Sinh ra với dị tật ở tứ chi, 15 tuổi mới được đến trường lần đầu tiên. Nhưng trên môi chị Xậm, người ta luôn nhìn thấy “nụ cười tỏa nắng”. Cách nói chuyện từ tốn, dịu dàng của chị sẽ khiến bạn ngạc nhiên. Vì sao thiệt thòi đến vậy, mà dường như trong chị vẫn có cả một bầu trời tình thương dành cho cuộc đời này. 

Tấm lòng hiếu học ẩn tàng trong tấm thân méo mó

Cha mẹ của chị Huỳnh Thị Xậm có cả thảy 6 người con của vùng sông nước Hậu Giang. Nhưng chị Xậm lại không may là người duy nhất trong nhà mang dị tật nặng nề. Có đủ cả tay, chân, nhưng cho đến năm 8-9 tuổi, chị vẫn còn nằm lăn lóc trên sàn như một đứa trẻ. 

Tuy có một thân thể khiếm khuyết, nhưng tâm hồn và đặc biệt là tấm lòng hiếu học của chị lại vẹn nguyên. Chị kể, những ngày thơ bé, nằm ở nhà mà mơ ước lớn nhất của chị lại là được đi học. Có lần chị liều xin với cha: Cha ơi, cha cho con đi học. Nhưng cha chị không thể chiều con gái. Năm ấy, chị Xậm còn chưa thể tự mình ngồi dậy, sao có thể đến trường. 

Chân dung chị Huỳnh Thị Xậm, một trong 100 người phụ nữ nghi lực nhất thế giới do BBC bình chọn năm 2017 (Ảnh: Chụp màn hình)

Có lần, nhìn cuốn tập của các chị em trong nhà mang từ trường về, chị rưng rưng nước mắt. Lần này, vì đã tập cho bản thân có thể tự ngồi dậy, và tự mình đi lại, chị Xậm lại xin với má. Má cho con đi học. Thương con, thương quyết tâm của con, mẹ chị Xậm gửi chị xuống một ông giáo dạy trường tư trong làng. 15 tuổi chị bắt đầu học con chữ đầu tiên. Đặc biệt hơn, chị bắt đầu học viết chữ bằng đôi chân của mình.

videoinfo__video3.dkn.tv||__

Không ai trong nhà chị nghĩ được rằng, bé Xậm, với hình hài méo mó lại có thể viết chữ bằng chân. Càng không ai có thể nghĩ rằng, chị có thể đi học hết 12 năm, bất chấp con đường đến trường là 10 cây số, giữa mênh mông sông nước. Niềm ham học, mong muốn được hoàn thiện mình đã giúp chị Xậm chạm được đến ước mơ con chữ của mình. 

Cuộc sống tạo nên bởi những kết quả ít ai ngờ

Khi nhìn vào cuộc sống của chị Xậm mà không biết đến hình hài của chị, nhiều người sẽ mỉm cười. Chị đang sống cuộc sống thật thú vị và nhiều ý nghĩa: Ban ngày, chị làm thủ thư tại Trung tâm Dạy nghề cho người khuyết tật và trẻ mồ côi TP.HCM. Đến tối, chị lại dành thời gian để dạy chữ nổi cho các thanh thiếu niên khiếm thị ở đây. Hai tuần một lần, chị lại đến với lớp học vẽ tranh sơn dầu được tổ chức trong trung tâm.

Hiện nay công việc chính của chị Xậm là thủ thư tại thư viện của Trung tâm Dạy nghề cho người khuyết tật và trẻ mồ côi TP.HCM (Ảnh: Kênh 14)

Cho tới khi nhìn thấy chị, biết rõ hơn về những khuyết tật chị mang, có lẽ nhiều người sẽ ngả mũ và dành cho chị sự trân trọng đầy cảm phục. Hai tay chị yếu ớt hầu như không thể làm gì, hai chân tập tễnh, không cân xứng. Nhưng hình hài ấy không phải là cái cớ để chị thờ ơ hay cay nghiệt với cuộc đời. 

Dù khó khăn, nhưng nản chí không phải là lựa chọn của chị (Ảnh: khampha)

Chị Xậm chia sẻ, sự khó khăn không khiến chị nản lòng. Hôm nay chị học không được, ngày mai chị lại tiếp tục học tiếp. Rồi sẽ có một ngày chị có thể làm được điều mình mong muốn. Đó là cách chị Xậm đã làm để học viết chữ bằng chân, để sử dụng được máy tính với bàn chân chỉ có hai ngón có thể cử động hoàn thiện. Sự kiên trì của chị Xậm đã được đền đáp xứng đáng, chị tốt nghiệp loại khá lớp học nghề tin học của trung tâm. 

Sau nhiều nỗ lực mày mò học hỏi, chị Xậm có thể sử dụng thành thạo máy tính bằng chân (Ảnh: khampha)

Chưa dừng lại ở đó, người phụ nữ nhỏ bé này đã hoàn thành chương trình đại học. Chị là sinh viên của Đại học Mở, TP.HCM, ngành xã hội học. Trong thời gian bốn năm đại học ấy, đã có một người em thân thiết cùng đồng hành, đưa đón Xậm đến trường mỗi ngày. Nhờ sự chăm chỉ của bản thân, sự trợ giúp của người bạn nhiệt thành và sự tạo điều kiện của trung tâm, chị Xậm đã hoàn thành trọn vẹn việc học đại học của mình.

Khó ai có thể tin được, ẩn sau hình hài không toàn vẹn của chị Xậm lại là một tinh thần học hỏi không biết mệt mỏi. Với người phụ nữ nhỏ bé này, học hỏi những điều mới mẻ mỗi ngày dường như là một động lực quan trọng, một phần lớn tạo nên ý nghĩa cuộc sống của chị. 

Chị để dành một phần cuộc sống của mình cho hội họa, cho những khoảng lặng tâm hồn như thế này (Ảnh: Nguyễn Văn Tuấn/ theo phunungaynay)

Không chỉ chăm chỉ học chữ, học kiến thức, học tin học, chị Xậm còn dành thời gian và tâm hồn của mình cho hội họa. Những bức tranh sơn dầu của chị tuy đơn giản, mộc mạc nhưng lại cho người thưởng thức cảm nhận: Màu sắc, khung cảnh trong ấy sao hiền hòa tới vậy. Nhưng để tạo nên được những bức tranh hài hòa, dịu êm ấy, chị Xậm đã đánh đổi bằng rất nhiều những ngày luyện tập đến trầy chân, nhiều đau đớn. Tuy nhiên, tất cả những điều tưởng như là mất mát ấy lại mang đến cho chị những phút giây được biểu lộ vẻ đẹp, sự thuần thiện trong tâm hồn mình bằng những sắc màu. 

Cố gắng học hỏi, để trả ơn cuộc đời

Chị Xậm được mọi người trong trung tâm vô cùng yêu mến, đặc biệt là các thanh niên khuyết tật đang theo học tại đây. Xét theo một phương diện nào đó, chị Xậm là một người rất thành công. Nhưng trong sự thành công ấy, mọi người không cảm thấy nơi chị bất cứ sự kiêu kỳ nào. Ngược lại, chị Xậm hòa đồng với tất cả mọi người xung quanh. 

Chị luôn là một con người hòa đồng với nụ cười thường trực trên môi (Ảnh: chụp màn hình)

Đối với những đứa em trong trung tâm, chị Xậm là một người chị lớn. Người luôn có đủ kiên nhẫn, bao dung và tấm lòng rộng mở để lắng nghe tâm sự của các em. Để rồi thấu hiểu những khó khăn mà các em đang trải qua. Khi hiểu được những nỗi lòng, những trăn trở ấy, chị lại nhẹ nhàng, dùng những trải nghiệm, những cảm nhận về cuộc sống của mình để truyền động lực cho các em. 

Chị dành thời gian để nghiên cứu chữ nổi, tình nguyện làm cô giáo không nhận lương để xóa mù chữ cho các em trong trung tâm (Ảnh: Afamily)

Dường như với chị Xậm, việc học không dừng lại để hoàn thiện chính bản thân mình. Chị muốn dùng sự học ấy để giúp các em của ở trung tâm đến gần với con chữ hơn, cũng là đến gần với những cơ hội để hoàn thiện bản thân như chị đã từng làm. Vậy nên, ngoài giờ làm thủ thư ở thư viện, chị Xậm tự mày mò học chữ nổi. Để mỗi tối, chị sẽ trở thành “cô giáo” để dạy chữ cho các em của mình. Có lẽ qua bài học i tờ đó, những chàng trai cô gái trẻ của trung tâm sẽ cảm nhận được một thông điệp từ người chị, người cô giáo tận tâm của mình:

Thân thể của mỗi người có thể bị khiếm khuyết, nhưng nếu còn may mắn có một trí tuệ minh mẫn, một trái tim thiết tha với cuộc sống, thì không điều gì có thể ngăn cản bạn sống, nỗ lực rèn luyện mình mỗi ngày, để có được một cuộc sống tươi đẹp và có ích như biết bao người lành lặn khác. 

Khi được hỏi về ước mơ, chị Xậm chia sẻ chân thành: Nếu có một cơ thể lành lặn, có lẽ chị sẽ có nhiều ước mơ, hoài bão lớn hơn. Nhưng trong hoàn cảnh hiện tại, chị chỉ ước mong sao có đủ sức khỏe, để mỗi ngày lại đến trung tâm để gặp mọi người. Với chị Xậm, mỗi tối trước khi ngủ, chị đều mong, sớm hôm sau mau tới để chị được trở lại với trung tâm, với công việc, với mọi người.

Với chị Xậm, việc học một điều mới mẻ, có ích cho mọi người còn là cách để chị trả ơn cho những người đã cưu mang chị trong suốt thời gian qua (Ảnh: khampha)

Hơn thế nữa chị cũng mong, sẽ có đủ sức để tiếp tục học hỏi thêm những điều nhỏ bé, trong khả năng của mình. Chị hy vọng có thể đem những điều mới chị học được mỗi ngày để giúp đỡ, để tri ân cho những người đã cưu mang chị trong suốt những năm tháng qua. Với chị Xậm, việc học hỏi không còn giới hạn để cho bản thân mình, chị muốn đem sự học để cống hiến cho mọi người. 

Chị Xậm chia sẻ niềm vui vẽ tranh của mình với á hậu Thùy Dung (Ảnh: Thể thao văn hóa)
Bức tranh đồng quê yên bình của chị (Ảnh: Thể thao văn hóa))

Phải chăng đó là lý do vì sao, dù thân hình méo mó, dù mọi thứ đều thật khó khăn, dù chưa thể một lần tự chải đầu cho mình, nhưng trong mắt những người xung quanh, chị Xậm vẫn thật đẹp một nét đẹp thật hiền và ấm áp. 

Hy Văn