Cho dù làm cảm cúm, chân tay miệng, ký sinh trùng… hay rất nhiều bệnh khác thì phương thức lây nhiễm phổ biến nhất là qua tay, ước tính đến khoảng 80% các ca – theo ước tính của Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Mỹ.

Bề mặt da là nơi trú ngụ của nhiều loại vi khuẩn do tiếp xúc nhiều nhất với các vật dụng hàng ngày. Có đến 40.000 vi khuẩn trên 1cm2 da mà chúng ta không nhìn thấy được. Con số này còn cao hơn nhiều ở bàn tay, đặc biệt là ở lòng bàn tay, kẽ tay, móng tay… Vi khuẩn có thể sống ở bàn tay ít nhất là 3 giờ liền. Từ tay, vi khuẩn sẽ vào cơ thể và gây bệnh,…

Vi khuẩn phát triển trên thạch từ bàn tay của em bé 8 tuổi

Khi vệ sinh da kém hay hệ miễn dịch suy yếu, vi khuẩn trên tay có cơ hội sinh sôi và tăng độc tính, gây nên những nhiễm trùng đáng ngại.

Dưới đây là một số bệnh thường gặp nhất.

1 Bệnh viêm dạ dày ruột

Bệnh gây ra bởi vi khuẩn Listeria, có mặt trong tự nhiên như trong đất, phân súc vật, nước thải, bùn lầy, rau hỏng, đặc biệt là trong lớp cỏ xanh chưa được phơi khô.

Vi khuẩn có thể xâm nhập từ tay tiếp xúc với  các nguồn bệnh qua đường tiêu hóa vào máu và các mô của người. Sau đó chúng di chuyển tới tế bào mẫn cảm và nhân lên nhiều lần. 

Listeria có thể gây viêm dạ dày-ruột, cùng với các triệu chứng giống như cảm cúm. Trong một số trường hợp đặc biệt, chúng có thể gây nhiễm trùng huyết và thậm chí là viêm màng não. Nếu không được can thiệp kịp thời, khả năng bệnh nhân tử vong khá cao.

2. Ngộ độc thực phẩm

Ảnh: migrin.com.vn

Ngộ độc thực phẩm thường do các vi khuẩn E.coli, Campylobacter, trực khuẩn Listeria monocytogenes và một số chủng khác. Chúng được tìm thấy trong ruột động vật, đồ ăn chưa nấu chín, nhưng cũng có thể do thực phẩm nhiễm bẩn phân từ tay bẩn.

Các triệu chứng thông thường bao gồm: đau bụng chuột rút, buồn nôn, nôn mửa, tiêu chảy, ớn lạnh, đổ mồ hôi, đầy bụng và nhức đầu. 

3. Bệnh viêm gan A

Bệnh viêm gan A lây truyền qua đường tiêu hoá. Việc không rửa tay sau khi sử dụng nhà vệ sinh làm tăng nguy cơ mắc bệnh này. Bệnh viêm gan A lan rộng do không rửa tay và sau đó dùng tay xử lý thực phẩm. Triệu chứng thường không xuất hiện cho đến 3-4 tuần sau khi phơi nhiễm. Triệu chứng bao gồm nước tiểu sẫm màu, mệt mỏi, buồn nôn, da vàng và nôn.

4. Bệnh lỵ

Bệnh lỵ khuẩn gây ra do vi khuẩn Shigella, bệnh lây qua đường tiêu hóa. Bệnh nhân khi nhiễm khuẩn Shigella sẽ có triệu chứng bị tiêu chảy nhiều lần nên mất nước và muối, dẫn đến hôn mê và tử vong. Bệnh này lây nhiễm trực tiếp qua bàn tay nhiễm khuẩn hoặc gián tiếp qua đường tiêu hóa.

5. Bệnh thương hàn

Ảnh: baomoi.com

Bệnh do vi khuẩn Salmonella gây nên. Đây là một chi vi khuẩn hình que thuộc họ Enterobacteriaceae – cùng họ với vi khuẩn E.coli nổi tiếng gây bệnh tiêu chảy. Chúng là nguyên nhân gây nên các bệnh như sốt thương hàn, sốt rét và ngộ độc thực phẩm.

Loại vi khuẩn này thường được tìm thấy ở trứng sống, thịt gia cầm nấu chưa chín, rau sống… và lây truyền nhanh chóng khi một người ăn phải đồ ăn có nhiễm khuẩn hay tiếp xúc với chất thải từ động vật/người nhiễm bệnh. Chỉ cần Salmonella ngụ trên tay là bạn hoàn toàn có thể “ăn” chúng bất cứ lúc nào.

Rửa tay để ngăn ngừa các nguy cơ nhiễm bệnh

Ảnh: gorenje.si

Dùng nước sạch, ấm và xà phòng sát khuẩn để rửa tay.

  • Làm ướt hai bàn tay bằng nước sạch. Dùng một lượng xà phòng vào lòng bàn tay. Chà xát hai lòng bàn tay với nhau.
  • Dùng ngón tay và lòng bàn tay này cuốn và xoay lần lượt từng ngón của bàn tay kia và ngược lại.
  • Dùng lòng bàn tay này chà xát chéo lên mu bàn tay kia và ngược lại.
  • Dùng đầu ngón tay của lòng bàn tay này miết vào kẽ giữa các ngón tay của bàn tay kia và ngược lại.
  • Chụm 5 đầu ngón tay của tay này cọ vào lòng bàn tay kia bằng cách xoay đi, xoay lại.
  • Xả cho tay sạch hết xà phòng dưới nguồn nước sạch. Lau khô tay bằng khăn hoặc giấy sạch.

Lưu ý: Cần chú ý thêm là thời gian cho mỗi lần rửa tay tối thiểu là 1 phút, các bước 2, 3, 4, 5 lặp lại tối thiểu 5 lần mỗi bước.

Minh Nguyên