Hơn bao giờ hết, các sản phẩm thời trang dường như tỏa ra thứ ánh sáng đầy ma lực hướng đến cơn “nghiện” của người tiêu dùng. Nhưng ít ai biết rằng đây là ngành công nghiệp gây ô nhiễm thứ hai trên thế giới, gây tác động to lớn đến nhiều mặt, và chúng ta cần có những cuộc cách mạng thời trang để thay đổi vấn nạn này.

Chắc chắn, thời trang nhanh với mức giá thấp, thiết kế đổi mới liên tục đang kích thích, hấp dẫn bất kỳ người tiêu dùng nào. Thế nhưng, cái giá phải trả là thế giới của chúng ta đang bị tàn phá, theo nhiều cách khác nhau: từ môi trường sinh thái bị ảnh hưởng, việc sử dụng nhân công giá rẻ khiến người lao động chịu áp lực và lạm dụng, đến việc người tiêu dùng phải gánh chịu các sản phẩm kém an toàn chất lượng, và nguy hại hơn hết là hình thái thói quen “nghiện” mua sắm, tiêu dùng “nhanh” khi thường xuyên mua sắm và thay bỏ các mặt hàng thời trang.

Cách mạng thời trang có ý nghĩa như một phong trào toàn cầu với nhiệm vụ là gắn kết mọi người cùng hướng tới việc thay đổi hoàn toàn cách thức dùng nguyên liệu, sản xuất và tiêu thụ quần áo của chúng ta theo một cách an toàn, sạch sẽ và thân thiện môi trường hơn. Sự hợp tác trong toàn bộ chuỗi giá trị, từ nông dân đến người tiêu dùng, là cách duy nhất để chuyển đổi ngành công nghiệp này.

Có một số “cuộc cách mạng” góp phần đáng kể vào công cuộc cách mạng thời trang trong những thập niên gần đây.

Chiến dịch Detox của tổ chức Greenpeace

Chiến dịch Detox được tổ chức phi lợi nhuận Hòa Bình Xanh Greenpeace (trụ sở Canada) triển khai năm 2011 nhằm chỉ ra mối liên hệ trực tiếp giữa các thương hiệu thời trang toàn cầu, nhà cung cấp của họ và tình trạng ô nhiễm nước độc hại trên toàn thế giới.

Ảnh: inhabitat.com

Tổ chức này đã tiến hành điều tra tại các quốc gia sản xuất, cùng với việc thử nghiệm hàng may mặc của các thương hiệu để tìm dấu vết của hóa chất độc hại. Điều này tiết lộ cho thế giới về mối nguy hiểm độc hại đằng sau quần áo của chúng ta.

Chiến dịch này khuyến khích các thương hiệu thời trang toàn cầu hướng đến một ngành công nghiệp thời trang không độc hại trong tương lai, cũng như việc loại bỏ tất cả các chất thải hoặc sử dụng các hóa chất độc hại. Chiến dịch đã có được các cam kết công khai từ mười chín công ty thời trang quốc tế như Nike, Adidas, Puma, H&M, M&S ..

Nước thải công nghiệp chứa hóa chất độc hại thải ra sông Cihaur, một nhánh của sông Citarum. (Ảnh: elindependiente.com)

Chiến dịch quần áo sạch (CCC)

Chiến dịch Quần áo sạch là một chiến dịch quốc tế dành riêng để cải thiện điều kiện làm việc và trao quyền cho người lao động trong ngành may mặc và đồ thể thao toàn cầu. CCC đã xây dựng “Quy tắc thực hành lao động cho ngành may mặc bao gồm trang phục thể thao” dựa trên các công ước của Tổ chức Lao động quốc tế của Liên hợp quốc, bao gồm các quy định về độ tuổi lao động tối thiểu, yêu cầu làm việc an toàn, thời gian làm việc và quyền hưởng lương.

Ảnh: ngoadvisor.net

Chiến dịch này giúp nâng cao nhận thức và vận động mọi người tham gia, thúc đẩy các công ty, chính phủ chịu trách nhiệm đảm bảo rằng quyền của người lao động được tôn trọng và thực hiện. Các hành động vi phạm quyền của người lao động cần có sự can thiệp hợp lý.

Quỹ ZDHC: Không thải hóa chất độc hại

Nhiệm vụ của Quỹ ZDHC là hướng tới hành động nói “Không” với việc xả hóa chất độc hại trong chuỗi sản xuất dệt may, da và giày dép, với mục tiêu cải thiện môi trường và sức khỏe của mọi người. Sứ mệnh của Quỹ là áp dụng rộng rãi các loại hóa học không gây nguy hại. Có đến 70 doanh nghiệp liên doanh thời trang tham gia vào chương trình ZDHC.

Sứ mệnh của Quỹ là áp dụng rộng rãi các loại hóa học không gây nguy hại. (Ảnh: roadmaptozero.com)

ECO-AGE / Giải thưởng thời trang thảm xanh

ECO-AGE là một doanh nghiệp tư vấn thương hiệu / tiếp thị được thành lập bởi bà Livia Firth, nhằm giúp các doanh nghiệp tạo lập, thực hiện và truyền đạt các giải pháp thời trang bền vững, thân thiện môi trường.

Ảnh: eco-age.com

ECO-AGE tổ chức giải thưởng nổi tiếng thế giới Green Carpet Challenge (GCC), trưng bày các thiết kế “thân thiện môi trường” trên thảm đỏ. Nhà sáng lập Livia Firth và giải GCC đang mang đến tầm nhìn tiến bộ và liệu pháp xây dựng hướng phát triển bền vững cho ngành thời trang.

Bộ phim tài liệu: True Cost (Chi phí thực tế)

Đây là một bộ phim tài liệu tuyệt vời nói về quần áo chúng ta mặc, những người tạo ra chúng và tác động của ngành công nghiệp thời trang đối với thế giới. Thời trang nhanh chiếm ưu thế, giá cả của quần áo giảm dần qua mỗi thập kỷ, nhưng cái giá mà nhân loại và môi trường phải trả thì lại tăng không ngừng. Bộ phim The True Cost vén bức màn bí mật tiết lộ những câu chuyện chưa kể, khiến chúng ta phải suy ngẫm: ai đang thực sự phải trả giá cho quần áo chúng ta mặc?

Ảnh: talkbeauty.vn

Phim được quay tại nhiều quốc gia trên thế giới, từ những sàn diễn thời trang sáng chói nhất đến những khu ổ chuột tối tăm nhất, đem lại những hiểu biết chân thật về ngành thời trang. Đó là một dự án chưa từng có trong lịch sử, đưa chúng ta đi vòng quanh thế giới, tiếp cận với sự thật về những địa điểm, những con người đằng sau mỗi bộ quần áo của chúng ta.

HuffPost – Thời trang bền vững

Tạp chí Huffington Post UK có một chuyên đề dành riêng cho Thời trang bền vững – thân thiện môi trường. Ở đây bạn có thể tìm thấy những bài viết thú vị về các chất liệu vải an toàn, bền vững, những thương hiệu thời trang uy tín, người nổi tiếng, các sự kiện và xu hướng thời trang.

Ảnh: zukus.net

Tạp chí uy tín này tin rằng “cơn khát” thời trang nhanh (chỉ các hãng thời trang phổ thông, còn được dùng để nói đến tốc độ sản xuất chóng mặt lẫn vòng đời sử dụng ngắn ngủi của trang phục) đang tác động mạnh mẽ đến cuộc sống của hàng ngàn người theo cách tiêu cực. Vì thế, HuffPost tập trung vào vẻ đẹp và thời trang bền vững, thân thiện môi trường, khuyến khích người tiêu dùng thay đổi thói quen mua sắm từ chú trọng số lượng sang chất lượng, giúp nâng cao nhận thức người dùng về vấn đề này và đề cao xu hướng hướng tới ngành công nghiệp thời trang đạo đức hơn cho cả người sản xuất lẫn người tiêu dùng.

Tiêu chuẩn về dệt may hữu cơ toàn cầu (GOTS)

GOTS thiết lập tiêu chuẩn dệt hàng đầu cho sợi hữu cơ, bao gồm các tiêu chí sinh thái và xã hội. GOTS đảm bảo tình trạng hữu cơ của hàng dệt may từ quá trình thu hoạch nguyên liệu thô qua đến sản xuất có trách nhiệm với môi trường và xã hội cho đến dán nhãn, nhằm đảm bảo sự tin cậy cho người tiêu dùng. Tiêu chuẩn này bao gồm việc chế biến, sản xuất, đóng gói, dán nhãn, kinh doanh và phân phối tất cả các hàng dệt may được chế tạo từ tối thiểu 70% sợi hữu cơ tự nhiên.

Ảnh: thefutonshop.com

Tiêu chuẩn được chia thành hai loại nhãn:

  • Cấp độ 1: Hữu cơ (≥ 95% sợi hữu cơ);
  • Cấp độ 2: được làm bằng X% hữu cơ (X ≥ 70% sợi hữu cơ).

Chúng ta chủ yếu tìm thấy chứng nhận GOTS trên chất liệu cotton hữu cơ, nhưng các loại sợi tự nhiên khác như lanh hoặc len cũng có thể được chứng nhận.

Tổ chức phi lợi nhuận Fair Wear

Tổ chức Fair Wear chuyên làm việc với các thương hiệu, nhà máy, công đoàn, các tổ chức phi chính phủ và đôi khi cả với chính phủ để xác minh và cải thiện điều kiện làm việc trong ngành công nghiệp quần áo.

Ảnh: youtube

Tổ chức này thường cùng với các thương hiệu tìm kiếm các giải pháp đa diện để từng bước cải thiện điều kiện lao động thấp. Hiện nay, có đến hơn 80 công ty là thành viên tổ chức Fair Wear.

Tâm An