Ngày 3/4, nhiều bệnh nhân phản ánh 2 điểm tiêm lớn tại Tp.HCM là bệnh viện Bệnh nhiệt đới và Viện Pasteur đều không còn vắc-xin phòng ngừa bệnh dại Verorab.

Bệnh nhân "chạy ngược chạy xuôi" vì thiếu vắc-xin ngừa bệnh dại
Bệnh nhân "chạy ngược chạy xuôi" vì thiếu vắc-xin ngừa bệnh dại

Bác sĩ Nguyễn Văn Vĩnh Châu, Giám đốc bệnh viện Bệnh nhiệt đới cho biết vắc-xin tiêm ngừa dại đã hết một tuần qua. Bệnh viện đã báo cáo Sở Y tế để có hướng giải quyết. Những bệnh nhân đang tiêm chưa đủ liều thì được giới thiệu qua Viện Pasteur để tiêm tiếp.

Tuy nhiên, Viện Pasteur hôm qua cũng đã hết vắc-xin tiêm ngừa bệnh dại Verorab. Viện đã báo cáo cho Cục Quản lý dược để làm việc với nhà cung cấp, theo Thanh Niên.

Bệnh nhân "chạy ngược chạy xuôi" vì thiếu vắc-xin ngừa bệnh dại
Một số điểm tiêm tư nhân còn vắc-xin nhưng số lượng rất hạn chế (ảnh: Thanh Niên).

Trước đó ngày 10/2, bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Tp.HCM và nhiều trung tâm y tế dự phòng quận huyện trên địa bàn đã thông báo vắc-xin phòng ngừa bệnh dại Verorab (PVCRV – Vero cell) của Công ty Sanofi Aventis (Pháp) hiện không còn nguồn cung cấp.

Bệnh nhân "chạy ngược chạy xuôi" vì thiếu vắc-xin ngừa bệnh dại
Việt Nam đang sử dụng 2 loại vắc-xin tiêm ngừa dại là Verorab (Pháp) và Abhayrab (Ấn Độ). Tuy nhiên, vắc-xin Verorab được sử dụng nhiều hơn (ảnh: indiamart).

Theo Infonet, bệnh dại là bệnh gây ra bởi virus, chủ yếu được lây truyền từ nước bọt của các loài động vật bị dại sang người thông qua vết cắn hoặc vết trầy xước trên cơ thể con người; cũng có thể khi động vật bị dại liếm vào vết thương, vào những chỗ da người bị trầy xước.

Sau khi xâm nhập vào cơ thể người, virus nhân lên và hướng tới hệ thần kinh trung ương, di chuyển dọc theo các dây thần kinh tiến tới tủy sống và não phá hủy mô thần kinh, gây nên những kích động ở người bệnh.

Người bị bệnh dại có những biểu hiện kích động như sợ nước, sợ gió, sợ ánh sáng; hoặc có trường hợp bị liệt dẫn tới hôn mê. Người bệnh thường tử vong sau 7-10 ngày.

Diễn biến từ khi bị chó dại cắn thường có 2 thời kỳ:

– Thời kỳ đầu: Khoảng 1-4 ngày, biểu hiện kín đáo và thất thường như sốt, đau đầu, mất ngủ, có cảm giác ngứa, kiến bò chỗ vết cắn; lo âu, căng thẳng.

– Thời kỳ toàn phát: Lúc này người bệnh đau nhức đầu nhiều, buồn nôn, chóng mặt, lo âu cực độ, trạng thái kích thích và tăng cảm giác biểu hiện là sợ nước, sợ gió, ánh sáng, mùi lạ. Ngoài ra còn có các biểu hiện của rối loạn thần kinh thực vật, như giãn đồng tử, tăng tiết nước bọt, nước mắt, vã mồ hôi, hạ huyết áp…

– Người bệnh thường tử vong trong vòng vài ngày sau khi lên cơn dại. Ở giai đoạn này, người bệnh chỉ thoáng nhìn thấy hình ánh nước đã có thể gây co thắt ở cổ và họng.

Bệnh nhân "chạy ngược chạy xuôi" vì thiếu vắc-xin ngừa bệnh dại
Theo thống kê của bệnh viện Bệnh Nhiệt đới, trong 3 năm vừa qua, số người bị chó cắn phải đi tiêm ngừa tăng cao, đặc biệt là vào các tháng trước và sau Tết. Năm 2017 thì số tiêm ngừa chó cắn tăng lên 10.023 người; cao điểm là tháng 1 với 821 người.

Khi bị chó dại cắn sau đó lên cơn thì 100% người bệnh tử vong. Do vậy, khi bị chó cắn bệnh nhân cần đến cơ sở y tế để được hướng dẫn cụ thể. Việc theo dõi sát con chó (mèo) đã cắn là rất cần thiết.

Nếu chó đi mất, hoặc bị ốm, chết, giết thịt… thì báo ngay cho cán bộ y tế biết để thay đổi cách xử trí cho người bệnh phù hợp hơn. Tiêm vắc-xin càng sớm thì hiệu quả phòng bệnh càng cao.

H.H