Ở trẻ nhỏ, hệ tiêu hóa, hệ miễn dịch chưa hoàn thiện nên rất dễ bị tiêu chảy. Phần lớn trường hợp có thể khỏi bệnh nếu chăm sóc tại nhà đúng cách, song vẫn có nhiều phụ huynh mắc sai lầm khiến bệnh tình của trẻ nghiêm trọng hơn, thậm chí tử vong.

Tiêu chảy cũng là bệnh gây tử vong nhiều nhất ở trẻ em. Nguyên nhân gây tiêu chảy có thể là dị ứng thức ăn, ăn uống không hợp lý, do vi khuẩn, virus, ký sinh trùng, thậm chí là do dùng kháng sinh. Bệnh tiêu chảy khiến trẻ suy kiệt, mất nước do không hấp thu được chất dinh dưỡng và nước.

“Bệnh tiêu chảy không khó trị, phần lớn trường hợp có thể khỏi bệnh nếu chăm sóc tại nhà đúng cách, song vẫn có nhiều phụ huynh mắc sai lầm khiến bệnh tình của trẻ nghiêm trọng hơn, thậm chí tử vong”, BS. Hoàng Lê Phúc, trưởng khoa Tiêu hóa, Bệnh viện Nhi Đồng 1 cho biết.

Cho trẻ uống thuốc cầm tiêu chảy

Trên thị trường hiện nay có thuốc cầm tiêu chảy giúp trẻ đi đại tiện ít hơn. Xuất phát từ tâm lý mong con khỏi bệnh, xót khi thấy con đại tiện nhiều, nhiều cha mẹ cho con dùng thuốc cầm tiêu chảy mà không biết là đang làm bệnh tình thêm nặng.

Trên thực tế đi đại tiện chính là cơ chế giúp trẻ đào thải độc tố, vi sinh vật gây bệnh theo đường phân ra khỏi cơ thể. Dùng thuốc cầm tiêu chảy chỉ khiến các độc tố và sinh vật gây bệnh tích lũy trong ruột, làm trẻ trướng bụng, khiến bệnh thêm nặng và kéo dài thời gian mắc bệnh.

Tự ý cho trẻ uống kháng sinh

Một số mẹ thường cho con dùng kháng sinh khi bị tiêu chảy. Tiêu chảy có nhiều nguyên nhân, trong khi đó kháng sinh chỉ có tác dụng với vi khuẩn, ký sinh trùng mà không có tác dụng với virus, độc tố.

Ngay cả với tác nhân là vi khuẩn, trong hầu hết các trường hợp các bác sỹ sẽ không dùng kháng sinh. Trên thực tế kháng sinh là một trong các nguyên nhân gây tiêu chảy do làm rối loạn hệ vi khuẩn có lợi trong đường ruột, tạo cơ hội cho vi khuẩn gây bệnh sinh sôi và phát triển, làm bệnh kéo dài và nặng hơn.

Do đó cha mẹ không nên tự ý dùng kháng sinh cho trẻ bị tiêu chảy, chỉ nên sử dụng khi có chỉ định của bác sỹ.

Bù nước không đúng cách

Tiêu chảy khiến trẻ mất nhiều nước. Nước rất quan trọng đối với mọi hoạt động sống của cơ thể, đặc biệt là trẻ nhỏ do cơ thể chủ yếu là nước. Do đó việc bù nước cho trẻ bị tiêu chảy là hết sức quan trọng.

Tại các nhà thuốc hiện nay có bán gói oresol được chế tạo theo tỷ lệ đặc biệt giúp trẻ bù nước. Tuy nhiên nhiều cha mẹ không đọc kỹ hướng dẫn trên bao bì, pha chế với nước không đúng theo tỷ lệ, có thể khiến trẻ bị ngộ độc muối, gây co giật, thậm chí là tử vong. Do đó cha mẹ cần pha chế đúng theo hướng dẫn sử dụng.

Kiêng khem quá mức

Khi con bị tiêu chảy, nhiều bà mẹ nghĩ bụng con đang “yếu”, cần kiêng khem. Tuy nhiên cách nghĩ này hoàn toàn sai lầm. Trẻ bị tiêu chảy khả năng hấp thu chất dinh dưỡng kém, dinh dưỡng chưa được hấp thu đã bị đào thải ra ngoài.

Nếu trẻ ăn uống kiêm khem sẽ không đủ sức đề kháng để chiến thắng bệnh, bệnh sẽ càng nặng hơn. Do đó trẻ bị tiêu chảy cần được bổ sung đầy đủ dinh dưỡng.

Khi nào trẻ cần nhập viện

Nếu trẻ có một trong các dấu hiệu sau thì cần nhập viện ngay:

  • Mất nước trên 5% trọng lượng cơ thể (Môi khô, khát nước, mắt trũng, da nhăn, sụt cân trên 5% trọng lượng cơ thể).
  • Trẻ li bì, khó đánh thức, bỏ ăn bỏ bú hoặc ăn uống gì cũng đều nôn.
  • Sốt cao liên tục, khó hạ nhiệt.
  • Đi ngoài phân máu.
  • Sờ nắn bụng thấy đau (trẻ khóc)

Đại Hải

Xem thêm:

Chuyên mục Sức khỏe, thời báo Đại Kỷ Nguyên nỗ lực mang đến cho bạn đọc những thông tin chính xác và bổ ích nhất. Tuy nhiên khoa học về thân thể người thật rộng lớn và còn nhiều điều y học chưa nhận thức đến được, do đó, các bài viết tại đây chỉ mang tính chất tham khảo. Mọi việc chẩn đoán, điều trị bệnh hay các tình trạng sức khỏe và làm đẹp cần phải có ý kiến các chuyên gia y tế được cấp phép.