Bạn có tin âm nhạc là một phép màu mà Cuộc sống đã ban tặng cho con người khi Ngài đưa chúng ta xuống trái đất đầy đau thương này? Hãy dành ít phút đọc những câu chuyện nhỏ dưới đây để tìm cho mình câu trả lời chính xác nhất.

1. Câu chuyện thứ nhất: Âm nhạc đã cứu sống cô bé Charlotte Nvev như một phép màu

Câu chuyện kì diệu này diễn ra tại London, Anh Quốc vào tháng 4 năm 2012. Cô bé 7 tuổi Charlotte khi ấy đang cùng mẹ ngồi xem một chương trình tivi và đột nhiên có triệu chứng của xuất huyết não. Em lập tức được đưa tới bệnh viện để cấp cứu. Mọi biện pháp cấp cứu đã được thực hiện, nhưng cô bé vẫn rơi vào trạng thái hôn mê sâu. Những lời cầu nguyện của cha mẹ và những nỗ lực của các bác sĩ có lẽ vẫn chưa đủ mạnh mẽ để để đưa em trở lại với cuộc sống.

Vào ngày mà cả gia đình quyết định dừng hy vọng, mẹ đã lặng lẽ vào thăm Charlotte. Cô muốn nắm bàn tay nhỏ của con gái, đặt lên trán con một nụ hôn dịu dàng. Bỗng nhiên, trên đài phát thanh của bệnh viện phát bài hát “Rolling in the Deep” của ca sĩ Adele – bài hát mà cô và con gái đã bao lần cùng nhau ngân nga khi trước. Mẹ của Charlotte cất tiếng hát theo nhịp điệu buồn nhưng đầy mạnh mẽ của ca khúc, như một món quà cuối cùng cô tặng cho con gái nhỏ thân yêu của mình.

Đó cũng chính là lúc điều kì diệu tới, trên môi bé Charlotte bỗng nhiên hé một nụ cười. Cô bé tỉnh dậy nhẹ nhàng chỉ như vừa ra khỏi một giấc ngủ đêm.

Hai ngày sau, cô bé đã có thể nói được và thính giác cũng được phục hồi ngay sau đó. Các bác sĩ và cha mẹ của Charlotte không thể tin vào sự hồi tỉnh và phục hồi thần kì của em chỉ sau khi nghe bài hát của mẹ.

2. Câu chuyện thứ hai: Người chơi đàn Cello của thành phố Sarajevo

Bức ảnh chất chứa rất nhiều suy nghĩ và xúc cảm này được chụp tại thư viện quốc gia của Bosnia vào tháng 8 năm 1992. Lúc bấy giờ, đất nước Bosnia vừa trải qua một cuộc chiến khốc liệt và khắp mọi nơi đều là những khu nhà đổ nát. Người nghệ sĩ chơi đàn cello trong ảnh là Vedran Smailovic. Anh đã tới rất nhiều đám tang, tự nguyện chơi đàn để tiễn đưa những người đã mất, bằng thứ âm nhạc đến từ trái tim của mình. 

Dưới đống đổ nát ấy, là một thư viện lâu đời với hàng chục ngàn đầu sách quý, vốn là niềm tự hào của đất nước nhỏ bé này. Nhưng giờ đây, chiến tranh, lòng hận thù của con người đã phá hoại tất cả, đốt cháy tất cả. Những gì tinh túy nhất của một dân tộc đã bị thiêu rụi trong ngọn lửa của bạo tàn. Hỏi có ai có thể cầm lòng trước tia hy vọng về một cuộc sống yên bình và đẹp đẽ cứ dần tắt lịm, tan ra như những hạt bụi trong đống gạch đá ấy?

Nhưng chính hình ảnh của người nghệ sĩ bên chiếc đàn Cello đã nhóm lại niềm hy vọng ấy. Trong cái tĩnh lặng của sự tàn lụi, âm thanh trầm, ngân nga của đàn cello vang lên, nhẫn nại và dịu dàng. Phải chăng đó là thông điệp của người nghệ sĩ: Trong những hoàn cảnh đau thương nhất, nếu chúng ta có đủ nhẫn nại và can đảm để làm lại, những điều chúng ta có thể gây dựng lại sẽ tốt đẹp hơn rất nhiều.

Âm nhạc là như vậy, ta không thể nhìn thấy, nhưng nó có khả năng lấp đầy tâm hồn ta bằng niềm hy vọng.

3. Câu chuyện thứ 3: Nghệ sĩ David Martello biểu diễn tại quảng trường Taksim Thổ Nhĩ Kỳ

Đây không phải là quang cảnh của một buổi hòa nhạc ngoài trời của một nghệ sĩ nổi tiếng. Trên thực tế, bức ảnh đang ghi lại hình ảnh của cuộc biểu tình trên quảng trường Taksim của Thổ Nhĩ Kì vào tháng 6 năm 2013.

Thời điểm này, Davide Martello – nghệ sĩ dương cầm người Đức đang ở thành phố Sofia, Bulgarie để chuẩn bị cho buổi biểu diễn đường phố của mình. Anh đã vô tình nghe thấy trên bản tin thời sự thông tin về cuộc biểu tình đang diễn ra rất căng thẳng ở Istanbul của Thổ Nhĩ Kì. Không chút chần chừ, anh lập tức di chuyển tới thành phố này để … biểu diễn ngay giữa đám đông huyên náo. Davide đã dành cho “những khán giả” bất đắc dĩ đang rất giận dữ của mình ba đêm diễn, và đỉnh điểm, trong một buổi diễn, anh đã cống hiến âm nhạc cho các thính giả trong 13 giờ đồng hồ liên tục.

Âm nhạc là thứ ngôn ngữ không có ngôn từ, những thanh âm và những khoảng lặng đan xen của Davide dường như có một sức mạnh diệu kỳ: Nó đã thấm sâu vào đám đông, phá vỡ tất cả những giận dữ, bất bình, thù hằn đang lấp đầy tâm trí của những người trong cuộc. Âm nhạc của anh đã giúp tất cả bình tĩnh trở lại để có thể  thực sự đối thoại với nhau.

Davide chia sẻ lại cảm nhận của mình khi ấy:

“Tôi không nghĩ rằng âm nhạc lại có thể có sức ảnh hưởng mạnh như vậy trong một tình huống căng thẳng như thế. Âm nhạc có thể dập tắt những cơn thịnh nộ. Tôi đã thấy những người cảnh sát cởi mũ bảo hiểm và ngồi xuống trò chuyện với những người biểu tình, họ cùng nhau nghe nhạc rất yên bình”.

4. Câu chuyện thứ 4: CONDUCT US (Hãy chỉ huy chúng tôi)

Cũng vào những ngày mùa thu của năm 2013, trên đường phố New York, một nhóm các nghệ sĩ có tên Improve Everywhere đã tổ chức một buổi biểu diễn đường phố rất đặc biệt. Họ đặt trước chiếc bục dành cho nhạc trưởng dòng chữ “Hãy chỉ huy chúng tôi”. Điều này đồng nghĩa với dàn nhạc sẽ chơi theo sự chỉ huy của những người qua đường. Bất cứ ai tò mò và muốn thử cảm giác làm nhạc trưởng đều được hoan nghênh. Các nghệ sĩ đã mang một món quà quý báu tới với công chúng. Bởi nhạc giao hưởng vốn được coi là một thể loại âm nhạc khá “xa cách”, dành cho những người thuộc tầng lớp tri thức, chủ lưu trong xã hội.

Buổi “hòa nhạc” đặc biệt này đã tạo ra một bầu không khí thật vui vẻ và thân thiện. Giữa những “nhạc trưởng trong chốc lát” và cả các nhạc công chuyên nghiệp có rất nhiều khác biệt: về lứa tuổi, sự cảm thụ âm nhạc, nhưng trong không gian của phố phường, họ lại được gắn kết với nhau bằng tình yêu dành cho âm nhạc. 

Hãy ngắm nhìn những bức ảnh về buổi hòa nhạc đặc biệt này, bạn sẽ cảm nhận được một sức mạnh siêu nhiên khác của âm nhạc:

Xóa bỏ mọi sự khác biệt và đưa con người ta đến gần nhau hơn.

Người phụ nữ này thực sự có phong thái của một nhạc trưởng, khi ánh nhìn của những nhạc công đều hướng vào đôi tay bà
Các nhạc công như không nén nổi nụ cười trước người chi huy này
Thậm chí họ có một nhạc trưởng tí hon, cô ấy còn mang theo cả bản nhạc? Có lẽ sẽ là những giai điệu rất thần tiên
Tôi mặc đồng phục và được làm nhạc trưởng, điều này thật tuyệt!
Những khuôn mặt rạng rỡ và tươi vui của các nhạc công đã nói lên một điều thật giản dị: Họ đang chơi nhạc trong hạnh phúc.

Thông điệp nhỏ:

Nếu không có âm nhạc, con người chúng ta có lẽ đã không sống sót được cho tới ngày hôm nay, với những những khổ đau cứ nối tiếp nhau như những con sóng, đến và đi trong cuộc sống của mỗi người. Vậy nếu bạn yêu và tha thiết được chơi một loại nhạc cụ nào đó, hoặc trái tim bạn đang thôi thúc bạn cất lên những tiếng ca, thì hãy dũng cảm bước vào thế giới của âm nhạc. Bởi cuộc sống của chúng ta luôn cần sự hiện hữu của những thanh âm đặc biệt và tuyệt vời này.

Nguồn ảnh: nhacchoviet.vn

Hải Lam tổng hợp 

Xem thêm: