Trương Thiết là một người con trong gia đình có 7 người, gồm ông bà nội, ba mẹ, em và hai người em nhỏ hơn em. Ba mẹ Thiết phải làm quần quật ngày đêm để nuôi cả nhà 7 miệng ăn, nhưng cũng chỉ có thể ở mức đủ ăn và lo cho 3 anh em ăn học. Nhiều khi Thiết thèm được ăn nhà hàng như bạn, được đi chơi xa nghỉ mát, được mua nhiều đồ chơi xịn, nhưng hoàn cảnh ba mẹ em không cho phép điều đó.

Đôi khi em tự hỏi: “Sao mình sinh ra trong một gia đình nghèo thế này?” Câu hỏi này ở trong đầu em suốt những năm học tiểu học, đến khi lên trung học thì càng khó hơn nữa khi các em của em cũng đến tuổi đi học hết cả. Ba mẹ em càng cực nhọc hơn. Ba em làm thợ hồ nhiều năm, mẹ em phụ bếp cho một nhà hàng. Duy trì hoàn cảnh gia đình cho mọi người được đủ ăn và ba anh em Thiết được đi học là điều khó khăn. Nhưng chính vì ít khi nào ba mẹ em dành thời gian cho em, nên em không thấy hết được sự khó khăn của ba mẹ. Thay vào đó, em lại ao ước và so sánh làm sao được như chúng bạn, “chúng nó may mắn hơn mình quá”.

Đôi khi em tự hỏi: “Sao mình sinh ra trong một gia đình nghèo thế này?” Ảnh minh hoạ

Một ngày nọ, sau giờ ăn cơm tối, ba Thiết muốn xem bài vở của em nên dành thời gian ngồi kế bên em hỏi han tình hình. Có lẽ rất là lâu rồi ba mới dành thời gian cho Thiết như thế này. Kết quả học tập của em không được tốt lắm. Ba em khá buồn, bảo em rằng: “Thiết này, kết quả học tập thế này không được tốt, con học sao mà điểm dưới trung bình vậy?”. Thiết trả lời: “Con học mãi chán quá ba ơi, chẳng được đi đâu chơi, suốt ngày chỉ có học và học, con không thấy vui gì trong chuyện học. Hay cho con nghỉ đi làm phụ ba cho có thêm tiền?”.

Thấy em hỏi vậy, ba em vô cùng ngạc nhiên, không ngờ con mình lớn như vầy mà còn có suy nghĩ lệch lạc muốn bỏ học. Anh bèn khuyên con: “Con muốn bỏ học để làm gì?”. Thiết nói: “Dạ, để kiếm tiền”. Anh nói tiếp: “Thế con cần tiền để làm gì?” Thiết vui vẻ trả lời: “Để giúp ba và để được đi chơi, mua những gì con thích”. Nghe con nói vậy, ông hiểu ra Thiết muốn nghỉ học đi làm chỉ để kiếm tiền và được đi chơi, được mua những gì em thích.

Sau cuộc nói chuyện đó, người cha khá buồn, anh không biết phải làm gì để khuyên bảo con. Một hôm, anh về sớm để dành thời gian với Thiết như hôm trước. Thiết là anh cả, nếu không khuyên bảo Thiết thì hai đứa em biết đâu có ngày lại cũng muốn bỏ học như thế này. Nghĩ đến điều đó thôi, anh đã thấy xót xa lắm. Bao nhiêu nhọc nhằn anh và vợ anh chịu đựng và cố gắng chỉ để muốn các con học hành nên người mà thôi. Hôm đó anh đã có một cuộc nói chuyện rất ý nghĩa và thẳng thắn với Thiết.

“Thiết, năm nay con 11 tuổi. Đối với con, bây giờ con có bao nhiêu tiền thì mới là nhiều tiền?”, anh hỏi. Thiết suy nghĩ đơn giản, vốn dĩ vẫn còn rất trẻ con, em nói: “Con nghĩ con có 10 triệu sẽ là nhiều tiền, 5 triệu để được đi biển chơi, 5 triệu để mua nhiều đồ chơi con ao ước, vậy là nhiều rồi ạ”. Ba hỏi tiếp: “Thế con có biết nuôi con từ lúc mới sinh đến giờ, ba mẹ đã tiêu tốn hết bao nhiêu tiền?”. Thiết không trả lời được vì chưa bao giờ em tưởng tượng ra chuyện đó. Người cha ân cần chỉ bảo: “Ba mẹ nuôi con là không thể tính toán được, bởi vì số tiền đó là quá lớn. Con có thể tưởng tượng một tháng bây giờ tiền học, ăn, quà sáng của con là bao nhiêu? Là ít nhất 3 triệu. Nhân lên cho số nhân khẩu nhà mình, và hai em của con nữa. Ba mẹ đang chi một tháng hơn 10 triệu. Với con đó là số tiền lớn. Vậy thì ba mẹ đâu có nghèo? Ba mẹ đang có số tiền lớn phải không?”

“Thiết, năm nay con 11 tuổi. Đối với con, bây giờ con có bao nhiêu tiền thì mới là nhiều tiền?” Ảnh minh hoạ

Thiết im bặt, có phần bối rối. Có lẽ em không hiểu hết ý của ba, nhưng em hiểu rõ số tiền ba mẹ đang chi cho gia đình là số tiền em mơ ước.

Ba Thiết nói tiếp: “Thiết này, con hiểu thế nào là giàu, và thế nào là nghèo?” Thiết nói: “Dạ, con nghĩ giàu là muốn mua gì cũng có thể mua tuỳ thích, nghèo là không có tiền mua những gì mình thích”. Anh dịu dàng trả lời con: “Con nói cũng đúng rồi đó. Nhưng muốn mua gì thì mua thì cũng có lúc chẳng còn tiền để mua. Tiền bao nhiêu là đủ. Chẳng bao giờ đủ cả. Giàu là “biết tích trữ”, và nghèo là “không biết tích trữ”. Người giàu là người biết tích trữ cho mục đích rõ ràng. Mục đích của ba mẹ là nuôi các con ăn học trọn vẹn. Ba mẹ đã và đang thực hiện được mục đích đó. Vậy thì ba mẹ là giàu hay nghèo?”

Nói đến đây, Thiết cười, đôi mắt sáng lên niềm hân hoan: “Con hiểu rồi ba. Chúng ta giàu, giàu không phải là có nhiều tiền để con muốn mua gì là mua, mà là có đủ tiền để chi tiêu cho những mục đích.” Ba Thiết vô cùng hạnh phúc khuyên con: “Vậy từ nay con còn nghĩ muốn bỏ học kiếm tiền không?”

Thiết cười và nói thật to: “Không ba ạ”.

“Con hiểu rồi ba. Chúng ta giàu, giàu không phải là có nhiều tiền để con muốn mua gì là mua, mà là có đủ tiền để chi tiêu cho những mục đích”. Ảnh minh hoạ

Trong cuộc sống, không ít khi chúng ta gặp phải những câu hỏi ngô nghê của con trẻ, nhưng nếu ta không đưa ra câu trả lời xác đáng thì chúng ta có thể đang hại con. Hãy bình tĩnh nương theo và dẫn dắt suy nghĩ của con một cách khéo léo. Đôi khi không cần quá sâu sắc và khó hiểu, chỉ cần nương theo bằng những câu hỏi đơn giản và trả lời theo sức hiểu của trẻ, bạn sẽ giúp ích cho trẻ hiểu được tốt hơn những gì cần truyền tải.

Giàu và nghèo là không có giới hạn. Người giàu vẫn có thể thấy mình nghèo, hoặc ngược lại người nghèo lại nghĩ rằng mình giàu. Chính yếu ở mục đích sống của chúng ta là gì. Nếu chúng ta đang đạt được mục đích ấy bằng những gì chúng ta kiếm được, chúng ta đích thực là giàu có hơn bất cứ ai khác. Hãy đặt ra những mục đích rõ ràng cho cuộc sống của mình và quyết tâm theo đuổi, bạn sẽ là người giàu có trong một ngày không xa.

Bạch Như

Xem thêm: