Huyết áp tăng cao bất ngờ có thể dẫn đến đột quỵ và gây nguy hiểm đến tính mạng con người nếu không biết cách sơ cứu kịp thời, đúng cách.

Tăng huyết áp là bệnh lý có thể gây ra rất nhiều biến chứng khác nhau, làm cho người bệnh trở nên tàn phế, thậm chí có thể tử vong.

Tăng huyết áp đột ngột là tình trạng các chỉ số huyết áp tăng cao bất thường một cách nhanh chóng khiến người bệnh không kịp trở tay. Bình thường, huyết áp của người trưởng thành có sức khỏe tốt sẽ ở mức 120/80mmHg.

Tăng huyết áp đột ngột là tình huống huyết áp đột nhiên tăng rất cao, chỉ số huyết áp lên nhanh, có thể lên 200mmHg, trên 200mmHg, kèm theo các triệu chứng như đau đầu dữ dội, choáng váng, tim đập nhanh, khó thở…

Chuyên gia mách cách sơ cứu nhanh khi bị tăng huyết áp đột ngột
Ảnh minh họa.

Theo Tri Thức Trẻ, PGS Nguyễn Hoài Nam, Giảng viên Trường đại học Y dược Tp.HCM cho biết, việc sơ cứu người bị huyết áp rất quan trọng, nếu làm không đúng dễ để lại biến chứng đáng tiếc.

Trong thời gian chờ bác sĩ đến khám hoặc đưa đi viện cần thực hiện ngay các bước sau:

– Cho người bệnh nằm nghỉ ngơi tại chỗ, hít thở sâu, thả lỏng cơ thể.

– Nếu có máy đo huyết áp cá nhân, đo ngay cho người bệnh. Chỉ số huyết áp cao trên 180mmHg nếu có viên hạ huyết áp nhanh dạng nhỏ giọt dưới lưỡi thì nhỏ luôn, nếu không có thì sử dụng thuốc viên hạ huyết áp.

Trường hợp chỉ số huyết áp từ 200mmHg trở lên, nếu trong nhà có thuốc lợi tiểu thì cho uống kèm luôn.

Người nhà cũng không nên vì quá lo lắng mà xúm lại hỏi han bệnh nhân quá nhiều. Người bệnh cũng không nên hoạt động gắng sức. Trong trường hợp huyết áp không hạ sau nghỉ ngơi thì cần đưa bệnh nhân đến bệnh viện để được xử trí kịp thời.

PGS Nam cho biết, nhiều người khi thấy người nhà bị tăng huyết áp họ lo lắng cho uống nước chanh, nước gừng… Tuy nhiên, các biện pháp này chỉ giúp người bệnh về mặt tâm lý chứ không làm hạ áp cho người bệnh. Đặc biệt người bệnh cần tránh các thức ăn có đường khi lên cơn cao huyết áp, vì lúc này đường có thể khiến huyết cao hơn.

Người bệnh có bệnh lý tăng huyết áp cần tuân thủ mọi chỉ dẫn của thầy thuốc về chế độ ăn uống, làm việc và dùng thuốc khi đã được chẩn đoán tăng huyết áp. Không được tự ý ngừng thuốc điều trị khi thấy huyết áp đã trở về bình thường khi không có ý kiến của thầy thuốc.

Thông thường thời gian điều trị tăng huyết áp rất dài, ngay cả khi huyết áp đã trở về bình thường người bệnh vẫn phải tiếp tục uống thuốc. Ngừng thuốc đột ngột có thể làm khởi phát cơn tăng huyết áp kịch phát nặng rất nguy hiểm.

Lưu ý:

Để phòng tránh tăng huyết áp, các bác sĩ khuyến cáo:

– Người bệnh không được tự mua thuốc điều trị khi không có sự chỉ dẫn và theo dõi của thầy thuốc vì tự ý dùng thuốc có thể nguy hiểm đến tính mạng.

– Giảm muối, hạn chế các loại dưa, cà muối

– Người bệnh không nên ăn các loại phủ tạng động vật như tim, gan, thận, lòng lợn, tiết canh, não, da các loại gia cầm vì những loại thức ăn này thường gây rối loạn lipid máu mà biểu hiện là lượng cholesterol, tryglycerides, LDL – cholesterol tăng cao.

– Nên ăn: cá, hải sản, rau xanh, trái cây, đậu xanh quả, các loại đậu hạt, măng, các loại ngũ cốc thô như: gạo lức, bắp lức, các loại đậu… Vì chất xơ có trong rau quả có tác dụng chuyển hóa các chất béo và làm hạ huyết áp. Mỗi ngày nên ăn khoảng 55 – 85g các chế phẩm từ sữa như phomát, sữa chua… Nên ăn chất béo có nguồn gốc thực vật, các loại dầu thực vật, dầu cá và một số hạt có chất béo như: hạt mè, hạt hướng dương, hạt hạnh nhân.

– Hạn chế các loại nước ngọt có ga, các loại bia, bột nở, các loại bột làm sủi bọt…

– Cần tập thể dục đều đặn ở mức vừa phải như đi bộ nhanh hoặc bơi lội trong vòng 30-45 phút, 3-4 lần/tuần.

– Ngưng hút thuốc là biện pháp hữu hiệu nhất để phòng bệnh tăng huyết áp và các bệnh tim mạch.

– Bớt uống rượu: uống nhiều rượu dễ làm tăng huyết áp.

– Không thức khuya, làm việc quá căng thẳng, ngủ ít nhất 7 giờ/ngày và đúng giờ. Nên tự tạo cho bản thân một cuộc sống hài hòa vui vẻ.

Phương Nam