Họng là “cửa ngõ” đón nhận mọi tác động từ bên ngoài vào cơ thể như thức ăn, không khí… nên đây là bộ phận dễ bị viêm nhiễm nhất trong cơ thể. Viêm họng khiến bạn cảm thấy khó khăn khi nói, nuốt, cơ thể mỏi mệt, khó chịu.

Uống thuốc có thể đỡ viêm họng, nhưng lại sinh ra một trạng thái bải hoải khó tả trong người. Nhiều khi uống thuốc cũng không đỡ và lúc này chúng ta cần có trong tay những biện pháp “sống chung với lũ”, giảm bớt triệu chứng. Các liệu pháp tự nhiên không dùng thuốc thường lành tính và khá hiệu quả. Bạn có thể tham khảo một số liệu pháp sau:

Nước muối loãng (ảnh: baomoi.com).

1. Súc miệng bằng nước muối loãng

Nước muối hỗ trợ sát khuẩn, làm giảm viêm và sưng màng nhầy, từ đó hạn chế tình trạng viêm họng. Nước muối cũng làm tan đờm. Do đó, khi súc miệng bằng nước muối, bạn có thể thở dễ dàng hơn và hạn chế các cơn đau họng.

Chú ý pha nước muối loãng, giống như nước rau luộc khi cho một ít muối cho đậm để có thể uống được. Thường bạn chỉ cần vài hạt muối cho một cốc nước. Nếu không có muối bạn hoàn toàn có thể súc miệng bằng nước lọc. Việc xúc và khò nước ở cổ họng, có tác dụng như massage và kích thích họng tự điều chỉnh. Nước làm sạch và đẩy bớt độc tố ra ngoài.

Gừng (ảnh: Genvita).

2. Uống trà gừng

Gừng có khả năng kháng khuẩn, đẩy lùi tình trạng đau họng một cách hiệu quả. Nó có tác dụng làm sạch chất đờm, nhầy từ mũi và họng, giúp mũi họng thông thoáng chống viêm và làm dịu đi cơn đau họng. 

Bạn có thể cho thêm mật ong vào trà gừng để tăng hiệu quả điều trị. Trà gừng mật ong có thể loại bỏ các độc tố gây khó chịu và hỗ trợ chữa lành các tổn thương ở cổ họng.

Tỏi (ảnh: Genvita).

3. Thêm tỏi vào các món ăn

Tỏi được ví như một loại kháng sinh nhờ chứa allicin – một chất có khả năng tiêu diệt các loại virus, vi khuẩn và giảm đau họng nhanh chóng. 

Bạn có thể thêm tỏi vào công thức nấu ăn hàng ngày để hỗ trợ điều trị viêm họng. Bạn có thể ngậm một tép tỏi đập dập trong 5-10 phút để tình trạng đau rát cổ họng không trở nên nghiêm trọng. Tuy nhiên, hãy đánh răng để làm sạch mùi tỏi khi phải tiếp xúc với người khác.

Đinh hương (ảnh internet).

4. Nhai nụ đinh hương

Đinh hương là một loại dược liệu tự nhiên có thể hỗ trợ giảm đau, chống lại vi khuẩn và hỗ trợ hồi phục các chức năng ở cổ họng.

Bạn có thể nhai một vài nụ đinh hương để làm giảm các triệu chứng viêm họng. Bạn có thể nhai và nhả bã nếu không muốn nuốt vào. Nhai đinh hương cũng giúp bạn có một hơi thở thơm mát và ngăn chặn tình trạng sâu răng.

Giấm táo (ảnh: Thuốc Dân Tộc).

5. Súc miệng bằng giấm táo

Giấm táo có tính kháng khuẩn tự nhiên và được sử dụng như một chất chống nhiễm trùng. Giấm táo cũng chứa nhiều axit có thể được sử dụng để phá vỡ các chất nhầy trong cổ họng và ngăn chặn vi khuẩn lây lan đến các bộ phận khác.

Do đó, nếu cảm thấy đau họng bạn có thể pha loãng giấm táo trong một cốc nước và dùng nước này để súc miệng. Lặp lại biện pháp sau mỗi hai giờ để tăng nhanh tác dụng.

Xông hơi (ảnh: medium.com).

6. Xông họng bằng hơi nước ấm

Bạn có thể khắc phục các triệu chứng đau rát cổ họng bằng cách dùng hơi nước ấm xông họng. Điều này sẽ giúp cho phổi được kích thích lưu thông và đẩy mạnh quá trình hô hấp. Việc xông hơi giúp cho cổ họng được xoa dịu nhờ hơi nước ấm. Bạn có thể cho thêm xả hoặc các loại lá xông để đạt được hiệu quả cao hơn.