Thương cảnh những người khó khăn, thậm chí không đủ tiền thuê xe bệnh viện để đưa thân nhân về quê an nghỉ, bà Bính quyết định bán đi một mảnh đất của gia đình, gom tiền mua xe cứu thương, chở miễn phí cho người nghèo. 

Xuất phát từ một trái tim cảm thông

Chia sẻ với PV Báo Mới về lý do thành lập và duy trì nhóm xe cứu thương miễn phí, bà Phan Thị Bính (SN 1956, trú quận Hoàng Mai, TP. Hà Nội) cho biết, cách đây gần 3 năm bà từng rơi nước mắt trước vụ việc xe cứu thương chở một bệnh nhân nhỏ tuổi bị chặn ở BV Nhi Trung ương.

Không lâu sau đó, qua báo chí, bà nhìn thấy hình ảnh anh Lò Văn Muôn (ở Sơn La) vì không có tiền thuê xe, đã phải cuốn thi thể em gái trong manh chiếu rồi chở bằng xe máy về quê nhà an táng. Chính vì thế, bà quyết định mua một chiếc xe cứu thương, mong giúp đỡ những bệnh nhân và người nhà khó khăn. 

Bà Phan Thị Bính (ảnh: Vietnamnet).

Để thực hiện tâm nguyện của mình, bà Bính và người bạn thân đã phải cất công vượt hơn 2.000km lặn lội vào tận Cần Thơ, An Giang để tìm hiểu mô hình xe cấp cứu từ thiện.

Được hội thiện nguyện ở Cần Thơ hỗ trợ, sau khi tìm hiểu về cách hoạt động, bà quyết định mua lại chiếc Toyota cũ khoảng 600 triệu làm xe cứu thương. Bà bán một mảnh đất, thêm vào đó bà nhờ các con, người thân và các thành viên ủng hộ để dồn tiền mua xe. 

Con đường làm thiện nguyện gian nan

Xuất phát điểm với cái tâm muốn giúp đỡ người khác, nhưng khi thực hiện, bà Bính cùng nhóm thiện nguyện cũng vấp phải rất nhiều khó khăn. 

Sau khi mua xong xe, thống nhất cách thức hoạt động, nhóm của bà lại gặp vấn đề vì… không có tài xế. “Nhóm thiện nguyện chúng tôi chủ yếu là nữ, đến lúc mua xe rồi mới nhớ ra là quên tính việc ai là người lái xe. Không có lái xe thì làm sao chúng tôi đi vào hoạt động?”.

May mắn là sau khi đăng tải thông tin tìm tài xế, ông Mai Văn Toàn (SN 1964, quê An Giang) cùng vợ đã lặn lội từ tận An Giang ra Hà Nội, tình nguyện lái xe không lương cho chiếc xe cứu thương của bà Bính, theo CAND

“Tôi tham gia chạy xe cấp cứu miễn phí ở An Giang được 20 năm rồi. Làm từ thiện thì ở đâu cũng vậy cả, nhưng chỗ nào cần mình hơn thì tôi đến. Bây giờ con cái cũng đã trưởng thành, tôi cũng không còn vướng bận gì nữa cho nên muốn đóng góp thật nhiều cho đời”, ông Toàn chia sẻ với PV báo Nhân Dân

Chiếc xe thiện nguyện của nhóm bà Bính (ảnh: Báo Mới).

Ngoài ra để vận hành xe cứu thương, bà Bính còn phải đi đăng ký, hoàn tất thủ tục xin được hoạt động xe cấp cứu với đầy đủ quyền ưu tiên như: sử dụng đèn còi tín hiệu, vượt đèn đỏ, đi vào đường cấm… như các chiếc xe chuyên dụng khác. Tiếp đến, nhóm phải đến từng phòng Công tác xã hội của các bệnh viện để đặt vấn đề chạy… miễn phí.

Ban đầu, nhiều người không tin câu chuyện xe cứu thương miễn phí. Họ gọi điện chửi bới, cho rằng bà tìm cách lừa đảo, lấy tiền của người bệnh.

Nhưng dần dần, lòng tốt và những hành động từ thiện của bà và các thành viên đã nhận được sự đón nhận của mọi người. Từ khi lăn bánh chuyến xe đầu tiên vào cuối năm ngoái, tới nay, nhóm của bà đã thực hiện được 250 chuyến vận chuyển bệnh nhân hoàn toàn miễn phí. Số lượng tài xế cũng tăng từ 1 đến 10 người. 

Ám ảnh những chuyến xe chở bệnh nhân 

Bà Bính cho biết những chuyến đi đọng lại nhiều kỷ niệm, nhưng ám ảnh với bà nhất là chuyến xe của người con đưa cha về quê ở Cao Bằng. 

Lúc bà đến viện, người cha đã yếu, không còn nói được nhưng ông vẫn cố rướn người lên để bày tỏ sự cảm ơn. Xe rời thành phố được một đoạn, người cha trút hơi thở cuối cùng, người thanh niên gục xuống, òa khóc.

“Khi đó người con trai đã khóc nức nở và nói rằng ‘chỉ tại con nghèo nên không có điều kiện chữa chạy sớm cho cha nên cha mới phải chết oan uổng như thế này. Con có tội với cha nhiều lắm’. Thực sự nghe những lời của người con trai mà xót xa vô cùng” – bà Bính nhớ lại.

Bà Bính bên chiếc xe thiện nguyện (ảnh: Báo Mới).

Một chuyến xe khác là vào ngày 28 Tết năm 2018. Nhóm của bà chở cô bé 16 tuổi bị ung thư xương từ Hà Nội về Thanh Hóa ăn Tết. Tuy chặng đường không quá xa nhưng do tắc đường nên mất 6 tiếng, nhóm mới về tới Thọ Xuân, Thanh Hóa. 

Về đến nhà bệnh nhân, họ vô cùng xót xa trước hoàn cảnh của gia đình. Dù đã là 28 Tết nhưng trong nhà chưa hề sắm sửa được bất cứ thứ gì, đồ đạc không có nổi một vật có giá trị. 

“Khi chúng tôi chở bệnh nhân về tới nhà thì gia đình rất xúc động. Người chú ruột của bệnh nhân đứng lên thay mặt nói lời cảm ơn, anh ấy khóc”. 

Bà cũng kể nhiều khi chở bệnh nhân về nhà, người nhà tuy rất nghèo nhưng vẫn cố vay mượn hàng xóm láng giềng chút tiền để bồi dưỡng cho “ê-kíp”. Sau đó cả nhóm phải giải thích rõ đây là hành động tự nguyện giúp đỡ gia đình, đôi khi nhóm bà còn bỏ tiền túi của mình để tặng thêm cho bệnh nhân. 

Ngoài chạy xe tình nguyện, bà Bính cùng nhóm từ thiện còn tổ chức nấu cơm, phát cháo miễn phí tại bệnh viện (ảnh: CAND).

Theo Vietnamnet, Không chỉ duy trì mô hình xe cứu thương, bà Bính còn phối hợp cùng các bệnh viện, thực hiện 2 đợt mổ đục thủy tinh thể miễn phí cho 100 bệnh nhân miễn phí tại Hà Nội. Sau đó, tiến hành mổ từ thiện cho các bệnh nhân ở Thanh Hóa, Quảng Bình, Quảng Trị… 

Bà cũng tổ chức một nhóm thiện nguyện khác chuyên nấu cơm, phát cơm miễn phí dành cho những bệnh nhân có hoàn cảnh khó khăn đang điều trị tại một số bệnh viện tuyến Trung ương ở Hà Nội. 

Về phần mình, bà Bính chỉ ao ước mình có thật nhiều sức khỏe để có cơ hội giúp đỡ nhiều người hơn nữa. Bà bảo: “Nếu người người đều làm việc thiện, nhà nhà đều làm việc thiện thì xã hội này sẽ tốt đẹp biết bao nhiêu”.

Video xem thêm: Dân Trung Quốc nhắn người biểu tình Hồng Kông: ‘Cảm ơn đã đấu tranh cho tự do của chúng tôi’

videoinfo__video3.dkn.tv||de58e63d0__