo Tuổi trẻ.

Quả cây ngô đồng. (Ảnh: Facebook Nguyễn Việt Long)

Theo Vnexpress, khoảng 15h30 ngày 10/4, trong giờ ra chơi, hơn 10 học sinh lớp 2 trường Tiểu học Tân Giang, thành phố Hà Tĩnh (tỉnh Hà Tĩnh) đập một số quả cây ngô đồng rụng trong sân trường lấy hạt ăn. Khi về nhà, 9 học sinh có triệu chứng ngộ độc và được đưa tới Bệnh viện Đa khoa Hà Tĩnh hồi sức, truyền dịch và phải theo dõi đề phòng biến chứng.

Hạt cây ngô đồng. (Ảnh: baomoi.com)

Trước đó, vào năm học 2016-2017, 50 học sinh trường Tiểu học Nghi Hòa (thị xã Cửa Lò, Nghệ An) phải nhập viện vì nhầm lẫn ngô đồng là quả óc chó “ăn vào sẽ thông minh”. Tiếp đó, 37 học sinh trường Phổ thông Dân tộc Nội trú THCS Quỳ Châu (huyện miền núi Quỳ Châu, Nghệ An) ăn quả ngô đồng và bị ngộ độc, phải đi cấp cứu.

Cây ngô đồng chứa chất độc hại gì?

Cây ngô đồng là loại cây thân mộc rất to, có tên khoa học là Hura crepitans, thuộc họ Euphorbiacea có xuất xứ từ vùng nhiệt đới châu Mỹ. Người địa phương thường gọi là ngô đồng, thực chất loài cây này có tên gọi là ba đậu tây hoặc vông đồng (tra cứu tên cây cỏ Việt Nam của TS Võ Văn Chi ghi nhận 2 tên gọi này).  Các nguồn khác cho biết nó còn được gọi là bã đậu (hay mã đậu), điệp tây. Một số nguồn đã coi tên gọi ngô đồng dành cho loài cây này là không chính danh.

Ảnh: Wikipedia

Trong cây ngô đồng có chất toxalbumin, là độc tố chính gây bệnh ở đường tiêu hóa, gan. Nếu trẻ ăn phải hạt của cây này sẽ bị bỏng rát ở họng, đau bụng, ói, tiêu chảy. Khi đã bị ngộ độc nặng sẽ xuất huyết tiêu hóa, loạn tim mạch, ức chế hệ thần kinh trung ương.

Biện pháp khắc phục

Bác sĩ Trần Văn Năm, nguyên Viện phó Viện Y dược học dân tộc TP.HCM khuyến cáo, đối với trẻ nhỏ, bị ngộ độc phần lớn do ăn, uống phải các chất độc của cây.

Nếu trẻ không may ăn phải hạt cây ngô đồng thì các bậc phụ huynh nên làm bằng mọi cách để trẻ nôn ra, nôn càng nhiều càng tốt. Trong khi nôn cần để đầu nghiêng về một bên và dùng khăn lau sạch các chất dịch, đàm nhớt. Cho trẻ uống một cốc nước ấm (có thể pha muối) rồi tiếp tục để trẻ nôn.

Sau khi tiến hành sơ cứu tạm thời, các bậc phụ huynh hãy nhanh chóng đưa trẻ bị ngộ độc đến cơ sở y tế gần nhất. Các phụ huynh nên đem cây mà trẻ ăn để bác sĩ xác định đó có phải là cây ngô đồng hay không. Hầu hết các độc chất trong hoa đều không có thuốc điều trị đặc hiệu nên chỉ điều trị theo triệu chứng.

Trường tiểu học Kỳ Tân chặt bỏ cây ngô đồng sau vụ việc 7 học sinh ngộ độc sau khi ăn quả cây này. (Ảnh: tinmoi24.vn)

Từ những vụ việc trên, các bậc phụ huynh, nhà trường nên khuyến cáo, thông tin hình ảnh và tác hại của quả ngô đồng cho trẻ biết để tránh việc trẻ ăn phải bị ngộ độc dẫn đến những tổn hại sức khỏe nghiêm trọng. Các trường học cũng nên rà soát, loại bỏ ngay và không trồng loại cây này.

Yến Dương