Năm 1964, Elizabeth Edmondson giành huy chương vàng bơi lội đầu tiên của Tây Úc tại Thế vận hội Tokyo khi cô mới 14 tuổi. Nhưng mãi tới vài chục năm sau, cô mới hiểu ra mình đã đạt được những gì.

Ngay từ khi mới 14 tuổi, Elizabeth Edmondson đã trở thành vận động viên Úc trẻ nhất giành được huy chương vàng cá nhân bộ môn bơi lội, tính cả Olympic (Thế vận hội) và Paralympic (Thế vận hội dành cho người khuyết tật).

Đến tận hôm nay, kỷ lục ấy vẫn chưa bị phá vỡ, nhưng 55 năm sau ngày thiết lập kỷ lục, cô mới bắt đầu được công nhận về thành tích của mình.

Tại ngôi nhà ở vùng ngoại ô nằm phía bắc của Perth, Edmondson nhớ lại: “Lúc ấy tôi mới 14 tuổi và rất kỳ vọng ​​mình sẽ giành chiến thắng. Quả thật, tôi đã làm được điều đó”.

“Chỉ có một cuộc đua cho mỗi sự kiện như vậy, bởi không có quá nhiều đối thủ”.

Huy chương của Edmondson tại Paralympic Tokyo năm 1964 được vinh dự trưng bày tại nhà cô, đóng khung cùng với những bức ảnh cô thi đấu tại các sự kiện khác nhau.

Nhưng nếu không nhờ may mắn, có lẽ cô đã không thể tham gia Thế vận hội.

“Tôi bắt đầu học bơi vào tháng 1 năm 1964 cùng với em gái. Chúng tôi đã tập luyện tại bể bơi của chú Tony Howson tại làng Đại hội thể thao Khối Thịnh Vượng Chung ở City Beach”, cô nói.

“Tôi cứ nghĩ rằng chú ấy chỉ có một bể bơi 12,5 mét, nhưng sau hai tuần, chú nói rằng hãy đến tập luyện với đội tại Beatty Park, nơi tổ chức Đại hội thể thao Khối Thịnh Vượng Chung năm 1962”.

Elizabeth Edmondson (Ảnh: ABC news).

Cuộc gặp gỡ tình cờ

Chính tại nơi đó, Edmondson – cô bé được chẩn đoán mắc bệnh bại liệt khi mới 15 tháng tuổi và phải nằm viện suốt một năm, đã thu hút sự chú ý của vợ chú Howson.

Cô là một nhà vật lý trị liệu làm việc cho ông George Bedbrook, người sáng lập phong trào Paralympic ở Úc.

“Chính là nhờ có vợ của chú Tony, tôi đã biết đến Paralympic”, Edmondson nói.

“Chỉ vài ngày sau sinh nhật lần thứ 14 của tôi, chú Tony đến gặp tôi và thông báo rằng ‘Cháu vừa phá kỷ lục thế giới đấy!'”.

“Trước đó, tôi đã đến Adelaide để thi đấu thử và tôi đã được chọn tham gia Paralympic Tokyo”.

Giành huy chương vàng, sau đó trở lại trường học

Edmondson vẫn nhớ chuyến đi tới Tokyo 55 năm trước cùng với 14 đồng đội của mình.

“Cả đội đã gặp nhau ở Sydney và đó là lần đầu tiên tôi gặp đội”, cô nói.

“Sau đó chúng tôi đã bay tới Hồng Kông, tới Manila và cuối cùng tới Tokyo. Chuyến đi mất gần 24 giờ lận”.

Tuy nhiên do thiếu phương tiện lưu trữ hồ sơ, lại thêm những hạn chế của công nghệ vào thời điểm đó, cô đã mất liên lạc với hầu hết các đồng đội của mình sau Đại hội thể thao.

“Tôi xuống máy bay và trở lại trường vào ngày hôm sau như thể không có chuyện gì xảy ra vậy”, cô nói.

“Chẳng có lễ tân đón tiếp nồng nhiệt. Nhà khách Chính phủ tổ chức tiệc chiêu đãi chung cho các vận động viên, không có cuộc diễu hành đặc biệt chúc mừng người chiến thắng. Chỉ là việc trở lại trường và tôi dường như đã quên mất chuyện đó”.

Từ năm 2000, Ủy ban Paralympic Úc đã ghi chép lại lịch sử của Thế vận hội trên Wikipedia, gồm cả những thông tin liên quan đến Edmondson.

Chính nhờ việc này mà cô mới hiểu rằng cô đã đạt được gì ở Tokyo trong những năm trước.

“Tôi đột nhiên nhận ra, ‘Ồ hóa ra mình đã từng là vận động viên Paralympic’, và bây giờ tôi đang được công nhận”, cô nói.

Với sự công nhận gia tăng trong những năm gần đây, Edmondson đã nhận được một số giải thưởng đồng thời trở thành người đầu tiên được giới thiệu vào Đại sảnh Huyền thoại của Hiệp hội Bơi lội Tây Úc (WA Swimming) vào năm ngoái.

Elizabeth Edmondson đã phá kỷ lục thế giới ở tuổi 14 (Ảnh: ABC news).

Nâng cao nhận thức về Paralympic

Là một người đã từng trải nghiệm thành công từ sự kiện Paralympic, Edmondson cho biết giá trị của Thế vận hội không hề bị cường điệu hóa.

“Nó mang lại sự công nhận cho những người khuyết tật”, cô nói.

“Ngày nay Paralympic đã rất phổ biến trên ti-vi, mọi người cũng biết và quan tâm nhiều hơn về sự kiện. Tôi nghĩ ngày càng có nhiều người sẽ biết đến sự kiện”.

“Chắc chắn nó sẽ được mở rộng hơn nữa”.

Paralympic Tokyo sẽ bắt đầu từ ngày 25 tháng 8 năm 2020.

Huyền Diệu

Theo ABC News

Bạn đang đọc bài viết: “Phá kỷ lục thế giới năm 14 tuổi, vài chục năm sau nữ vận động viên khuyết tật mới hiểu ra mình đạt được những gì” tại chuyên mục Đời Sống của Đại Kỷ Nguyên. Để cập nhật thêm nhiều bài viết hay, quý độc giả vui lòng truy cập Fanpage chính thức của chúng tôi: facebook.com/DaiKyNguyenVanhoa/. Mọi ý kiến phản hồi và tin bài cộng tác xin gửi về hòm thư: [email protected]. Xin chân thành cảm ơn!

videoinfo__video3.dkn.tv||830fd9b79__