Giải Nobel là giải thưởng danh giá giành cho các nhà khoa học xuất sắc đạt được thành tựu trong nghiên cứu của mình. Alfred Nobel để lại di chúc vào năm 1895 dành toàn bộ tài sản của ông cho những môn khoa học có “đóng góp xuất chúng cho nhân loại”, gồm y học, vật lý, hóa học, hòa bình và văn chương. Tuy vậy trong di chúc của ông không có giải Nobel cho toán học.

Đối với nhiều người, toán học là một môn khoa học rất quan trọng, là môn khoa học của khoa học và việc toán học không có tên trong di chúc của Nobel là bất công lớn với môn khoa học này. Có nhiều giả thuyết về lý do tại sao Alfred Nobel lại không di chúc cho Nobel Toán học.

Alfred Nobel thời trẻ
Alfred Nobel thời trẻ

Một trong những giả thuyết mà được nhiều người biết đến nhất là vợ của ông ngoại tình với nhà toán học nổi tiếng hồi đó có tên là Gosta Mittag-Leffler. Vì thế để trả thù, Alfred Nobel không để lại di chúc cho toán học. Rất nhiều người đã tin câu chuyện này và đây cũng là đề tài khá hấp dẫn để giải thích cho lý do trên. Tuy vậy có một sự thực là Alfred Nobel chưa bao giờ có vợ, vậy nên câu chuyện không có giải Nobel toán học vì vợ Nobel ngoại tình với nhà toán học là hoàn toàn không có thật.

Cũng liên quan đến nhà toán học Gosta Mittag-Leffler, có một phiên bản khác là nhà toán học này không ưa gì Alfred Nobel và ông là một nhà toán học xuất sắc nhất từ tại thời điểm đó. Nếu có giải Nobel về toán học thì có khả năng Gosta Mittag-Leffler sẽ đoạt giải. Gosta Mittag-Leffler là nhà toán học nổi tiếng cuối thế kỳ 19 đầu thế kỷ 20. Ông là người sáng lập ra tạp chí toán học danh tiếng Acta Mathematica và đóng vai trò quan trọng trong toán học. Thời điểm đó có hai nhà toán học giỏi hơn ông đó như Poincare và Hilbert nên khả năng để đoạt giải Nobel toán học vào lúc đó với ông là khó có khả năng xảy ra.

Hơn nữa gần như có ít mối liên hệ giữa hai người này. Nobel chuyển đến Paris sống vào năm 1865, còn thời điểm đó Gosta Mittag-Leffler còn đang là sinh viên và Nobel thì ít khi quay trở lại Thụy Điển.

Một giả thuyết khác nữa là Alfred Nobel không quan tâm tới toán học và có thể ông coi toán học là môn khoa học có tính thực tiễn mà nhân loại có thể hưởng được lợi ích. Đóng gióp cho lợi ích nhân loại là lý do chính mà giải Nobel được thành lập.

Một giả thuyết khác nữa là có một giải thưởng toán học danh tiếng tại thời điểm đó. Và nếu Alfred Nobel lập thêm một giải thưởng nữa thì sẽ phải cạnh tranh với giải này.

Ngoài ra còn có một số giả thuyết nữa nhưng có lẽ câu chuyện về một người phụ nữ đã phản bội ông để đi theo một nhà toán học có vẻ khá hấp dẫn. Vì vậy nó có sức lan truyền đến tận ngày nay. Và lý do tại sao vẫn không có giải Nobel toán học đến nay vẫn là một bí ẩn với chúng ta.

Tuy không có giải Nobel về toán học nhưng trong giới toán học cũng có các giải thưởng danh tiếng khác đó là Huy chương Fields. Huy chương Fields được thành lập vào năm 1936 theo tên của nhà toán học người Canada có tên John Charles Fields và được trao 4 năm mỗi lần cho nhà toán học dưới 40 tuổi. Ngoài ra còn có giải Abel. Giải thưởng toán học này được đặt theo tên của nhà toán học nổi tiếng người Na Uy thế kỷ 19 Niels Henrik Abel.

Hai giải thưởng toán học danh tiếng này có thể được coi là tương đương với “Nobel toán học”. Việt Nam có giáo sư Ngô Bảo Châu đoạt Huy chương Field vào năm 2010 với công trình “chứng minh bổ đề cơ bản” và được coi là một trong 10 khám phá của năm do tạp chí Time bình chọn.

Giáo sư Ngô Bảo Châu. Ảnh AFP PHOTO/Noah SEELAM
Giáo sư Ngô Bảo Châu. Ảnh AFP PHOTO/Noah SEELAM

Giải Nobel thứ 6 là giải Nobel về kinh tế được lập vào năm 1969 nhân 300 năm thành lập ngân hàng Trung ương Thụy Điển và là giải không phải ghi trong di chúc gốc của Alfred Nobel. Do đó, nhiều người hâm mộ môn toán học vẫn hi vọng rằng vào một ngày nào đó sẽ có giải Nobel toán học chính thức tương tự như cách mà giải Nobel về kinh tế có được.

Quang Huy

Từ Khóa: