Việc phát hiện 3 ca mắc bệnh dịch hạch gợi nhớ tới thảm họa “cái chết Đen” đang gây lo lắng và tranh luận trên mạng xã hội Weibo của Trung Quốc. “Năm con gà thì có dịch cúm gia cầm, năm lợn thì gặp dịch tả lợn châu Phi. Năm tới là năm chuột, dịch hạch đang tới rồi…”, một người khác ngao ngán.

Báo Tiền Phong đăng tải, ngành y tế Trung Quốc đang áp dụng các biện pháp phòng ngừa sau khi phát hiện 3 người mắc bệnh dịch hạch – căn bệnh từng gây đại dịch “Cái chết đen” quét qua châu Á, châu Âu hồi thế kỷ 14, làm biến mất 30-60% dân số châu Âu.

Xinhua đưa tin hôm 13/11, 2 bệnh nhân dịch hạch quê ở khu tự trị Nội Mông, đang được điều trị ở quận Triều Dương, thủ đô Bắc Kinh của Trung Quốc. 

Đến ngày 17/11, cơ quan y tế địa phương báo cáo, ca bệnh thứ 3 là một người đàn ông 55 tuổi ở Nội Mông, 28 người từng tiếp xúc với bệnh nhân bị cách ly. Bệnh nhân giấu tên cho biết, một tuần trước khi phát bệnh đã ăn thịt thỏ. Tuy nhiên, giới chức y tế chưa phát hiện mối liên quan nào giữa bệnh dịch hạch với việc bệnh nhân ăn thịt thỏ.

Nhà chức trách cũng cho hay, bệnh nhân thứ 3 không liên quan đến 2 ca dịch hạch thể phổi trước đó tại Bắc Kinh. Trong khi đó, cơ quan y tế Bắc Kinh thông báo sức khỏe 1 trong 2 bệnh nhân hiện đã ổn định, trường hợp còn lại chuyển biến “tương đối nghiêm trọng” dù ban đầu có dấu hiệu phục hồi.

Nguyên nhân và triệu trứng bệnh dịch hạch

Vi khuẩn Yersinia pestis gây bệnh dịch hạch (ảnh: AP).

Dịch hạch là một bệnh truyền nhiễm tối nguy hiểm, tiến triển cấp tính, lây lan mạnh với tỷ lệ tử vong cao và được xếp vào diện phải kiểm dịch và khai báo quốc tế. Bệnh do trực khuẩn Yersinia pestis gây ra, lưu hành trong quần thể động vật thuộc những loài gặm nhấm (chủ yếu là chuột) và bọ chét ký sinh trên chúng. Từ đó, bệnh lây truyền sang người qua trung gian bọ chét nhiễm khuẩn.

Dịch hạch từng gây ra “Cái chết Đen” vào giữa thế kỷ 14 trong lịch sử châu Âu, cướp đi sinh mạng của 30 triệu người, chiếm 33% dân số châu lục này thời đó.

Ở Việt Nam, vector gây bệnh chính là bọ chét Xenopsylla cheopis sống ký sinh chủ yếu trên chuột. Chó, mèo có Yersinia pestis cũng có thể nhiễm bệnh cho người nuôi. Thậm chí, một nghiên cứu khoa học năm 2018 cho rằng, không chỉ có chuột, chấy rận ở người cũng có thể góp phần làm lây lan “Cái chết đen”, CNN đưa tin ngày 13/11.

Dịch hạch thể phổi là “dạng dịch hạch nguy hiểm nhất” (ảnh minh họa)

Bệnh dịch hạch ở người gồm các thể bệnh: Thể hạch, thể nhiễm khuẩn huyết, thể phổi và thể màng não, thường gặp hơn cả là thể hạch (chiếm hơn 90% các thể bệnh). Dấu hiệu thường gặp nhất của bệnh là bệnh nhân bỗng nổi hạch và đau đớn.

Nhiều trường hợp, đặc biệt trong nhiễm trùng huyết và viêm phổi, không có dấu hiệu rõ ràng. Khi đó, việc chẩn đoán dựa vào các xét nghiệm mẫu bệnh phẩm như máu hay dịch từ hạch bạch huyết. Nếu xác định chính xác là dịch hạch, bệnh nhân cần được điều trị ngay lập tức.

Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), thể phổi là “dạng dịch hạch nguy hiểm nhất”, nguy cơ lây nhiễm rất cao, bệnh nhân không được chữa trị kịp thời có thể tử vong trong vòng 24-72 giờ. Người bệnh hít phải vi khuẩn dịch hạch thể phổi khi chúng phát tán trong không khí, hoặc do mổ xẻ, ăn thịt động vật nhiễm bệnh. Vi khuẩn có thể truyền sang người khác khi ho mà không cần vật trung gian.

Bệnh có các triệu chứng sốt, đau đầu, suy nhược cơ thể, sau đó chuyển sang ho, đau ngực, khó thở, đôi khi ho ra máu.

Cách phòng, chống dịch hạch

Theo Trung tâm kiểm soát và ngăn ngừa dịch bệnh Mỹ, để phòng bệnh cần lưu ý:

– Vệ sinh môi trường, cải thiện nhà cửa, kho bãi nơi làm việc, cất giữ lương thực cho người, gia súc kín đáo, để chuột và các loài gặm nhấm không có nguồn thực phẩm và môi trường thuận lợi để sống, sinh sôi.

– Đeo găng tay khi xử lý động vật chết để tránh tiếp xúc da với vi khuẩn dịch hạch (nếu có).

– Dùng thuốc chống, diệt côn trùng nếu nghĩ mình có thể đã tiếp xúc với bọ chét qua các hoạt động như cắm trại, trú ẩn hay làm việc ngoài trời. Những sản phẩm chứa DEET thoa lên da, quần áo, các sản phẩm chứa permethrin chỉ bôi ngoài trang phục (theo hướng dẫn sử dụng ngoài nhãn).

– Tránh cho các vật nuôi khỏi bọ chét bằng cách dùng thuốc diệt bọ chét. Chó, mèo… thả rông có nhiều khả năng tiếp xúc với chuột bị dịch hạch hay bọ chét và có thể mang bệnh về nhà. Nếu vật nuôi bị ốm, nên đưa đến bác sĩ thú y ngay. Ngoài ra, không cho chó, mèo hoang vào nhà, nhất là ngủ trên giường.

– Diệt chuột, bọ chét (đặt bẫy, phun thuốc, nuôi mèo, rắn, chim để bắt chuột…).

– Khám và thông báo ngay cho cơ quan y tế khi có biểu hiện bệnh.

Video xem thêm: 7 thói quen xấu khi mới thức dậy, bạn nên từ bỏ

videoinfo__video3.dkn.tv||49c5960a2__