Đeo một chiếc cà vạt ưa thích, ở cái tuổi xưa nay hiếm, Tiến sĩ Y khoa William Frankland ngồi tựa vào chiếc ghế bành màu be và kể lại câu chuyện cuộc đời mình mà các nhà sản xuất phim Hollywood cũng chỉ thốt lên trong mơ ước…

Tiến sĩ William Frankland được sinh đôi vào năm 1912, bắt đầu học y vào những năm 1930, làm việc tại một căn cứ quân sự ở Singapore trong suốt chiến tranh Thế giới thứ 2 và bị giam giữ như một tù binh trong suốt hơn 3 năm. Ông trở lại nước Anh sau chiến tranh và tiến hành nghiên cứu y khoa cùng thời với Alexander Fleming – người khám phá ra penicillin. Sau đó, ông đã trở thành một nhà dị ứng và phát triển hệ thống đếm phấn hoa và giúp mọi người hiểu rõ hơn về cách kích hoạt phản ứng dị ứng trong cơ thể người.

William Frankland và anh em sinh đôi, Jack Frankland. (Ảnh: Courtesy From Hell Island/CNN)

Để vinh danh tất cả những gì nhà khoa học đã công hiến vào những năm 1950, Viện Dị ứng thuộc Bệnh viện St.Mary ở London đã được đặt theo tên của ông. Tại thời điểm đó, ông đã có gần một nửa thế kỷ để phát triển sự nghiệp của mình. Ông William Frankland chia sẻ:

– Vậy nên mọi người thường nói, ‘Ông có bí quyết gì sống thọ vậy?’. Câu trả lời của tôi là: Tất cả những gì tôi có thể nói là tôi đã đến gần cái chết rất nhiều lần nhưng bằng cách nào đó tôi đã luôn luôn quên mất nó và đó là lý do tại sao tôi vẫn ở đây.

Ở tuổi 106, ông vẫn thỉnh thoảng tư vấn cho các bệnh nhân và đóng góp bài cho các ấn phẩm tạp chí. Ông ấy thích đọc các tạp chí y khoa và tiếp tục dõi theo lĩnh vực dị ứng mà ông đã có những công trình tiên phong.

Paul Watkins đã viết tiểu sử về cuộc đời của Tiến sĩ Frankland trong cuốn: “Từ Đảo Địa Ngục đến dị ứng phấn hoa”. Watkins đã nói:

– Điều này là một trải nghiệm khá độc đáo. Và tôi nghĩ rằng, rất ít người có thể làm được những điều đặc biệt như Tiến sĩ Frankland. Cuộc đời đáng chú ý của ông có rất nhiều thay đổi, thử thách, và trải nghiệm thực sự đáng quý, mà hầu hết trong chúng ta thậm chí có thể không thể hiểu được.

Ngoài tuổi thọ kéo dài, Tiến sĩ Frankland còn được biết đến là người còn có sự sắc bén về trí não. Ông ấy đang viết một bài báo về sự phát hiện ra penicillin dựa vào thời gian mà ông ấy ở cùng với Fleming.

William Frankland trong lễ cưới của mình, trước khi tham gia chiến tranh. (Ảnh: Courtesy from “From Hell Island to Hay Fever” by P. Watkins/CNN)

Ông ấy chấp nhận nỗi buồn, cũng như những thăng trầm đã trải nghiệm trong nhiều năm. Tuy nhiên, ông đã chọn cách tiêu trừ đi cảm xúc tiêu cực, nỗi sợ hãi và chỉ tập trung vào hạnh phúc mà thôi. Những kỷ niệm từ cuộc đời của ông vẫn sống động vẹn nguyên. Thậm chí, ông còn nhớ được sinh nhật 3 tuổi của mình, khi đó ông ấy đã ăn quá nhiều và bị ốm.

“Tôi rất quan tâm không chỉ hiện tại, tương lai mà đặc biệt hơn là cả quá khứ. Nó thật tuyệt khi nhìn lại một số trải nghiệm mình đã đi qua”. Tiến sĩ Frankland nói.

Người tiên phong trong lĩnh vực dị ứng

Vào năm 1953, tại Bệnh viện St. Mary, London, Tiến sĩ Frankland đã phổ biến rộng rãi cách đếm phấn hoa, hiện nay được sử dụng trên toàn thế giới để giúp bác sĩ và bệnh nhân hiểu được những tác nhân gây dị ứng. Ông đã tự thử nghiệm trên bản thân để nghiên cứu. Ông chia sẻ:

– Tôi đã gây ra sốc phản vệ nghiêm trọng cấp tính trên bản thân từ một con côn trùng. Ngày nay, các bạn không được phép làm như thế. Nhưng với tôi, tôi đã quyết tâm tìm ra cách mà tôi phản ứng với muỗi, bọ chét hay bất cứ loài côn trùng nào cắn tôi.

Tiến sĩ William Frankland bên kính hiển vi. (Ảnh: Courtesy from “From Hell Island to Hay Fever” by P. Watkins/CNN)

Công việc của ông tập trung vào dị ứng phấn hoa, những nghiên cứu sớm liên kết các triệu chứng dị ứng từ phấn hoa đã thay đổi hiểu biết của mọi người về tình trạng này. Khi bước sang tuổi 100, ông có viết một số bài báo để xuất bản nhưng vẫn đang trong tiến trình gần hoàn thiện. 

“Tôi đã viết bốn bài báo từ lúc 100 đến 105 tuổi”. Ông nói. “Hai trong số đó là một mình tôi làm, những bài khác là hợp tác với nhiều tác giả. Bây giờ, tôi đã 106, tôi sẽ viết thêm, và nó gần hoàn thành rồi”.

Giữ cho tâm trí khoẻ mạnh

Suy giảm khả năng tinh thần theo thời gian là khía cạnh lão hoá đáng sợ nhất. Nhưng điều đó không có nghĩa là không thể tránh khỏi. Giữ cho việc hoạt động não bộ đến tận cuối đời thực sự có thể giúp sinh ra các tế bào não và các liên kết mới.

Trên chiếc ghế bành của mình, ông Frankland nói:

– Khi già đi, có những thứ bạn không thể làm. Tôi đã quá già để tiếp tục chạy. Nhưng tôi vẫn chắc chắn giữ cho bộ não của mình luôn luôn hoạt động. Tôi đọc rất nhiều tạp chí và tài liệu khoa học định kỳ mỗi tháng, thậm chí là Tạp chí Y khoa Anh định kỳ mỗi tuần.

Vào năm 2015, ở độ tuổi 103, Tiến sĩ Frankland đã nhận được Huân chương của Đế quốc Anh vì những đóng góp quan trọng của ông trong lĩnh vực nghiên cứu dị ứng. Vậy, ông ấy đã làm tất cả những điều này như thế nào trong những năm qua?

“Tôi nghĩ cái giúp tôi suốt những năm qua là chọn một cuộc sống lành mạnh. Không hút thuốc, không ăn quá nhiều, chú trọng luyện tập thể dục một chút. Và cuối cùng là giữ cho năng lượng tràn đầy cả về mặt tâm lý và cảm xúc vào những việc đang làm. Hãy thực hiện điều này trong từng bước đi của bạn”. Tiến sĩ Frank chia sẻ.

Theo CNN
Mộc Chi biên dịch