Thời tiết lạnh sâu, tạo điều kiện cho bệnh đau nhức xương khớp xuất hiện, tái phát gây nhiều phiền toái cho cuộc sống của mọi người. Vậy phải làm sao để giảm đau nhức xương khớp khi trời lạnh?

Thời tiết rét đậm gây ảnh hưởng tới sinh hoạt và làm tăng nguy cơ làm bùng phát nhiều bệnh, trong đó có viêm khớp – căn bệnh ảnh hưởng đến hàng triệu người trên toàn thế giới.

Cách "xoa dịu" đau nhức xương khớp khi trời lạnh
Ảnh minh họa.

Bệnh phổ biến ở người lớn tuổi, phụ nữ mắc nhiều hơn nam giới. Triệu chứng của viêm khớp bao gồm đau khớp, cứng khớp, đau mạn tính, đỏ và sưng khớp. Viêm khớp có thể xảy ra ở hầu hết các khớp trong cơ thể, nhưng phổ biến nhất là ở khớp vai, khớp hông, cột sống và khớp gối.

Khi bị đau nhức xương khớp, người bệnh rất sợ cử động dẫn đến các khớp trở nên tê cứng, khó cử động, đặc biệt là khớp gối, khớp cổ tay, ngón tay…

Các bệnh đau xương khớp thường gây đau đớn, làm cản trở các hoạt động và có thể gây nên những biến chứng nguy hiểm như biến dạng khớp, tàn tật vĩnh viễn hay thậm chí ảnh hưởng đến tính mạng nếu không được điều trị đúng cách.

Thời tiết lạnh ảnh hưởng lên các khớp viêm như thế nào?

Lạnh giá làm tổn hại các tế bào xương và sụn khiến các triệu chứng viêm khớp dễ bùng phát. Trời rét kèm theo độ ẩm tăng cao do mưa phùn làm cho các gân cơ bị co rút lại, dịch khớp đông quánh hơn khiến cho các khớp trở nên khô cứng, đau mỏi, khó cử động.

Cơ thể trở nên nhạy cảm hơn trong mùa lạnh do kích thích thần kinh. Lưu lượng máu cũng tăng hơn trong mùa lạnh, vùng quanh các khớp viêm nhiều máu hơn gây ra sưng đỏ khớp.

Cách "xoa dịu" đau nhức xương khớp khi trời lạnh
Cách "xoa dịu" đau nhức xương khớp khi trời lạnh

Các dạng viêm khớp thường gặp

Viêm xương khớp: Xảy ra khi các mô đệm các khớp giữa các xương bị thoái hóa liên tục. Nếu không có lớp đệm này, xương sẽ sưng lên và gây đau đớn khi vận động.

Viêm khớp dạng thấp: Xảy ra khi hệ miễn dịch tấn công và giết chết tế bào cơ thể, làm cho mô giữa các khớp bị sưng. Viêm khớp dạng thấp làm giảm rõ rệt tính linh hoạt và vận động của cơ thể và theo thời gian sẽ làm xói mòn xương.

Thoái hoá cột sống: Thoái hoá cột sống là căn bệnh rất phổ biến, gặp nhiều ở những người trên 35 tuổi nhưng nhiều nhất là người cao tuổi, bệnh gặp cả nam và nữ.

Thoái hoá cột sống thường xảy ra ở những vị trí chịu lực nhiều như cổ, gáy, thắt lưng với biểu hiện chính là đau âm ỉ, tăng lên khi vận động, giảm khi nghỉ ngơi, nhói buốt hoặc đau lan toả ra vùng xung quanh gồm 2 bả vai, vùng hông, chi dưới.

Viêm khớp vẩy nến: Thường gặp ở những người bị bệnh vẩy nến với đặc trưng là da khô, đỏ và bong vẩy trên da. Bệnh xảy ra khi hệ thống miễn dịch của cơ thể quá nhạy cảm.

Gout: Do acid uric lắng đọng ở khớp. Tinh thể muối urate lắng đọng ở nhiều khớp và các bộ phận khác nhau của cơ thể, gây rất nhiều đau đớn cho người bệnh và làm hạn chế vận động.

Cách giảm đau xương khớp khi trời lạnh

Dưới đây là một số lời khuyên bổ ích giúp chăm sóc bệnh xương khớp đúng cách, tránh đau nhức khi trời lạnh:

Giữ khô và ấm cơ thể

Khi trời trở lạnh, cần mặc đủ ấm, dùng khăn quàng cổ, găng tay, tất… Hạn chế chân, tay bị ẩm ướt, cần nhanh chóng lau khô người sau đi mưa. Khi khớp có dấu hiệu đau nhức, tê cứng, cần làm nóng/ ấm xung quanh vị trí đau bằng dầu hoặc chườm nóng. Không nên xoa bóp trực tiếp lên vùng khớp viêm cấp (sưng, nóng, đỏ, đau).

Vận động phù hợp

Tâm lý chung là khi bị đau nhức xương khớp người bệnh hay sợ cử động, dẫn đến các khớp tê cứng và bệnh nặng thêm. Do vậy, đau khớp vẫn cần vận động phù hợp để khớp được “hô hấp”, mô sụn có điều kiện hấp thu dưỡng chất từ xương dưới sụn và dịch khớp.

Những môn thể thao nên tập gồm bơi lội, dưỡng sinh, uốn dẻo nhẹ cơ thể… dưới sự hướng dẫn của chuyên gia, bác sĩ. Ngược lại, cần tránh bóng đá, bóng chuyền, tennis, mang vác nặng…

Ăn uống, duy trì cân nặng hợp lý

Đảm bảo hấp thu đầy đủ các vi chất cần thiết như canxi, vitamin C, D, ăn nhiều trái cây, cá hồi, các loại hạt, rau lá xanh, cải xoăn… Hạn chế các chất kích thích, thịt đỏ, chất béo bão hòa, đồ ăn quá chua, quá mặn…

Đặc biệt, duy trì cân nặng hợp lý để tránh gây áp lực cho các khớp, giúp khớp không bị thoái hóa sớm.

Không tự ý dùng thuốc giảm đau

Khi khớp bị đau nhức, nên đi khám bác sĩ sớm để được chỉ định điều trị phù hợp. Không nên tự ý mua thuốc giảm đau về dùng (thường chứa corticoid dễ gây tổn thương dạ dày, phù nề, suy giảm hệ miễn dịch…).

Tránh áp dụng các phương cách điều trị truyền miệng, các sản phẩm không rõ nguồn gốc, không có nghiên cứu khoa học rõ ràng vì dễ làm bệnh tình nặng thêm.

Khi có biểu hiện của viêm khớp, nhất thiết phải đến bác sĩ để được chẩn đoán và điều trị. Người bệnh cần trao đổi với bác sĩ và chuyên gia vật lý trị liệu.

Phương Nam