Ngày nay, khi nhắc tới nghề bác sĩ, chúng ta sẽ nghĩ ngay tới những hình ảnh rất tiêu cực, trong lòng sẽ cảm nhận thấy thiếu thiện cảm. Nhưng có bao giờ bạn tự hỏi, căn nguyên của những cảm nhận tiêu cực ấy, và tại sao ngày trước thầy thuốc lại là nghề được nể trọng đến vậy? Những bức hình dưới đây, phần nào sẽ hé lộ cho bạn cuộc sống thực sự của các “thiên thần áo trắng”. Biết đâu, bạn sẽ tìm được cho mình một câu trả lời.

Sự vất vả của công việc – Giấc ngủ luôn là một món quà xa xỉ

Các bác sĩ có lẽ là những người duy nhất không cần một chiếc giường êm ái để có thể tận hưởng được một giấc ngủ ngon. Trên bàn, trong hốc tủ, và trên đất ở đâu bằng phẳng,  hoặc êm ái một chút ở đó các bác sĩ đều hạnh phúc tận hưởng giây phút nghỉ ngơi của mình. Điều duy nhất các nhân viên mẫn cán của bệnh viện cần chỉ là thời gian.

Bạn có thể bật cười trước những tư thế ngủ ngộ nghĩnh của các bác sĩ này. Họ đến từ những bệnh viện của Mexico, các bức ảnh được tập hợp từ những chia sẻ trên mạng xã hội. (Ảnh: Thunder-ballz.com)

Chúng ta chỉ biết bác sĩ không đi làm theo giờ hành chính, họ phải đi trực. Nhưng có lẽ ít ai biết rằng, một ngày làm việc có thể kéo dài đến 36 tiếng với nhiều ca mổ liên tiếp. Thoạt nhìn bức ảnh dưới, bạn có thể sẽ không hiểu điều gì đang diễn ra với những vị bác sĩ ấy. Họ bị ngất sao? Câu trả lời là: Sự mệt mỏi và cơn buồn ngủ đã đánh bại họ, nhưng chỉ là sau khi đã bước ra khỏi phòng mổ, sau khi bệnh nhân đã an toàn.

Trong ảnh là bác sĩ Trần Hưng Bành, trưởng khoa Tim mạch, bệnh viện Trung ương Lạc Dương, Hà Nam, Trung Quốc. Bức ảnh được chụp lúc 3 giờ sáng, sau khi bác sĩ Bành kết thúc ca mổ kéo dài nhiều giờ. Bác sĩ Bành mặc nguyên trang phục phẫu thuật, chỉ kịp tìm một tấm ga trải giường để nằm, ông đã lập tức bị sự mệt mỏi và căng thẳng đánh gục. (Ảnh: Thời báo Bắc Kinh).

Cùng ngắm nhìn những nữ bác sĩ và nữ ý tá, bạn sẽ thấy một hình ảnh khác đằng sau màu áo phẫu thuật

Đối với các nữ bác sĩ, y tá ngoài vai trò là một người chăm sóc ra, họ vẫn còn một vai trò thiêng liêng nữa không thể chối từ: “Làm mẹ”. Với họ, sự căng thẳng và trách nhiệm dường như tăng lên gấp đôi: Họ vẫn cần là tận tâm với các bệnh nhân nhưng cũng không được quên rằng mình đang mang trong mình một mầm sống. Chỉ có lòng yêu nghề, sự quý trọng từng cơ hội để cứu người mới có thể giúp những người phụ nữ tuyệt vời này hoàn thành trọn vẹn vai trò của mình.

Hai hình ảnh này chụp trong một ca phẫu thuật trong bênh viện Nhân dân số 2, tỉnh Hà Nam, Trung Quốc. Trong tình thế cấp bách, nữ ý tá Cổ Lâm, 34 tuổi, dù mang thai ở tháng thứ 7 đã tình nguyện ở trong tư thế ngồi suốt nửa tiếng để đỡ đầu của đứa bé đang chào đời. Cô chỉ chịu nghỉ ngơi khi hai mẹ con bệnh nhân đã an toàn. (Ảnh: Tri Thức Trẻ).
Sau 30 tiếng đồng hồ trực ban và tiến hành phẫu thuật liên tiếp, bác sĩ Diệp Mỹ Phương, Chủ nhiệm khoa Ngoại bệnh viện Vệ Sinh Càn Đàm, Kiến Đức, Chiết Giang mệt mỏi ngồi nghỉ ngay trên nền nhà. Bức ảnh chụp vào lúc 14 giờ ngày 3/9/2015. Thời điểm này, bác sĩ Diệp đang mai thai ở tháng thứ sáu.

Bác sĩ không phải là nghề dành cho những người không có trái tim 

Chúng ta thường xuyên nhìn thấy những y bác sĩ, các y tá trong khuôn mặt lạnh lùng hoặc bực bội. Từ đó, định kiến về các bác sĩ là những con người có cái đầu và cả trái tim đều lạnh cũng trở nên phổ biến hơn. Nhưng trên thực tế, các bác sĩ là những người làm việc trực tiếp với con người, không chỉ với thân thể họ mà với phần cảm xúc trong họ. Vì vậy, trong các bệnh viện, sẽ không hề thiếu những hình ảnh khiến bạn cảm nhận được sức nóng của những trái tim luôn hết lòng vì cuộc sống của người khác.

Hình ảnh  bác sĩ Thạch Trác ôm bé gái nhỏ trong lòng để vỗ về, an ủi đã tạo ra rất nhiều dư âm tốt đẹp trong cộng động người dùng mạng Trung Quốc. Được biêt, bác sĩ Thạch Trác làm việc ở Hàng Châu, một tỉnh miền Nam Trung Quốc. Bệnh nhân nhỏ bé này đang chuẩn bị được phẫu thuật, nhưng cô bé đã vô cùng hoảng sợ và khóc rất nhiều. Bác sĩ Trác đã trấn an em bằng cách cho cô bé xem phim hoạt hình trong lòng mình. (Ảnh: Yan.vn)
Bức ảnh được chụp vào ngày 14 tháng 7 năm 2016 tại tỉnh Hà Giang, Việt Nam. Chị Phàn Thị Chẩy (dân tộc Dao) đã hạ sinh một cặp sinh đôi. Nhưng hai bé bị dính liền nhau tại phần ngực và bụng. Do quá nghèo, gia đình chị dù có BHYT nhưng cũng không đủ lộ phí để đưa hai con xuống Hà Nội để thực hiện phẫu thuật tách rời. Lo lắng cho tình hình sức khỏe của hai bé, bác sĩ Nguyễn Ngọc Chung, Phó Giám đốc bệnh viện Vị Xuyên đã đứng ra quyên góp tiền cho cha mẹ bé, tại chợ huyện Vị Xuyên. (Ảnh: Dân trí)
Bức ảnh này được một bác sĩ chụp lại người đồng nghiệp của anh, bên ngoài một bệnh viện thuộc bang California, Hoa Kỳ. Vị bác sĩ trực cấp cứu này đã không thể cứu sống được một bệnh nhân của anh. Chính tuổi đời còn rất trẻ của bệnh nhân, 19 tuổi khiến anh cảm thấy thực sự đau đớn, và cần một chút không gian để có thể lấy lại được bình tĩnh cho mình. (Ảnh: Tri thức trẻ)

Ly Ly