Bệnh viện Bạch Mai tiếp nhận nam bệnh nhân Nguyễn Văn Sơn (đã đổi tên, sinh năm 1968) được chuyển từ bệnh viện Cát Bà (Hải phòng) lên trong tình trạng nguy kịch, liệt toàn thân, suy hô hấp nặng do liệt cần phải thở máy, đồng tử 2 bên giãn (6 mm).

Trước đó, khoảng 19h ngày 14/9, ông Sơn có ăn một con so bằng bát ăn cơm. Đến 22h cùng ngày, ông thấy khó thở, tê môi, lưỡi, miệng, mặt, chân tay và bắt đầu nói khó, khó thở. Gia đình đã đưa ông vào bệnh viện Cát Bà (Hải Phòng) cấp cứu.

Tại đây, bệnh nhân đã được cấp cứu nhưng tình trạng khó thở tăng, liệt tất cả các chân, tay và xuất hiện sụp mi nên được chuyển gấp lên Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai. Ngay khi nhập viện, bệnh nhân đã được các bác sĩ thở máy và các biện pháp hồi sức tích cực.

Sau 4 ngày điều trị tích cực, hiện nay bệnh nhân có thể tự thở, tỉnh táo, tiếp xúc tốt.

Bác sĩ Nguyễn Trung Nguyên, phụ trách Trung tâm chống độc cho biết, đây một trường hợp ngộ độc tetrodotoxin rất điển hình. Tetrodotoxin là độc tố thần kinh, rất độc, không bị ảnh hưởng qua quá trình đun nấu.

Trong vòng vài phút đến vài giờ sau ăn, bệnh nhân rối loạn cảm giác (tê môi, lưỡi, chân tay), sau đó nhanh chóng bị liệt toàn bộ các cơ của cơ thể, đồng tử giãn. Trong đó quan trọng là liệt các cơ hô hấp, khiến bệnh nhân không thể ho khạc, thở, nhanh chóng suy hô hấp và tử vong. Chất độc này cũng có thể gây loạn nhịp tim, tụt huyết áp, nôn, đau bụng.

Chất độc tetrodotoxin phổ biến có ở cá nóc, tuy nhiên cũng có ở nhiều loài sinh vật khác như con so, bạch tuộc vòng xanh, sao biển, một số loài cua, sa giông, một số loài ốc biển…

Bác sĩ Nguyên khuyến cáo, để phòng tránh các trường hợp ngộ độc và tử vong đáng tiếc, người dân không nên ăn cá nóc cũng như các loài sinh vật biển lạ.

Tuệ Anh (Tổng hợp)