Những ngày cuối tháng năm này, một nỗi buồn lặng lẽ thấm vào tâm hồn của nhiều người Hà Nội yêu sách, khi thông tin bà Phạm Thị Mão – người phụ nữ được ưu ái gọi là Nữ Thành Hoàng của Đinh Lễ – không gian sách đầu tiên của Hà Nội đã rời dương thế xuất hiện khá bất ngờ trên nhiều trang báo.

Nhắc đến Đinh Lễ, những người Hà Nội và những người yêu Hà Nội đều sẽ có một cảm giác bồi hồi. Con phố nhỏ bé, tĩnh lặng ấy chứa đựng trong nó là biết bao tinh hoa của nhân loại, với trên chục cửa hàng kinh doanh sách. Nơi mà người ta có thể tìm thấy cho mình từ cuốn sách mới nhất, đến cuốn sách quý từ lâu đã ngưng xuất bản. Đó cũng là bến đỗ của những tâm hồn rong ruổi đi tìm cái bình yên trong sự hiểu biết và suy ngẫm.

Thiên đường sách của người Hà Nội – Phố Đinh Lễ

Nhưng không phải ai cũng biết về người phụ nữ đã tạo lập nên không gian dành riêng cho sách, cho những người đã vô tình đặt trọn tình yêu với những con chữ. Chỉ cho đến gần đây, khi bà đã từ giã nhân thế, người ta mới bắt đầu kể cho nhau nghe câu chuyện về một tâm hồn Hà Nội, yêu tha thiết những cuốn sách và cái góc nhỏ yên bình ấy.

Bà Phạm Thị Mão vốn là một nhân viên của Tổng công ty Phát Hành sách. Khi chồng bà – nhà giáo Lê Luy về nghỉ hưu, cảnh sống của gia đình trở nên khốn khó hơn. Để nuôi các con tiếp tục ăn học, ông giáo đã đạp xe khắp phố phường Hà Nội đi bán bánh kẹo. Thương chồng, lo cho các con, bà Mão, một người phụ nữ được chồng miêu tả là có cá tính mạnh mẽ và quyết liệt ấy quyết định nghỉ hưu, cùng chồng tìm cách khác mưu sinh.

Sẵn những mối quan biết cũ cùng với kinh nghiệm chọn sách của một nhân viên nhà xuất bản yêu nghề, bà Mão bàn với ông Luy, thay vì bán bánh kẹo, bán sách chắc chắn sẽ khá hơn. Không chỉ cho bản thân mình mà còn cho người mua nữa. Nói là làm, hai ông bà mượn được một chiếc xe đẩy, cẩn thận đặt trên đó những cuốn sách được lựa chọn kĩ càng, ông bà bắt đầu công việc kinh doanh của mình ở chân tháp Hòa Phong. Con phố sách sầm uất nhất Hà Nội có khởi đầu giản dị như thế.

Tháp Hòa Phong – Nơi ông Luy bà Mão khởi đầu sự nghiệp buôn bán sách

Sau ba năm miệt mài bán sách, giới thiệu sách bên Hồ, ông bà cũng tích cóp được một khoản, cộng dồn với số tiền bán căn nhà ở Ngũ Xã, bà Mão, ông Luy mua một căn hộ nhỏ ở tầng hai trong khu phố Đinh Lễ để làm hiệu sách. Nhiều người khi ấy đã cười chê quyết định này. Họ nói, cửa hàng ở trên tầng hai của một con phố vắng vẻ thì ai sẽ “mò mẫm” vào mua.

Nhưng có lẽ cũng chỉ có bà Mão và ông Luy hiểu giá trị của sự tĩnh lặng ấy, cùng với vị trí đắc địa, gần khu trí thức cao của con phố, hai người vẫn kiên trì với quyết định của mình. Ông Luy từ đó đảm nhiệm thêm công việc làm “quảng cáo” cho cửa hàng sách nhỏ nằm treo leo ở trên tầng 2 của hai người.

Tiệm sách treo leo trên tầng 2 – Thế giới bí mật của người yêu sách thủ đô

Sách hay, giá lại phải chăng hơn những cửa hàng được bày xếp cầu kì, bà còn cho phép những người tới mua xem sách, lựa sách thoải mái nên chẳng mấy mà khách đã quen tới tiệm sách bà Mão. Người mua cũng nhiều, mà người tới vì để được đọc sách, xem sách trong cái không gian yên tĩnh, có chút gì đó rất riêng tư này cũng rất nhiều.

Một góc nhỏ bình yên trước tiệm

Hóa ra, trước những năm 2000, Hà Nội khi ấy còn chưa quen với chợ đêm Đồng Xuân – Hàng Ngang – Hàng Đào, người ta đã quen với phố sách đêm Đinh Lễ. Nhận ra vị trí gần hồ, đông người đi dạo, tận dụng cái thanh mát của không khí ấy, ông Luy bà Mão lại đi tiên phong trong việc bày chiếu sách ra vỉa hè để bán mỗi khi màn đêm buông xuống. Tối tối, trong cái tĩnh mịch cuối ngày, được thư thả chọn một cuốn sách thật hay, lật giở từng trang sách, đọc thử một vài đoạn thì còn gì thi thú bằng.

Các nhà quanh đó thấy ông bà làm ăn khấm khá, khách cũng thích hình thức mua sách này, nên họ cũng rủ nhau, mang chiếu, xếp sách ra bán. Ban đầu một hàng, rồi sau đó là cả phố, phố sách Đinh Lễ lặng lẽ hình thành từ đó.

Đến năm 2000 – 2001, người ta không còn cho phép lấy vỉa hè kinh doanh sách, các gia đình quanh đó mới rủ nhau thuê cửa hàng, biến con phố im lìm xưa trở thành nơi gặp gỡ của người yêu sách với sách, nơi những tâm hồn yêu chữ gặp nhau.

Nhắc đến bà Mão, những người xung quanh khu Đinh Lễ không chỉ nhớ về người phụ nữ đã truyền lửa đam mê với những cuốn sách. Người ta còn nhớ về một người phụ nữ quyết đoán, nhạy bén, dám nghĩ dám làm vì giữa thời buổi khó khăn, bà sẵn sàng đi vay tiền để xuất bản một cuốn sách mà tất cả các nhà Xuất Bản đều từ chối. Đó chính là cuốn sách “bom tấn” Almanach – những nền văn minh thế giới với 2000 trang, tập hợp những tri thức tiêu biểu về các nền văn minh trên thế giới.

Cuốn sách “bom tấn” mà bà Mão đã rất dày công xuất bản

Ông Luy kể lại rằng bà Mão chọn sách để xuất bản không chỉ dựa trên tiêu chí kinh tế (nghĩa là cuốn sách người đọc thích) mà bà luôn cố gắng xuất bản những cuốn sách thực sự có giá trị về mặt kiến thức (những gì người đọc cần). Cuốn Almanach cũng được bà quyết tâm xin giấy phép in cũng vì bà tin vào những giá trị mà nó mang tới cho người đọc.

Sự nhạy bén và tình yêu sách của bà hoàn toàn có lý. Trong suốt 5 năm liền (1995 -2000), Almanach được rất bạn đọc tìm mua và trở thành một hiện tượng thời kì đó. Việc xuất bản này cũng mang tới món lời kỉ lục tương đương 500 cây vàng cho hai ông bà.

Tới thời điểm đó, ông bà quyết định dồn tiền lãi từ việc in sách vào mua các căn hộ còn lại trên chung cư tầng hai để mở rộng cửa tiệm. Năm căn phòng là trở thành năm kho sách, ngay cả căn phòng nhỏ ông bà dành để ở cũng dùng phần lớn diện tích để chứa sách. Ai đã từng “ngụp lặn” trong thế giới sách của bà Mão hẳn sẽ phải tâm phục khẩu phục người phụ nữ này, và trong tâm thầm dành tặng cho bà danh hiệu “người phụ nữ giàu có nhất”.

Nơi mà rất nhiều người Hà Nội lui tới để tạm “trốn” khỏi cái xô bồ của thủ đô

Chỉ nhìn người phụ nữ vẫn hàng ngày ngồi tính tiền sách trong góc nhỏ quen thuộc, bên chiếc điện thoại đỏ bao năm tháng, khuôn mặt ít cười, phảng phất nét nghiêm nghị, người lần đầu tới mua sách có lẽ sẽ không có nhiều ấn tượng với bà. Nhưng những ai đã từng một lần trò chuyện, hay đối với những người đã là khách quen, đã tỏ tường cái nhiệt tâm của bà với sách, với độc giả thủ đô, sẽ khó có thể quên được người phụ nữ ấy.

Chân dung “Nữ thành hoàng” người yêu sách, yêu nghề sách bằng cả tâm hồn

“Cũng không phải lúc nào mình cũng có tiền mua sách nhưng cứ lên đọc. Lên nhiều đến nỗi quen mặt, bà Mão biết nhưng chẳng bao giờ nói gì, có lúc sợ mình ngại bà còn lơ đi như không hề để ý. Nhiều người bảo thế là lạnh lùng nhưng mình lại rất thích cái vẻ nghiêm túc, từ tốn ấy của bà” – một người yêu sách đã chia sẻ.

Chặng đường ở cõi dương gian của bà đã kết thúc. Những người yêu sách, đã gắn bó cả thời tuổi thơ, tuổi trẻ với quán sách của bà có lẽ sẽ mang nỗi buồn man mác ấy rất lâu. Giờ đây, mỗi lần đi qua con phố nhỏ này, người ta lại nhớ lại và nói với nhau rằng: Đã có một người phụ nữ, suốt 41 năm ròng, cống hiến những ngày sống của mình để tạo nên chốn thanh bình này – thế giới riêng của những kẻ coi sách là tri kỉ.

Cái góc nhỏ này giờ đây sẽ trở thành một mảng trống trong tâm hồn nhiều người yêu sách

Cất nỗi buồn ấy ở một nơi trang trọng trong trái tim có lẽ là cách mà nhiều những vị khách quen của bà, và cả những người chưa từng gặp bà, gửi tới bà một lời tri ân. Họ đều biết ơn sâu sắc những kiến tạo âm thầm của bà trên phố sách Đinh Lễ – nơi chốn bình yên và đầy màu sắc trong tâm hồn họ… 

Nguồn ảnh: Tri thức trẻ

Hải Lam tổng hợp

Xem thêm: