Những ngôi nhà cao chọc trời ngày một mọc lên nhiều hơn ở thủ đô của Trung Quốc, nhưng điều này dường như quá xa lạ đối với những công nhân nhập cư đang phải sống ở các căn nhà tạm bợ bên lề thành phố hay dưới lòng đất sâu đang đứng trước nguy cơ bị “đuổi” ra khỏi thành phố

Mưu sinh ở Bắc Kinh – chưa bao giờ dễ dàng

Người lao động hàng ngày chăm chỉ làm việc tại những bãi phế liệu bụi bặm, ngổn ngang. (Ảnh: zing)

Dưới bóng những toà nhà chọc trời hiện ra lờ mờ ở trung tâm Bắc Kinh, người lao động nhập cư hàng ngày chăm chỉ làm việc tại những bãi phế liệu bụi bặm, ngổn ngang, sống trong những “căn hộ” chật hẹp, không cửa sổ ở các tầng hầm dưới lòng đất. Họ là những “công dân hạng hai” được truyền thông Trung Quốc mô tả với những từ ngữ không mấy thiện cảm, từ các tỉnh lẻ bám trụ ở thành phố với đủ các nghề lao động tay chân như thu gom phế liệu, công nhân xây dựng, bồi bàn, thợ cắt tóc, bán hoa quả, sửa móng tay…

Họ là những “công dân hạng hai” được truyền thông Trung Quốc mô tả với những từ ngữ không mấy thiện cảm. (Ảnh: zing)
Người thu gom rác lục lọi đống phế liệu từ các tòa nhà bị phá hủy ở Bắc Kinh  (Ảnh: chinadaily)
Một lao động nhập cư, tranh thủ gọi điện cho người thân sau khi kết thúc một ngày làm việc mệt mỏi ở thành phố (Ảnh: chinadaily)

Theo ước tính, lao động nhập cư đang chiếm tới một phần ba trong số hơn 20 triệu cư dân Bắc Kinh và có khoảng 1 triệu người trong số đó phải đang phải sống chui nhủi dưới hầm các khu cao ốc sang trọng, trong những ống cống chật hẹp, ẩm ướt và hôi hám quanh năm. Ánh sáng mặt trời ở nơi cư ngụ là một thứ xa xỉ mà họ không hề dám mơ ước. Nỗi ám ảnh lớn nhất đối với họ là khi ống cống bị ngập nước vào mùa mưa: Nhiều người bị suy nhược thần kinh, mắc chứng bệnh trầm cảm. Một số khác thì bị bệnh ngoài da và đường hô hấp.

Khoảng 1 triệu người phải đang phải sống chui nhủi dưới hầm các khu cao ốc sang trọng, trong những ống cống chật hẹp, ẩm ướt và hôi hám quanh năm. (Ảnh: Foreign Policy)
Một người đàn ông thu dọn đồ đạc, chuẩn bị cùng vợ rời nơi ở (Ảnh: Foreign Policy)

Mặc dù đã đóng góp một phần quan trọng trong sự phát triển thịnh vượng của Bắc Kinh nhưng những lao động nhập cư đang đứng trước nguy cơ mất việc khi giới chức thành phố thực hiện chính sách truy quét lao động nhập cư. Chính quyền Bắc Kinh đang cố gắng kiềm chế tốc độ gia tăng dân số chóng mặt ở thủ đô cùng với vấn đề nhà cửa có giá “trên trời”, và họ cho rằng những lao động nhập cư là nguyên nhân chính dẫn đến hiện trạng trên.

Các đống phế liệu ở quận Đại Hưng, phía nam Bắc Kinh, gợi liên tưởng tới khu vực chiến sự khi toàn bộ thành phố bị phá hủy.  (Ảnh: chinadaily)

“Làm sao Bắc Kinh có thể vận hành mà thiếu chúng tôi – những người lao động nhập cư? Chúng tôi làm mọi việc mà người địa phương không làm, từ giúp việc nhà, bán hàng siêu thị, đồ ăn nấu sẵn, cắt tóc, bán điện thoại cho đến việc xây dựng các tòa nhà chọc trời” – một người nhập cư tên Shi nói.

Nhiều người lao động chỉ kịp lấy đi ít đồ đạc của mình (Ảnh: REUTERS)

“Người dân Bắc Kinh sẽ không thể sống thiếu chúng tôi. Ai sẽ là người thu dọn rác và tái chế các loại phế liệu ở đây? Liệu người Bắc Kinh sẽ làm công việc này?”, anh Yin – một công nhân thu gom phế liệu cho hay.

Lao động nhập cư tại Bắc Kinh bị xua đuổi tàn nhẫn, họ phải lang thang khắp nơi tìm nơi cư ngụ. (Ảnh: trithucvn)

Tuy nhiên, phớt lờ những lời phàn nàn của người dân, lãnh đạo thành phố Bắc Kinh vẫn “kéo sập những gì cần kéo sập” một cách quyết liệt và gấp gáp. Nhiều người lao động chỉ được thông báo trước hai ngày, có trường hợp chỉ vài giờ, để dọn tất cả đồ đạc trước khi các tòa nhà bị kéo sập. Thậm chí, những trường học phục vụ con em người lao động thu nhập thấp cũng nằm trong diện phá dỡ.

Một thanh niên nhập cư kéo hành lý của mình sau khi tòa nhà anh đang ở bị kéo sập ngày. (Ảnh chụp màn hình Imagine China)
Cảnh màn trời chiếu đất của lao động nhập cư Bắc Kinh (Ảnh: trithucvn)

Những người lao động nhập cư vốn luôn phải lao động khổ cực và không được đối xử công bằng, nay bỗng dưng rơi vào cảnh mất nhà mà không có một lời giải thích. Họ phải kéo lê hành lý trên đường trong đêm lạnh, lang thang khắp nơi tìm chốn cư ngụ khắp mà không biết tương lai phía trước sẽ như thế nào.

“Giấc mộng Trung Hoa” càng lúc càng xa rời

“Giấc mộng Trung Hoa” là một khẩu hiệu của Chủ tịch Tập Cận Bình, đã thu hút được sự chú ý trên toàn thế giới. “Giấc mộng Trung Hoa” đề cập đến ước muốn “đại phục hưng dân tộc Trung Hoa” cũng như giấc mộng của mỗi người dân Trung Quốc về cuộc sống hạnh phúc, khá giả. Điều đó đã kéo theo rất nhiều người lao động ở nông thôn ồ ạt chuyển lên thành phố, cố gắng trụ lại ở đây nhằm tìm kiếm cơ hội đổi đời.

Tuy nhiên, việc cưỡng bức di dời của chính quyền Bắc Kinh đã phá tan giấc mộng của hàng triệu lao động nông thôn lên thành phố mưu sinh, khiến ai nấy đều cảm thấy bàng hoàng.

Việc cưỡng bức di dời của chính quyền Bắc Kinh đã phá tan giấc mộng của hàng triệu lao động nông thôn lên thành phố mưu sinh. (Ảnh: chinadaily)

Giáo sư Kam Wing Chan, chuyên nghiên cứu về sự phân chia giai tầng giữa thành thị-nông thôn Trung Quốc, thuộc Đại học Washington (Mỹ) cho rằng nó thậm chí đang ảnh hưởng tiêu cực đến tương lai của cả một thế hệ:

“Có đến hơn một phần ba trong 22 triệu dân Bắc Kinh là người lao động nhập cư, nhiều người trong số họ tức giận vì bị coi là công dân hạng hai”.

Có vẻ như “Giấc mộng Trung Hoa” của Chủ tịch Tập Cận Bình càng lúc càng xa rời.(Ảnh: chinadaily)

Nhiều nhà quan sát thậm chí còn lo ngại rằng con cái của người lao động nhập cư sẽ lớn lên trong một xã hội bị tách biệt, phải đối diện với nhiều nguy cơ như trầm cảm, lạm dụng và bỏ học nếu cha mẹ chúng thất nghiệp ở thành phố và buộc phải trở về quê. Chúng rất có thể sẽ là thế hệ nối tiếp, chỉ tìm được công việc với mức lương thấp, nguy hiểm và thiếu an toàn giống như cha mẹ mình, để rồi luôn phải sống trong thấp thỏm, lo sợ.

Nhiều nhà quan sát thậm chí còn lo ngại rằng con cái của người lao động nhập cư sẽ lớn lên trong một xã hội bị tách biệt. (Ảnh: zing)

Hiểu Minh