“Xoạt xoạt” – tiếng lưỡi dao chạm vào thân mía, tước phần vỏ tím, “xẹt xẹt” – tiếng cắt từng cây mía thành những khúc nhỏ xinh, đây là những âm thanh quen thuộc với người dân thường xuyên lui tới con đường Phạm Thế Hiển, Sài Gòn trong khoảng thời gian từ 3 giờ chiều đến tận 4 giờ sáng hôm sau. 

Những tiếng động ấy đến từ vựa mía Tài Lợi của chị Phan Thị Hồng Nhung (42 tuổi). Đây là vựa mía được coi là lớn nhất Sài Gòn: Hàng ngày từ vựa mía này 700 đến 800 kg mía được róc vỏ, cắt khúc đóng bao ở vựa rồi tỏa đi khắp nẻo Sài Gòn, vào các siêu thị, cửa hàng và tới cả những gánh hàng rong. 

Làm khi mọi người đi ngủ

Vựa mía Tài Lợi đã hoạt đông hơn 20 năm nay và là nguồn sinh kế ổn định của gia đình chị Nhung. Ngày trước, cha mẹ chị đã gây dựng nên vựa mía này, nay ông bà đã nghỉ hưu, nên chị và các thành viên khác trong gia đình tiếp tục tiếp quản công việc. Nếu một lần có dịp ghé qua vựa mía Tài Lợi, bạn hẳn sẽ muốn dừng chân đứng ngắm những con người nơi đây đang hăng say làm việc. Mỗi người một công đoạn: Người róc mía, người cắt khúc, người phân loại phần đầu mẩu (mắt mía).

Quang cảnh làm việc hăng say tại vựa mía lớn nhất Sài Gòn.
Mía được róc sẵn, xếp gọn chờ cắt khúc.

Ai nấy đều chú tâm vào phân đoạn mình phụ trách. Nhưng xuyên suốt khách đến mua vẫn thấy một sự phối hợp nhịp nhàng giữa các khâu. Để có được những túi mía thành phẩm giữ nguyên được sự tươi ngon, đòi hỏi người thợ róc mía cần thật nhanh tay, từ người róc cho đến người phân loại. Sự tập trung cũng là điều kiện quan trọng nhất đảm bảo đủ số lượng và chất lượng hàng để giao cho khách. 

Mỗi người phụ trách một phân đoạn của quá trình róc và cắt mía.
Mọi người đều làm việc rất tập trung, vì tốc độ rất quan trọng với việc có thể giao đủ mía với chất lượng cao.

Bên cạnh đó, để mía tới với khách đủ số lượng, đúng thời điểm và có chất lượng tốt nhất, thời điểm róc mía đóng vai trò then chốt. Chị Nhung giải thích. Chỉ có làm từ chiều đến đêm, vựa của chị mới có thể cung cấp đủ mía cho một lượng khách hàng rất lớn. Họ đều cần mía để tiêu thụ cho ngày hôm sau. 

Nhưng quan trọng nhất, thời tiết ban đêm sẽ giúp mía róc ra giữ được màu đẹp hơn và cũng tươi ngon hơn. Mọi người trong vựa mía cũng tránh được cái nóng của Sài Gòn, nhờ đó làm việc cũng đỡ cực hơn rất nhiều.

Với những lý do này, vựa mía của chị Nhung hăng say làm việc khi mọi người đã say giấc. Khi được hỏi về việc sinh hoạt trái với giờ giấc thông thường, chị cho biết mới đầu, làm việc về đêm cũng khiến chị và mọi người mệt mỏi. Nhưng làm riết, nó thành cái thói quen, thay vì làm ngày ngủ tối, chị và mọi người làm tối ngủ ngày. 

Nghề dù đơn giản nhưng vẫn cần tình yêu mới có thể theo đến cùng

Công việc róc mía thoạt nghe rất đơn giản, nhưng để duy trì cả vựa mía lớn với nhiều người cùng lao động như thế này hoàn toàn không phải là chuyện đơn giản. Chị chia sẻ, không có tình yêu với nghề, thì cũng không theo nghề được lâu tới như vậy. Đã có nhiều người cùng làm với chị đã phải bỏ cuộc giữa chứng. Có tình yêu, có cái tâm với nghề mới khiến người ta có được sự kiên trì. 

Chị Nhung nhập mía từ Nha Trang vào để có được vị ngọt thanh mà khách hàng yêu thích.

Và có lẽ cái tâm với nghề cũng giúp chị Nhung giữ được chữ Tín với khách hàng của mình. Nhiều người nhận xét mía của vựa chị có hương vị khác nhiều so với ở các nơi trong thành phố: mía vẫn đậm vị ngọt nhưng lại có cái thanh thanh rất đặc trưng. Chị Nhung tiết lộ, để giữ được vị mía này, chị vẫn luôn giữ nguồn hàng lâu năm của mình ở Nha Trang, dù chi phí vận chuyển mía tốn kém hơn nhiều so với lấy mía từ miền Tây. Qua một thời gian làm việc, chị đã nhận ra, chỉ có mía từ miền Trung mới có được cái ngọt thanh, thơm mềm mà khách hàng luôn yêu mến. 

Ánh mắt tập trung, đôi tay thoăn thoắt.

Một lần nữa, khi nhìn ngắm đôi mắt chăm chú, đôi tay thoăn thoắt và khuôn mặt ánh niềm vui của chị Nhung cùng mọi người ở vựa mía, chúng ta mới càng thấm thía hơn tình yêu, sự quý trọng nghề nghiệp mà những người lao động này dành cho công việc đang giúp họ sống và sống ý nghĩa mỗi ngày. 

Mía hấp, một nét duyên riêng của đất Sài Thành

Thời tiết Sài Gòn vào mùa nóng thật rất cần đến những túi mía ngọt mát của chị Nhung. Nhưng không chỉ bán buôn cho các cửa hàng, siêu thị và những người bán rong, chị Nhung cũng dành một phần mía đã cắt khúc để bán ngay tại vựa cho các khách qua đường. 

Chị cũng bán lẻ mía ngay tại vựa.

Điểm đặc biệt, chị còn nảy ra sáng kiến làm cho mía trở nên ngon hơn, để người mua được thưởng thức vị ngọt của mía một cách trọn vẹn. Mía ướp lạnh và đặc biệt nhất là mía hấp lá dứa thơm lựng ra đời từ đó. Mỗi khi chị Nhung mở nắp nồi hấp lên, mùi ngọt dìu dịu của mía hấp thấm trong không khí, góp thêm một chút dịu dàng vào những buổi tối trời se lạnh của thành phố.

Món mía hấp lá dứa của chị đã làm say lòng bao thực khách.

Có một túi mía ngọt ấm để thưởng thức, có lẽ mọi mệt mỏi của một ngày làm việc hăng say cũng được xoa dịu đi rất nhiều. 

Vào mùa nóng, vựa mía của chị Nhung có hôm cung cấp gần 1 tấn mía cho thị trường. Trừ đi các khoản chi phí, chị thu được phần lời khoảng 1 triệu mỗi đêm, theo chia sẻ thẳng thắn của chị. 

Sự chăm chỉ, cẩn thận của những người róc mía đã đem lại cho họ những kết quả thật xứng đáng. Đó không chỉ là nguồn thu nhập ổn định, mà còn là niềm tin tưởng của khách hàng và niềm vui khi biết rằng công việc của mình cũng đang mang lại rất nhiều niềm vui cho những người khác nữa. 

Nguồn ảnh: Phunuonline

Hy Văn