Trong văn hóa truyền thống, cơ thể người thường được coi là một tiểu vũ trụ, đó là sự cân bằng giữa “âm” và “dương”, chiểu theo sự diễn hóa của quy luật ngũ hành.

Ăn uống chính là một sự tuần hoàn vật chất giữa con người và tự nhiên, người xưa rất chú trọng việc ăn uống thế nào cho phù hợp với sự quân bình âm dương và sự diễn hóa của ngũ hành. Vì vậy, để đảm bảo cơ thể được khỏe mạnh, các món ăn của người Việt xưa rất chú trọng đến sự quân bình âm dương của món ăn.

Các gia vị được sử dụng một cách tương sinh hài hòa với nhau, như món ăn dễ gây lạnh bụng (tính hàn) buộc phải có gia vị cay nóng (tính nhiệt) đi kèm và ngược lại. Các nguyên liệu tính nóng (ấm) phải được nấu cùng nguyên liệu tính lạnh (mát) để tạo sự cân bằng cho món ăn.

Các món ăn kỵ nhau không thể kết hợp trong một món hay không được ăn cùng lúc vì không ngon, hoặc có khả năng gây hại cho sức khỏe cũng được dân gian đúc kết thành nhiều kinh nghiệm lưu truyền qua nhiều thế hệ. Ví dụ như:

  • Thịt vịt tính “lạnh”, thích hợp ăn vào mùa hè với nước mắm gừng, tính “nóng”.
  • Thịt gà và thịt lợn tính “ấm”thích hợp ăn vào mùa đông (trước đây thường chỉ khi đến Tết mới làm thịt lợn, thịt gà).
  • Thủy sản các loại từ “mát”đến “lạnh” rất thích hợp để sử dụng với gừng, sả, tỏi (“ấm”).
  • Thức ăn cay (“nóng”) thường được cân bằng với vị chua, được coi là (“mát”).
  • Trứng vịt lộn (“lạnh”), phải kết hợp với rau răm (“nóng”).
  • Bệnh nhân cúm và cảm lạnh phải uống nước gừng, xông bằng lá sả, lá bưởi (“nóng”).
Ăn trứng vịt lộn không thể thiếu rau răm và gừng (Ảnh: Internet)
Ăn trứng vịt lộn không thể thiếu rau răm và gừng (Ảnh: Internet)

Ngoài phối hợp các món ăn với nhau, quy luật âm dương trong món ăn còn thể hiện qua sự phối hợp thức ăn với mùa, chính vì thế dân gian thường có câu “mùa nào, thức ấy”.

Mùa hè, trời nóng (tính dương mạnh) trong bữa ăn của người Việt thường có đặc điểm là các món ăn thiên về tính “âm”, đó là các món rau, nộm, canh, dưa,… đặc điểm các món này là nhiều nước và chua, có tác dụng thanh nhiệt, quân bình với nhiệt độ môi trường.

Mùa đông lạnh, người Việt có xu thế ăn các món ăn dương tính mạnh như xào, rán, rim, kho,… đặc điểm các món này là cho nhiều gia vị cay, nóng như ớt, hành, gừng, tỏi,…

Mùa nào thức nấy (Ảnh minh họa: mytourvn)
Mùa nào thức nấy (Ảnh minh họa: mytourvn)

Ngoài ra quy luật cân bằng âm dương còn được thể hiện qua việc khám và chữa bệnh. Theo người xưa, tình trạng cơ thể bị bệnh này, bệnh kia, chính là sự mất cân bằng âm dương. Vì vậy, người ốm quá “âm” cần ăn đồ “dương”, và ngược lại người ốm quá “dương” cần ăn đồ “âm” để khôi phục lại sự thăng bằng đã mất. Ví dụ người sốt cảm lạnh thì ăn cháo gừng, tía tô, người cảm nắng thì ăn cháo hành, người bị nhiệt miệng thì uống những nước có hàn tính mạnh như nước rau má,…

Ngày nay, có nhiều món ăn nhanh và hấp dẫn, chúng ta có thể ăn mọi nơi, mọi lúc, nên tính cân bằng âm dương bị phá vỡ. Đó là một trong những nguyên nhân của nhiều thứ bệnh, chẳng hạn bệnh béo phì, dạ dày, ung thư,… Nhưng dù là thời đại nào đi nữa thì ai ai cũng đều mong muốn có một cơ thể khỏe mạnh, bởi “có sức khỏe thì có tất cả”. Tháp đồ thức ăn được giới thiệu rất phổ biến nhưng không mấy ai thực hiện theo được, bởi sự tỉ mỉ phân chia từng loại thực phẩm nên khá bất tiện. Trong khi áp dụng triết lý âm dương vào món ăn lại rất đơn giản. “Thuận lẽ tự nhiên – Cơ thể khỏe mạnh”, những kinh nghiệm của người xưa thật phong phú và đáng học hỏi.

Hy Vọng

Xem thêm:

Chuyên mục Sức khỏe, thời báo Đại Kỷ Nguyên nỗ lực mang đến cho bạn đọc những thông tin chính xác và bổ ích nhất. Tuy nhiên khoa học về thân thể người thật rộng lớn và còn nhiều điều y học chưa nhận thức đến được, do đó, các bài viết tại đây chỉ mang tính chất tham khảo. Mọi việc chẩn đoán, điều trị bệnh hay các tình trạng sức khỏe và làm đẹp cần phải có ý kiến các chuyên gia y tế được cấp phép.