“Trước khi chúng tôi thực hiện việc lấy giác mạc từ cô bé như một thiên thần đang say ngủ, người mẹ đã đặt nụ hôn lên trán con, rồi thủ thỉ “Con tặng lại ánh sáng cho bạn khác nhé” khiến sống mũi tôi cũng cay cay”…

Khi thấy cô con gái 7 tuổi mắc bệnh hiểm nghèo khó qua khỏi, người mẹ đã gọi điện đến Trung tâm điều phối quốc gia về hiến ghép mô tạng và bộ phận cơ thể người để xin được hiến tạng con, cứu người khi bé qua đời, theo Sức khỏe và Đời sống.

Cô bé 7 tuổi qua đời do ung thư được gia đình hiến giác mạc
Giây phút lấy giác mạc của cô bé 7 tuổi (ảnh: Vietnamnet).

Anh Nguyễn Hữu Hoàng, Giám đốc Ngân hàng mắt, Bệnh viện Mắt Trung ương chia sẻ, hơn 10 năm đi làm, ngày 22/2 vừa qua, anh cùng các đồng nghiệp đã được chứng kiến giây phút hiến giác mạc vô cùng xúc động của bé gái 7 tuổi ở Nam Từ Liêm, Hà Nội.

“Trước khi chúng tôi bắt đầu công việc, người mẹ nhìn con và nói “Con tặng lại ánh sáng cho bạn khác nhé”. Rồi chị đặt nụ hôn lên trán cô bé làm mình thấy sống mũi cay cay. Cô bé nằm đó như một thiên thần đang ngủ, mình bắt đầu công việc một cách nhẹ nhàng và cẩn thận nhất có thể như sợ sẽ phá giấc ngủ ngon lành kia. Hôm nay lần đầu tiên cũng làm một số việc chưa bao giờ làm nhưng tự thấy là hài lòng.

Bé gái hiến giác mạc vừa bước qua tuổi thứ 7 được 3 tháng nhưng đã phát hiện mắc ung thư thần kinh thể sao từ tháng 9/2017. Gia đình đã nhiều tháng nỗ lực điều trị tại Bệnh viện K, các y bác sĩ cũng đã nỗ lực cứu chữa cho bé, tuy nhiên đến trưa ngày 22/2, khi thấy con gái khó qua khỏi, mẹ bé đã gọi điện đến Trung tâm điều phối quốc gia về hiến ghép mô tạng và bộ phận cơ thể người để xin được hiến tạng con, cứu người khác khi bé qua đời.

Cuộc gọi của mẹ bé đến Trung tâm điều phối quốc gia về hiến ghép mô tạng và bộ phận cơ thể người vào buổi trưa, đã khiến bã cơm trưa của các cán bộ của Trung tâm như chùng xuống vì phép màu đã không đến với cô bé 7 tuổi và vì nghĩa cử cao đẹp của gia đình cháu bé. Tuy nhiên, do quy định hiện hành chỉ nhận tạng hiến từ người 18 tuổi trở lên nên trường hợp em bé không may qua đời thì kể cả khi các mô tạng của bé còn tốt, Trung tâm chỉ có thể nhận được giác mạc của cháu để tặng lại người nào đó bị bệnh lý giác mạc đang chờ.

Sau cuộc gọi của gia đình bé gái, Trung tâm điều phối quốc gia về hiến ghép mô tạng và bộ phận cơ thể người và Ngân hàng mắt đã kết nối thông tin. Chiều 22/2, sau khi bé gái qua đời, anh Hoàng và các kỹ thuật viên của Ngân hàng Mắt đã tới Bệnh viện K để nhận 2 giác mạc được bé gái hiến tặng.

Khi chúng tôi hết thúc công việc, người mẹ ngắm cô bé và nói “Mẹ tự hào về con”, anh Hoàng kể lại câu chuyện xúc động mà anh và các đồng nghiệp của Ngân hàng mắt, Trung tâm điều phối quốc gia về hiến ghép mô tạng và bộ phận cơ thể người được chứng kiến trong khi đi nhân giác mạc của người hiến.

Theo Vietnamnet, anh Hoàng cho biết, 2 giác mạc của cô bé đã được đưa về lưu trữ tại Ngân hàng mắt. Khác với các mô tạng khác cần hoà hợp với người hiến về nhiều mặt, việc ghép giác mạc dễ dàng hơn. Với giác mạc của người trẻ, nếu được ghép cho người càng trẻ càng tốt.

Việt Nam có 300.000 bệnh nhân bị mù vì các bệnh lý về giác mạc và mỗi năm con số này lại tăng thêm 15.000 bệnh nhân mới. Rất nhiều người có chỉ định ghép giác mạc nhưng không đủ nguồn giác mạc. Mỗi năm, Bệnh viện Mắt Trung ương tiến hành 100-150 ca phẫu thuật ghép giác mạc với nguồn giác mạc chủ yếu do các tổ chức quốc tế tài trợ.

Cũng như nhiều nguồn mô, tạng khác; số người hiến giác mạc tại nước ta không nhiều. Nhiều người chưa biết rằng giác mạc chỉ là một màng mỏng trong suốt nằm phía trước tròng đen của mắt. Với trình độ y học hiện nay, phẫu thuật viên sẽ nhanh chóng bóc lấy màng giác mạc ngay phía ngoài mắt cho vào hộp bảo quản chuyên dụng mà không ảnh hưởng gì đến đôi mắt của người quá cố.

Tại Việt Nam, hiện có nhiều người đăng kí hiến giác mạc, nhưng ở trẻ em hiến giác mạc còn ít, ca hiến giác mạc nhỏ tuổi nhất là 6.

Phương Nam