Không chỉ ở Việt Nam, nhiều quốc gia khác trên thế giới cũng đang đau đầu với việc giải quyết vấn đề ngập lụt cho các thành thị mỗi khi mùa mưa tới. Tuy nhiên, ở nhiều nơi, người ta đã áp dụng những sáng kiến vô cùng thông minh để xử lý bài toán nan giải này.

Công trình đê biển – Hà Lan

Hệ thống đê biển được bình chọn là kỳ quan thế giới hiện đại

Là đất nước có chiều cao trung bình thấp hơn mực nước biển, điều này có nghĩa là chỉ cần một cơn bão cũng có thể khiến phần lớn quốc gia chìm trong biển nước. Vì vậy từ những năm 50 của thế kỷ trước, Chính phủ Hà Lan đã quyết định xây dựng một công trình đê biển lớn chưa từng có trên thế giới để ngăn chặn hiện tượng nước biển dâng.

Mạng lưới kênh rạch chằng chịt ở Amsterdam- thủ đô Hà Lan

Kế hoạch “Delta Work”  gồm 13 con đê với chiều dài gần 16.500 km kèm theo khoảng 300 rào chắn sóng, kênh thoát nước, cửa cống, kè ngăn nước, đất bồi và hệ thống máy bơm đồ sộ. Mục tiêu của công trình là nhằm làm giảm chiều dài bờ biển, bảo vệ các khu vực trực thuộc và bao quanh đồng bằng châu thổ sông Rhine – Meuse – Scheldt ở phía tây nam Hà Lan trước những trận lụt đến từ Biển Bắc.

Dự án trị giá 5 tỷ USD này không chỉ ngăn chặn hiệu quả tình trạng úng ngập, nó còn cung cấp cho các vùng đất canh tác nông nghiệp của Hà Lan nguồn nước ngọt dự trữ dồi dào. Theo tính toán của các kỹ sư xây dựng, Xác suất chịu trận lụt quy mô lớn như năm 1953 của Hà Lan giảm xuống còn 1/4.000 năm. Theo đó, “Delta Works” được Hiệp hội Kỹ sư Dân dụng Mỹ công nhận là một trong 7 kỳ quan của thế giới hiện đại.

Đường hầm nhiều chức năng – Malaysia

Đường hầm “SMART” dài nhất Đông Nam Á.

Giống như nhiều Thành phố Châu Á khác, thủ đô Kuala Lumpur của Malaysia nằm ở hợp lưu của nhiều con sông lớn. Và để giải quyết tình trạng ngập lụt diễn ra dai dẳng trong nhiều năm, thành phố đã cho xây dựng một đường hầm đặc biệt mang tên “SMART”, vừa có chức năng thoát lũ vừa có chức năng hỗ trợ giao thông, vận tải.

Đường hầm này dài 9,7 km, là một trong những đường hầm dài nhất Đông Nam Á. Đúng như cái tên của nó, trong điều kiện thời tiết khô ráo, đường hầm vận hành bình thường cho phép xe cộ qua lại. Khi mưa nhẹ, đường hầm chuyển sang chế độ “mở bán phần” dẫn nước mưa chảy qua tầng dưới của phần đường cao tốc, các phương tiện vẫn có thể sử dụng các làn đường tầng trên. Khi có bão lớn, đường hầm chuyển sang chế độ “mở toàn phần”. Những cửa ngăn nước tự động mở cho dòng nước chảy qua và xe cộ bị cấm qua lại đường hầm.

SMART có 3 chế độ sử dụng tùy thuộc vào điều kiện thời tiết của khu vực.

Cho đến nay, SMART vẫn là đường hầm dài nhất Đông Nam Á và dài thứ nhì Châu Á, với chi phí xây dựng 500 triệu USD, công trình đã đem lại hiệu quả rất lớn cho việc thoát nước mùa mưa tại Thủ đô Kuala Lumpur.

Hệ thống chống ngập dưới lòng đất – Nhật Bản

Nổi tiếng với kỹ thuật xây dựng những công trình quy mô lớn, năm 1993 để giải quyết tình trạng ngập lụt của Tokyo, Chính phủ Nhật Bản đã cho khởi động dự án “G” xây dựng một hệ thống thoát nước dưới lòng đất. Công trình trị giá 3 tỷ USD này được xây dựng trong 13 năm và có độ sâu 50m ở bên dưới một sân bóng đá và một khu trượt tuyết ở ngoại ô Thành phố.

Một cổng thoát nước ra sông Edo của dự án “G”

Hệ thống bao gồm 5 giếng đứng bê tông, mỗi giếng cao 65 m và rộng 32 m, chúng được kết nối với 6,4 km đường hầm và một tháp điều áp khổng lồ được mệnh danh là “điện Pantheon dưới lòng đất”, dài 177m, rộng 78 m và cao 25,4 m.

Ngôi đền của thần Patheon dưới lòng đất.

Mỗi khi mưa lớn, nước lũ đổ từ 4 con sông lớn vào Tokyo được dẫn xuống lòng đất, chảy qua đường hầm trước khi đổ vào sông Edo. Các máy bơm của hệ thống có thể hút 200 tấn nước (tương đương một bể bơi 25 m) xuống sông Edo mỗi giây. Công trình vào hoạt động từ năm 2009 với tần suất sử dụng khoảng 7 lần mỗi năm.

Hồ chứa nước quy mô lớn – Singapore

Hồ marina vừa để chống lụt, dự trữ nước ngọt, đồng thời còn được xây dựng với mục đích thu hút khách du lịch.

Là một Quốc đảo nhỏ đang trên đà phát triển, nhưng tình trạng ngập lụt và hệ thống dự trữ nước hạn chế từng khiến cho 6 triệu dân của đảo quốc sư tử thường xuyên rơi vào tình trạng thiếu nước sạch sinh hoạt.

Với diện tích nhỏ và bốn mặt giáp biển, Singapore không có nhiều phương án lựa chọn để xử lý cả hai vấn đề. Vì vậy, người ta đã quyết định tận dụng 17 hồ chứa nước có sẵn, nạo vét và mở rộng để biến chúng thành “túi nước ngọt dự trữ” cho cả quốc gia.

Đáng kể nhất phải nói đến công trình xây dựng hồ Marina. Vốn là một vùng đất thấp ven biển thường xuyên bị ngập mặn. Các kỹ sư đã xây dựng một con đập chia cắt vùng nước nội địa với vùng biển bên ngoài. Đổng thời gắn 9 cổng thép cao 5m, rộng 30m trên thành đập cho phép tàu bè qua lại. Ngoài ra còn trang bị thêm cho hồ 7 máy bơm có tổng công suất hút 280m khối nước mỗi giây. Mỗi cổng nặng 70 tấn và mỗi máy bơm có khối lượng 28 tấn.

Toàn cảnh Singapore từ hồ Marina. (Dẫn ảnh: sharesinv.com)

Thông qua các trận mưa lớn và hệ thống máy bơm, vùng nước mặn phía trong của hồ đã được hòa tan và hút hết ra phía biển trong vòng 3 năm. Nhờ hệ thống này, tình trạng ngập lụt giảm hẳn ở các khu vực nằm ở vị trí thấp của Singapore như Chinatown, Jalan Besar và Geylang. Đồng thời với công trình  2,2 tỷ USD này, Singapore đã có thể chủ động trong việc dự trữ nước ngọt cho nhu cầu phát triển của Đảo Quốc.

Ảnh dẫn qua: Trithuctre

Anh Lân