Bố tôi là một thẩm phán hành chính. Ông luôn thức dậy và lái xe đến ga xe lửa từ 5h sáng đều đặn từ thứ 2 đến thứ 6. Từ đó, ông bắt chuyến tàu sớm đến Sanfrasico, và lên xe bus đến sở làm.

Ngày nào cũng vậy, chúng tôi sẽ thấy ông có mặt ở nhà vào lúc 6h chiều, trừ trường hợp ông ngủ quên và lỡ mất trạm dừng.

Gia đình tôi sống trong một căn nhà có ba phòng ngủ trên ngọn đồi ở Los Gatos, California. Từ cửa sổ của ngôi nhà, tôi có thể phóng tầm mắt chiêm ngưỡng cảnh đẹp của thung lũng Silicon. Khi tôi còn là một cậu bé, nơi đây vẫn chưa bắt đầu kỷ nguyên công nghệ.

Mặc dù công việc của một thẩm phán hành chính cũng chẳng giàu có gì, nhưng gia đình chúng tôi có thể sống khá thoải mái. Nhiều năm trôi qua Quận Santa Clara giờ đã phát triển thành một trung tâm công nghệ sầm uất. Những tòa kiến trúc tẻ nhạt giống hệt nhau mọc lên san sát nhanh chẳng kém gì sự phát triển của Thung lũng Silicon.

Cùng với sự thay đổi của khu vực, thị trấn Los Gatos yên tĩnh ngày nào giờ đã tràn ngập những chiếc xe BMW, Mercedes, Ferrari và những thương hiệu nổi tiếng khác qua lại. Những nhà hàng sang trọng cũng liên tục được khai trương để phục vụ cho những quý ông có máu mặt trong giới công nghệ.

(Ảnh minh họa: Dịch vụ Vườn quốc gia)

Trong khi đó bố tôi vẫn đi khắp thị trấn với một chiếc xe cà tàng nhưng có khả năng đánh bại bất cứ chiếc Ford Ranger nào. Bố nói với tôi rằng: “Giàu sang không phải là điều xấu. Điều xấu là có nhiều người đã đánh mất chính mình trong quá trình vươn tới sự thành đạt. Không phải tài sản mà chính là nhân cách mới khẳng định con là ai”.

Khi còn là một cậu trai bồng bột, tôi đã lập tức nói vặn lại bố: “À, con muốn trở thành một người giàu sang và có nhân cách hơn là một người đàn ông  có nhân cách nhưng luôn thiếu tiền”. Bố tôi chỉ cười và đáp lại: “Tất nhiên rồi, nhưng trong suốt cuộc đời cha, có một điều nực cười là, những người vui vẻ nhất trên hành tinh này cha từng gặp lại thường không giàu có”.

Ví như chú Corey, người mà bố tôi yêu quý nhất. Ông là người sửa chữa những con đường tại địa phương. Bố từng thuê ông làm vài việc lặt vặt và thường mời ông ấy ăn trưa và uống trà đá.

Chủ đề mà hai người đàn ông nói với nhau thường xoay quanh vấn đề lịch sử và cuộc sống. Bố tôi nói rằng: “Corey là một người thực tế và trung thực hơn bất kỳ người nào ông từng gặp”. Một người bạn khác mà bố cũng rất yêu quý là chú thợ cắt tóc Pat. Tất cả bọn họ đều không hề giàu có.

Những ngôi nhà ở thung lũng Silicon (Ảnh: Pixabay)

Bố mẹ tôi thi thoảng cũng tham dự các bữa tiệc của khu phố, mặc dù ông thích ở nhà làm bạn với mấy cuốn sách lịch sử dày cộp của mình hơn. Nhưng vì mẹ tôi thích những nơi đông người và tham gia các hoạt động cộng đồng nên ông cũng đành ậm ừ đi theo.

Trong những buổi tiệc như vậy, bố tôi nhận thấy rằng nhiều người giàu có trong khu phố lại không hề hạnh phúc. Đúng vậy, họ ở trong những ngôi nhà đầy đủ tiện nghi, ngôi trên những chiếc xe bóng loáng, nhưng vài người có vấn đề với cuộc sống hôn nhân, vài người khác thì lạm dụng rượu hoặc âu sầu về vấn đề sức khỏe… Vài người khác dù kiếm nhiều tiền nhưng lại chi tiêu một cách ngu ngốc, thậm chí một nửa trong số những người giàu có trong bữa tiệc đang sống hoàn toàn bằng tiền thế chấp. Bố tôi luôn nói như vậy.

Bố tôi thì khác, ông nghỉ hưu vào tuổi 79, khi đó ông đã sở hữu một ngôi nhà và rất nhiều ô tô. Bố tôi có lương hưu và trợ cấp y tế thậm chí có một vài khoản đầu tư dài hạn để chăm sóc cho mẹ tôi và chính bản thân ông. Sở dĩ ông nghỉ hưu muộn là bởi vì ông thực sự thích được đến sở làm và đối mặt với những vấn đề pháp lý. Đó dường như là đam mê của ông.

Bạn sẽ không bao giờ có đủ những gì bạn không thực sự cần.

Nam diễn viên Jim Carrey đã từng nói: “Tôi nghĩ mọi người đều có thể trở nên giàu có và nổi tiếng, họ có thể làm những điều họ ao ước. Nhưng việc hoàn thành giấc mơ ấy chưa bao giờ khiến ta thỏa mãn”.

Thực tế là tập trung vào vật chất và danh tiếng không bao giờ đem đến cho nhân loại niềm hạnh phúc lâu dài. Chúng ta hãy nhìn vào các vụ bê bối của những ngôi sao Hollywood, đa số họ đều có những vụ tai tiếng liên quan đến hôn nhân, chất kích thích, thuốc an thần và rượu…

Vào năm 2006, bố tôi nằm trên gường bệnh, hôn mê và vật lộn với những cơn đau của chứng suy thận. Những y tá tuyệt vời luôn cố gắng chăm sóc ông chu đáo nhất có thể. Lúc đó, tôi nắm tay bố và hồi tưởng lại những kỷ niệm gia đình tuyệt đẹp: Những ngày nghỉ lễ, con vật nuôi, gia đình, và những lời cầu nguyện cho một cuộc sống tươi đẹp. Tôi nói với bố mình rằng, nếu ông thấy mệt thì ông hãy cứ nghỉ ngơi, rồi mọi chuyện cũng sẽ ổn.

(Ảnh: Flickr)

Hai giờ sau đó, tôi nhận được cuộc điện thoại thông báo rằng cha tôi đã thanh thản qua đời. Tôi chuẩn bị cho lễ tang của bố trong khi những nỗi buồn và sự mất mát áp đảo tâm trí mình. Xa bố, tôi thấy như xa rời khỏi hạnh phúc, nhưng tôi cũng có một cảm giác an lòng khi biết cha đã được nghỉ ngơi.

Tôi cũng cảm thấy an ủi phần nào vì tôi đã ở bên cạnh ông suốt thời gian khó khăn của ông. Và mẹ tôi cũng đã được gặp bố lần cuối, tôi cũng cảm thấy nhẹ nhõm khi biết rằng ông không còn phải chịu đựng thêm cảm giác đau đớn một giây nào nữa.

Bố tôi ra đi cũng khiến tôi suy nghĩ sâu sắc hơn về cuộc sống của chính mình. Từ sự từng trải và vốn sống của ông, tôi bắt đầu tập trung theo đuổi những thứ mang đến cho tôi sự hài lòng chứ không phải ham muốn. Đó là sách, bạn bè, nghệ thuật, gia đình và sức khỏe…

Tôi quyết định chấp nhận một cuộc sống đơn giản vào năm 2006 khi tôi nghỉ hưu sớm 5 năm ở vị trí cảnh sát trưởng. Chúng tôi bán nhà ở California và chuyển đến phía nam Nevanda. Ở đây chi phí cho cuộc sống rẻ hơn và tôi có thể bán vài món đồ lặt vặt rồi dùng số tiền thu được để làm từ thiện.

Chúng tôi đã sống một cuộc sống giản dị hơn và điều đó mang đến rất nhiều sự khác biệt. Tôi dành thời gian để chăm sóc gia đình, sức khỏe và đam mê nghệ thuật. Nếu điều đó đem lại sự khác biệt cho cuộc sống của tôi – một cảnh sát trưởng thì biết đâu nó sẽ đem đến cho bạn một điều tương tự như thế. Chúng ta sẽ không bao giờ có thể biết được nếu ta chưa thử một lần.

Trên đây là đoạn trích bài chia sẻ của tác giả John P.Weiss trên trang Medium về người cha thân yêu của mình

Lời bình

Khi đọc những lời tâm sự của tác giả John P.Weiss, một bài hát rất nổi tiếng có tên là My Way – Con đường của tôi, vang lên bên tai tôi. Trong đó có đoạn:

Và bây giờ, cái kết đã cận kề

Vì thế tôi tự tay vén bức màn sau cuối

Tôi đã sống một cuộc đời đầy đủ

Tôi đã tự bước đi trên khắp mọi nẻo đường

Và hơn hết thảy,

Tôi đã làm mọi việc theo cách của riêng mình

Với một người đàn ông, liệu anh ta sẽ có gì

Nếu cuộc đời anh không được là chính mình?

Thế thì anh ấy sẽ chẳng có gì cả

(Ảnh: Wikipedia)

Cha của Jonh đã thực sự có một cuộc đời đầy đủ, ông có một gia đình hạnh phúc, một công việc đầy đam mê, một khoản tài chính ổn định dù không nhiều. Những người bạn vui vẻ và thông thái. Hơn hết thảy ông hiểu được cái lý lẽ của sự giàu sang và sẵn sàng lựa chọn con đường hạnh phúc của riêng mình. Ông cũng truyền dạy cho con trai những triết lý làm người đó, và cuối cùng anh ấy đã thấu triệt tất cả. Giờ đây ông đã có thể nhắm mắt trong an yên vì biết rằng những gì cần làm ông đều đã làm được.

Vậy còn bạn, bạn lựa chọn con đường nào? Liệu chúng ta có thực sự đang là chính mình, hay ta đang chạy theo nhưng mơ ước giàu sang của người khác? Khi mà những cá nhân được cả xã hội ca ngợi đều là những người nổi tiếng với gia tài bạc tỷ, khi mà một chiếc BMW sẽ thu hút ánh nhìn nhiều hơn một chiếc xe máy nội địa, khi mà tiền bạc lên ngôi và nhân cách bị bỏ ngỏ, liệu chúng ta có đang đi đúng đường?

Nếu bạn biết hài lòng với cuộc sống hiện có và chấp nhận thuận theo lẽ tự nhiên thì bạn sẽ có thêm nhiều thời gian và nguồn lực để tập trung cho những điều khiến mình thấy hạnh phúc. Điều này không có nghĩa là chúng ta không có một mục tiêu để vươn tới, điều này có nghĩa là ta biết trân trọng những gì mình đang có. Ngay cả với một người ăn xin, anh ấy vẫn có thể tận hưởng ánh bình mình một cách vô tư lự và thâm cảm ơn cuộc đời cho anh ấy được sống. Vậy vì sao chúng ta lại không thể?!

Nguyên Trực