Cuộc sống công nghiệp hoá ngày nay, áp lực học hành, thi cử căng thẳng từ gia đình và nhà trường đang làm cho những bệnh lý về tâm thần ở trẻ em và vị thành niên phát sinh đáng kể. Nhiều trường hợp không thể chịu đựng được đã từ bỏ cả mạng sống của mình. Vậy làm thế nào để giúp các em vượt qua được giai đoạn dễ biến động tâm lý này để có được tuổi thơ đúng nghĩa?

Ngày 6/2/2018, TS Fiona Samuels, đại diện nhóm nghiên cứu Quỹ nhi đồng liên hợp quốc (Unicef) kết hợp với Bộ LĐ – TB&XH công bố kết quả nghiên cứu về sức khoẻ tâm thần và tâm lý xã hội của trẻ em và thanh thiếu niên Việt Nam. Theo đó, tỉ lệ mắc các vấn đề sức khoẻ tâm thần chung ở trẻ em và trẻ vị thành niên Việt Nam từ 8-29%, từ mức độ nhẹ chưa phải điều trị đến nặng.

Tỉ lệ trẻ vị thành niên tự tử là 2,3%, dù thấp hơn tỉ lệ chung toàn cầu (9%) nhưng đang có xu hướng gia tăng. Trong số 409 người từng nghĩ đến tử tự có 102 người đã từng tìm cách tự tử, trong đó nhóm tự gây tổn hại bản thân như rạch tay hay tự nhốt mình ở nữ cao hơn nam, theo Vietnamnet.

Tiến sĩ Fiona Samuels. (Ảnh: dtinews.vn)

Nguyên nhân gia tăng rối loạn tâm thần tuổi học đường

Nguyên nhân của chứng rối loạn tâm thần có thể do khối lượng học tập quá tải, học thêm, bồi dưỡng ngoài giờ liên tục, phụ huynh kỳ vọng ở con em quá nhiều nên tạo một tâm lý nặng nề cho trẻ. Các em luôn trong tình trạng liên tục học mà không có thời gian thư giãn đầu óc và cơ thể.

Nhiều bậc phụ huynh cho rằng học càng nhiều càng tốt cho tương lai của con, trong khi họ lại quên mất việc cần hỏi han, động viên, hỗ trợ tinh thần của con trong cuộc sống.

Có những khúc mắc trong quan hệ bạn bè, bạo lực học đường cũng là những yếu tố stress dẫn đến các bệnh lý về tâm thần. Thêm nữa, các em thường có cảm giác tội lỗi hay bị xúc phạm từ những lời la mắng vô ý của người lớn.

Ảnh: baomoi.com

Những thói quen không lành mạnh như hút thuốc lá, uống rượu, không hoặc ít tập luyện thể dục thể thao hoặc thức quá khuya, ngủ dậy muộn; nghiện game, chơi điện tử quá nhiều cũng dẫn đến suy giảm chất lượng học hành, sức khỏe cũng làm ảnh hưởng tâm lý của các em.

Một trong những nguyên nhân ngày nay khiến cho vấn đề rối loạn tâm thần ở thanh thiếu niên gia tăng chính là sự phát triển quá đà của công nghệ. Chính những sản phẩm công nghệ hiện đại smartphone, ipad… đang khiến những cuộc trò chuyện trực tiếp trở nên khan hiếm hơn. Việc quan tâm đến cảm xúc, nét mặt đang trở nên là một thứ xa xỉ. Do vậy việc chia sẻ giữa người với người cũng trở nên khó khăn hơn.

Một số biểu hiện rối loạn tâm thần dễ mắc phải

Biểu hiện chung rối loạn tâm thần ở học sinh có thể phát hiện được như mất tập trung, căng thẳng, đau đầu, chóng mặt, khó kiểm soát hành vi; nặng hơn thì có biểu hiện trầm cảm, thậm chí hoang tưởng và dẫn đến hành vi tự sát. Một số dạng rối loạn tâm thần ở trẻ:

Bệnh trầm cảm:

Ban đầu sẽ xuất hiện các dấu hiệu của giai đoạn trầm cảm có thể bao gồm:

Ba triệu chứng chủ yếu: khí sắc trầm (hàng loạt cảm xúc tiêu cực như buồn chán, thất vọng, bi quan); mất mọi quan tâm thích thú (không còn cảm thấy hứng thú, vui vẻ đối với những việc mình từng cho là thú vị); giảm năng lượng, tăng mệt mỏi và giảm hoạt động.

Bảy triệu chứng phổ biến khác: giảm tập trung và sự chú ý; giảm tính tự trọng và lòng tự tin, khó khăn trong việc quyết định; ý tưởng bị tội và không xứng đáng; nhìn vào tương lai ảm đạm và bi quan; rối loạn giấc ngủ; rối loạn ăn uống (giảm hoặc tăng ăn uống); thay đổi trọng lượng cơ thể; có ý tưởng và hành vi huỷ hoại bản thân hoặc tự sát.

Trầm cảm có xu hướng dẫn tới tự huỷ hoại bản thân hoặc tự sát. (Ảnh: wikitree.co.kr)

Các triệu chứng này kéo dài trong khoảng ít nhất 2 tuần. Hầu hết các em sẽ gặp những cảm xúc này và có thể vượt qua, tự mình thoát khỏi trạng thái trầm cảm tạm thời, nhưng một số lại không thể. Khi những cảm xúc tiêu cực đó kéo dài dai dẳng, cản trở những hoạt động bình thường, thì sẽ thiết lập nên một loại bệnh tâm thần, thường được gọi là bệnh trầm cảm. Trầm cảm chiếm hơn 50% các trường hợp tự sát.

Rối loạn lo âu:

Lo âu là hiện tượng phản ứng tự nhiên (bình thường) của con người trước những khó khăn và các mối đe doạ của tự nhiên, xã hội mà con người phải tìm cách vượt qua, tồn tại, vươn tới. Tuy nhiên, nếu các em do lo lắng điểm số và thành tích cần đạt vượt quá khả năng giải quyết của mình trong thời gian dài thì nó lại có thể chuyển sang tình trạng lo âu bệnh lý.

Lo âu bệnh lý sợ đến lớp, ít giao lưu với bạn bè. (Ảnh: infonet.vn)

Triệu chứng cơ bản là bồn chồn, bứt dứt, khó chịu, đứng ngồi không yên; vã mồ hôi; run tay chân; ngủ kém, cảm giác đau đầu, đau dạ dày, căng đau ở cơ; cảm xúc không ổn định, các em có biểu hiện chậm chạp, sợ đến lớp học, ít tham gia vào các hoạt động giao lưu với bạn bè ở lớp; và lo lắng quá mức.

Bệnh lý loạn thần:

Là một trạng thái rối loạn tâm thần ít gặp hơn so với trầm cảm và rối loạn lo âu. Những stress căng thẳng khi thi cử là yếu tố thúc đẩy khởi phát của tình trạng loạn thần. Tuy ít gặp hơn nhưng rối loạn loạn thần cấp thường là bệnh nặng, phải điều trị nội trú, người bệnh thường biểu hiện với những triệu chứng hoang tưởng, ảo giác, rối loạn hành vi tác phong nhiều (hay cáu giận, có hành vi phá hoại mà trước đây chưa từng xuất hiện). Cũng có những trường hợp bệnh biểu hiện từ từ, kín đáo, và đến khi phát hiện bệnh thì người bệnh đã ở trạng thái bệnh nặng.

Biện pháp phòng tránh cần quan tâm và nỗ lực mỗi ngày

Các bậc phụ huynh không nên áp đặt thành tích học tập cho con, không thể hiện sự kì vọng quá cao ở con mà vô tình gây áp lực.

Cần phải tạo sự gần gũi gắn bó giữa cha mẹ với con cái, để trẻ có thể tâm sự, chia sẻ với cha mẹ khi gặp phải khó khăn trong việc học hành, trong các mối quan hệ xã hội. Giữ cho trẻ thật bình tĩnh khi quá lo lắng về một vấn đề gì đó. Tối giản tối đa việc sử dụng các thiết bị công nghệ hiện đại để dành thời gian cho con cái. Có sự trao đổi và liên kết chặt chẽ giữa gia đình và trường học để nhanh chóng nhận ra những biến đổi tâm lý của các em, đưa ra biện pháp hỗ trợ kịp thời.

Nhà trường phân bổ thời gian học tập và vui chơi giải trí cho học sinh hợp lí. Nên có các buổi du lịch dã ngoại, tham gia các hoạt động ngoài trời, đảm bảo đời sống tinh thần lành mạnh cho các học sinh.

Tổ chức các khoa học ngoài trời để giải toả áp lực học tập cho các em. (Ảnh: giaoduc.net.vn

Tổ chức các buổi đào tạo bổ sung, nâng cao kiến thức cho các thầy cô giáo về kiến thức tâm lý học đường để họ biết lắng nghe, chia sẻ, đồng hành với học sinh.

Cần tăng cường chuyên nghiệp hoá hoạt động tư vấn học đường, xây dựng các phòng tư vấn thân thiện, gần gũi và tôn trọng quyền riêng tư. Đây chính là một ‘bệ đỡ’ tuyệt vời cho các em học sinh trong độ tuổi biến động tâm lý có thể kiểm soát được cảm xúc và hành vi của mình để không phải xảy ra những trường hợp đáng tiếc.

Ngoài sự quan tâm của nhà trường, gia đình và xã hội thì sự cố gắng ở bản thân các em cũng là rất quan trọng. Trên đời này không có sự bế tắc mà chỉ con người nghĩ mình bế tắc thôi, nếu các em chưa đủ năng lực để giải quyết vấn đề, hãy tìm đến người khác nhờ trợ giúp. Ai cũng phải mắc sai lầm, thất bại; điều quan trọng là sau mỗi lần vấp ngã, các em tự tìm cho mình một con đường mới, đừng nghĩ đó là chân tường. Đó là lý do mà cây bút chì gắn bó với các em từ khi tập viết chữ luôn có cục tẩy kèm theo. Mỗi người đều chỉ có một cuộc đời để sống, vậy nên ‘đừng lãng phí’ – hãy sống thật trọn vẹn.

Yến Dương