Vụ việc cà phê nhuộm pin mới bị phát hiện đã dấy lên hồi chuông báo động về chất lượng cà phê tại Việt Nam. Nếu vô tình uống phải loại cà phê này, tác hại lên sức khỏe sẽ thật khó lường. Hãy tìm hiểu thêm cách phân biệt cà phê thật và cà phê giả pha trộn nhiều loại tạp chất?

Ngày 16/4 vừa qua, lực lượng cảnh sát môi trường Công an tỉnh phối hợp với Thanh tra Sở NN&PTNT tỉnh Đắk Nông đã kiểm tra đột xuất cơ sở sản xuất cà phê bột của bà Nguyễn Thị Loan (thôn 13, xã Đắk Wer, huyện Đắk R’lấp, tỉnh Đắk Nông).

Tại thời điểm kiểm tra, lực lượng chức năng phát hiện hàng chục tấn cà phê ‘bẩn’ đã được trộn lẫn với đất, bột đá và các tạp chất khác; 2 chậu chứa các cục pin Con Ó (khoảng 35kg) đã được đập vụn; 1 xô chứa nước màu đen (khoảng 10kg) nghi hòa tan bằng than pin và 12 tấn cà phê bột đã được nhuộm đen bằng pin chuẩn bị đóng gói cùng nhiều máy móc, dụng cụ sản xuất cà phê ‘bẩn’.

Cơ sở sản xuất cà phê nhuộm pin. (Ảnh: vov.vn)

Bước đầu bà Loan thừa nhận cơ sở sản xuất cà phê này hoạt động từ nhiều năm nay. Để có nguồn nguyên liệu, hàng ngày bà Loan cho người đi thu mua vỏ cà phê, cà phê thải loại tại các cơ sở chế biến khác. Sau đó đập dẹp các cục pin, lấy phần lõi pin hòa với nước để nhuộm, đóng gói, rồi đưa ra thị trường bán kiếm lời.

Chỉ tính từ đầu năm 2018 đến nay, bà Loan đã bán ra thị trường hơn 3.000 kg cà phê “bẩn” được nhuộm đen bằng lõi pin Con Ó.

Tác hại của việc sử dụng cà phê nhuộm lõi pin

Trong pin có nhiều kim loại nặng như chì (Pb), thủy ngân (Hg), kẽm (Zn), cadmium (Cd) và Asen (As) hay còn gọi là thạch tín, magan…. axit và nhiều thành phần hóa học khác có thể gây ngộ độc, ảnh hưởng sức khỏe người tiêu dùng. Đây là những chất cực độc, gây nguy hiểm cho não, thận, tim mạch và khả năng sinh sản của con người.

Ths. Bs Nguyễn Văn Tiến ở Trung tâm Giáo dục Truyền thông dinh dưỡng, Viện Dinh dưỡng Quốc gia, nếu sử dụng thực phẩm nước uống nhiễm kim loại nặng có khả năng gây ngộ độc cấp tính làm ảnh hưởng tới sức khỏe khôn lường.

Ngộ độc thủy ngân: cảm giác thấy vị kim loại nặng trong cổ họng, đau bụng, nôn, xuất hiện những chấm đen trên lợi, bị kích động, tăng huyết áp, sau 2-3 ngày có thể tử vong vì suy thận.

Ngộ độc thuỷ ngân có thể gây tử vong vì suy thận. (Ảnh: plo.vn)

Ngộ độc cấp bởi Asen (thạch tín): nạn nhân có biểu hiện nôn mửa, đau bụng, tiêu chảy, khát nước dữ dội, mạch tim đập yếu, nhợt nhạt rồi thâm tím, bí đái.

Nhiễm độc chì cấp tính khi ăn uống phải một lượng chì 25 – 30g: nạn nhân lúc đầu có thể thấy vị ngọt, rồi chát, tiếp theo là cảm giác nghẹn ở cổ, chảy máu thực quản, dạ dày, nôn ra chất trắng (chì clorua) đau bụng dữ dội, ỉa chảy, phân đen (chì sunfua), mạch yếu, tê chân tay, co giật và tử vong.

Nhiễm độc chì cấp tính khi ăn uống phải một lượng chì 25 – 30g. (Ảnh: Howling Pixel)

Bên cạnh đó, nếu nhiều lần ăn uống phải thức ăn, đồ uống có hàm lượng các nguyên tố kim loại nặng, thì sẽ có một số lượng bị tích lũy dần trong cơ thể người ở các bộ phận như gan, thận, não. Các biểu hiện của ngộ độc mạn tính như: da mặt xám, tóc rụng, viêm dạ dày – ruột, đau mắt, đau tai, có asen trong nước tiểu, gây yếu dần và kiệt sức.

Theo PGS.TS Trần Hồng Côn, khoa Hóa học, ĐH Khoa học Tự nhiên, ĐH Quốc gia Hà Nội, lõi pin chủ yếu là bột mangan dioxit, chất tạo ra màu đen. Khi trộn lõi pin với cà phê, thì trong quá trình pha cà phê, mangan dioxit sẽ thôi ra nước. Người uống phải lượng mangan này sẽ có thể bị ngộ độc. “Nếu hàm lượng mangan cao vượt quá 0,5 mg/lít sẽ gây ảnh hưởng đến một số cơ quan nội tạng của cơ thể”, PGS Côn cho hay.

Theo chuyên gia này, mangan không có khả năng gây đột biến hình thành các bệnh nguy hiểm như ung thư. Nhưng nó có liên quan mật thiết đến hệ thần kinh, gây ra các độc tố hình thành hội chứng Manganism với các triệu chứng tương tự bệnh Parkinson. Nếu lượng mangan hấp thu vào cơ thể cao có thể gây độc với phổi, hệ thần kinh, thận và tim mạch. Đặc biệt, chuyên gia khuyến cáo phụ nữ đang mang thai và trẻ em tuyệt đối tránh tiếp xúc và sử dụng nguồn nhiễm mangan.

Một số cách phân biệt cà phê thật và cà phê nhuộm pin

  • Bột cà phê thật: tơi xốp,mịn và màu đều hơn, không vón cục, lổn nhổn, màu nâu đậm chứ không đen.
Ảnh: Cà phê Daklak
  • Mùi cà phê thật thơm, dễ chịu chứ không gay gắt như mùi hương liệu
  • Khi bạn chế nước sôi 100 độ C vào phin chứa cà phê thật, lập tức bột cà phê sẽ nở phồng lên, sủi bọt mạnh, thậm chí tràn ra cả ngoài phin, không bết dính. Nếu sau khi cho vài muỗng bột (khoảng 20-25g) vào phin, bạn chế nước sôi vào mà thấy bột trong phin không nở phồng lên, trái lại còn bẹp xuống, lịm xuống và bốc mùi thơm thì bạn biết chắc chắn trong phin này có rất rất ít cà phê.
Ảnh: Doisongvietnam.vn
  • Bột và nước cà phê thật màu đậm, không đen thui. Cà phê là một loại hạt kỳ lạ. Dù bạn rang nó ở nhiệt độ bao nhiêu, thời gian bao lâu, và cháy gần như thành than thì khi xay ra pha thành ly cà phê thì màu nước luôn có màu nâu cánh gián đến nâu đậm. Tuyệt nhiên không có màu đen thui, đen đậm.
Ảnh: Vietblend
  • Nước cà phê thật ít sánh, vị đắng xen chua nhẹ, không chua mùi bún lên men.
  • Nước cà phê thật bọt nâu sáng, nhanh xẹp, không ánh sắc cầu vồng.

Tất nhiên, sẽ rất khó có thể nhận biết chính xác thật / giả chỉ thông qua một vài thử nghiệm quan sát thông thường, bởi lẽ còn tùy thuộc vào tỉ lệ và loại tạp chất có trong sản phẩm. Do vậy cách tốt nhất vẫn là tìm cho mình những thương hiệu, nhà cung cấp tin cậy nhất.

Yến Dương