Cách trung tâm hạt nhân Fukushima 20 km, cư dân làng Tomioka vội vã rời đi, để lại sau lưng họ nhà cửa, ruộng vườn và cả những con vật nuôi vẫn còn bị nhốt. Những người dân tin rằng họ sẽ sớm quay lại. Nhưng rồi, một thời gian sau chỉ có mình người đàn ông có tên Naoto trên con đường làng thênh thang, lắng nghe những tiếng rên, tiếng rống thê lương của những con vật vô tội đang đói khát.

Năm 2011, Nhật Bản đã phải chịu đựng rất nhiều những vết thương do thảm họa kép động đất và sóng thần Tohoku gây ra. Dường như là chưa đủ, các lò phản ứng của nhà máy điện hạt nhân tại Fukushima cũng phải đối mặt với những vấn đề hết sức nghiêm trọng, khiến người dân của các làng phụ cận phải di tản vì sự nhiễm xạ mạnh.

Tomioka nằm trong vùng chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của phóng xạ sau sự kiện Fukushima (Ảnh: Dẫn qua kna-blog.blogspot.fr)

Trước sự cố Fukushima, Naoto Matsumura (57 tuổi) có một cuộc sống làm nông rất thanh bình ở vùng quê này. Ông là thế hệ thứ 5 của gia đình sinh sống, trưởng thành ở Tomioka.

Khi được lệnh phải di rời, cha ông đã gợi ý đến nhà cô của Naoto để tá túc. Nhưng người cô này đã từ chối mở cửa tiếp đón gia đình Naoto, với lý do họ đã bị nhiễm xạ và có thể gây nguy hiểm cho những người ở đó.

Sau khi bị từ chối, Naoto không tiếp tục đi theo gia đình mà quay trở về Tomioka. Trên suốt dọc đường làng ngày trở về, Naoto đã nghe thấy những tiếng rên, tiếng rống của những con vật bị đói lâu ngày. Những âm thanh đau khổ đó đã khiến Naoto nhanh chóng hiểu ra hàng ngàn vật nuôi đã chết và hàng trăm con vật còn sót lại cũng đang chết dần trong những chuồng trại cài chặt then. 

Bò chết hàng loạt vì đói trong các chuồng trại đóng chặt. Chỉ còn một lượng nhỏ sống sót (Ảnh: Dẫn qua maxisciences.com)

Nhận thức được tình hình nguy cấp, Naoto ngay lấp tức bắt tay vào việc cứu sống những vật nuôi này. Ông bắt đầu bằng việc cho chó, mèo ăn uống. Ông mở cửa tất cả các chuồng gia súc để chúng có thể tự đi kiếm ăn ở những cánh đồng trong làng. Sự trở về của Naoto đã cứu sống những con vật vô tội bị bỏ lại trên mảnh đất này.

Ngôi làng trở lại sự tĩnh lặng chưa được bao lâu, một số nhân viên nhà nước được phân công tìm đến Fukushima. Họ tới để kết liễu cuộc sống của đàn gia súc ở đây. Người ta cho rằng thịt của những con vật này không thể ăn được và việc để chúng sống là điều bất khả thi vì không có ai có thể chăm sóc chúng.

Naoto bắt tay ngay vào việc chăm sóc các vật nuôi còn sống (Ảnh: Dẫn qua nhatban.biz)

Naoto đã nhất quyết ngăn cản các nhân viên này. Ông cho rằng ý định của họ nếu thực thi sẽ là một việc mang tính sát sinh quá lớn.

“Nếu họ giết những con vật này để lấy thịt, tôi sẽ không băn khoăn gì, vì đó là cuộc sống. Nhưng giết chúng chỉ vì muốn chúng chết đi ư? Không thể nào!”. Naoto chia sẻ những suy nghĩ chân thật của mình.

Naoto bắt tay ngay vào việc chăm sóc các vật nuôi còn sống (Ảnh: Dẫn qua nhatban.biz)

Để đảm bảo các nhân viên nhà nước không quay lại vùng đất này, bất chấp sự nhiễm xạ nghiêm trọng của ngôi làng, Naoto quyết định ở lại Tomioka để chăm sóc những vật nuôi còn đang sống sót ở đây. Là một người theo Thần đạo Shinto, Naoto thấm nhuần sự quý giá của mỗi sinh mệnh. Trong niềm tin của ông, con người không bao giờ có quyền bóc lột và hủy hoại những sinh mệnh khác.

Với ông con người không thể giết hại những động vật đơn giản khi họ không muốn chịu trách nhiệm về chúng (Ảnh: Dẫn qua nhatban.biz)

Những ngày đầu trở về Tomioka với Naoto thật sự khó khăn. Ông phải sống một mình trong khung cảnh hoang tàn không điện, không nước máy. Naoto ăn những thịt, cá, rau củ còn lại trong làng, nước được ông dẫn về từ một mạch nước tự nhiên trên núi. Tất cả đều đã bị nhiễm xạ. Những lo lắng về việc chất phóng xạ sẽ khiến ông mắc ung thư trong vòng 5 đến 10 năm tới luôn hiện diện trong tâm trí ông vào thời điểm này.

Nhưng với Naoto, nỗi sợ lớn nhất là sự cô đơn khi sống trong không gian u tĩnh. Cái cảm giác “một mình” khi ấy có lẽ đã vượt ra ngoài biên giới của từ “cô đơn”, theo miêu tả của chính Naoto. Ông tâm sự rằng thực sự khi mới trở về Tomioka, với ông mỗi ngày đều là một cuộc chiến.

Nhưng trở về và ở lại Tomioka ban đầu không phải là một quyết định dễ dàng (Ảnh: Dẫn qua Daily mail)

Tuy vậy, những lo lắng và sợ hãi ấy không thể khiến người đàn ông mạnh mẽ này từ bỏ cuộc sống ở vùng nhiễm phóng xạ này. Trong 6 năm qua, Naoto Matsumura đã một mình chăm sóc hơn 400 con bò, 60 con lợn, hơn 100 con mèo cùng rất nhiều những động vật khác như chó và đà điểu.  

Naoto dựng hàng rào, sửa lại chuồng trại để lũ bò có chỗ trú mưa, tránh nắng. Ông tập hợp cỏ khô và rơm rạ cho những con vật. Naoto tâm sự, phải mất đến hai năm ông mới thực sự thấy rằng những con vật ấy là một phần cuộc sống của chính mình.

Chăm sóc những con vật bị bỏ lại này là cuộc sống mà Naoto lựa chọn (Ảnh: Dẫn qua voyagerloin.com)

Nhưng Naoto không thể cứu được tất cả vật nuôi ở Tomioka. Hơn 1000 con bò đã chết và hàng chục nghìn gia cầm đã không được cứu sau cuộc di tản của con người.

Công viêc hàng ngày của ông là chăm sóc tất cả các vật nuôi trong làng (Ảnh: Dẫn qua nhatban.biz)

Câu chuyện về ông Naoto Matsumura đã ngay lập tức thu hút sự quan tâm của nhiều người dân Nhật, đã có những người tìm đến đây mang theo đồ ăn, nước uống để hỗ trợ cuộc sống thường nhật của ông Naoto. Họ không muốn ông Naoto bị nhiễm xạ nghiêm trọng hơn vì phải ăn những thức ăn ở vùng này. Vì vậy, những đồ ăn, thức uống lành mạnh vẫn thường xuyên được gửi tới ông. Naoto sống chủ yếu nhờ vào sự hỗ trợ này.

Naoto Matsumura được người dân Nhật gọi là “người đàn ông phóng xạ”. Những bài kiểm tra y tế đã cho thấy trong cơ thể ông, nồng độ phóng xạ cao gấp 17 lần người bình thường và ông cũng là người phơi nhiễm phóng xạ nhiều nhất ở nước Nhật. Naoto biết phóng xạ rất nguy hiểm nhưng sau sáu năm sinh sống trong vùng nhiễm xạ, những điều lo lắng về sức khỏe cũng không còn là mối bận tâm với ông nữa.

Động vật đã trở thành người bạn trong cuộc sống của Naoto (Ảnh: Dẫn qua nhatban.biz)
Ông yêu quý chúng một cách chân thành (Ảnh: Dẫn qua nhatban.biz)

Ông cho rằng để có thể chết vì phóng xạ, cần phải đợi 30-40 năm nữa. Nhưng trước khi điều đó xảy ra thì quy luật tự nhiên là tuổi già đã đến tìm ông rồi, vì vậy, ông không còn cảm thấy sợ hãi.

Năm 2013, Naoto được mời tới Paris như một khách mời danh dự cho một hội thảo bàn về những tác động tiêu cực của hạt nhân. Tại đó, Naoto đã may mắn gặp được tình yêu của mình, cô Akiko. Hai người đã kết hôn và có một con trai 3 tuổi rất đáng yêu.

Những tưởng vì hạnh phúc riêng khi lập gia đình, Naoto sẽ xao động khi nghĩ tới việc trở lại và sống ở Tomioka. Tuy nhiên, ông một lần nữa lựa chọn quay trở về làng. Người vợ hiền dịu và con trai kháu khỉnh của ông sống tại một thành phố cách Tomioka 300 km, kiên nhẫn chờ đợi sự trở về của Naoto. Ông sẽ về thăm họ hai lần mỗi tháng.

Naoto liên lạc với vợ con, gia đình qua điện thoại và chỉ tới thăm họ 2 lần một tháng (Ảnh: Dẫn qua kna-blog.blogspot.fr)

Trong ngôi nhà nhỏ bé của mình tại Tomioka, tối tối ông Naoto vẫn kiên nhẫn ăn tối một mình dưới ánh nến. Ông hài lòng việc liên lạc với những người thân yêu nhờ chiếc điện thoại và máy tính (được sạc bằng bộ sạc dự phòng cùng tấm pin năng lượng mặt trời). 

Người Nhật đã thực hiện cuốn sách ảnh về cuộc sống của “Người đàn ông phóng xạ” này. Những bức ảnh đã thay ngôn từ kể lại câu chuyện về lòng dũng cảm, sự khiêm nhường và tấm lòng nhân hậu của một con người.

Cuốn sách ảnh về “Người đàn ông phóng xạ (Ảnh: Dẫn qua nhatban.biz)

Bước đi trong khung cảnh thanh bình cùng hai người bạn đồng hành bé nhỏ, Naoto khiến ai nấy đều cảm thấy rằng, sự nhân từ và thiện lương của con người có thể biến nơi nguy hiểm nhất thành nơi an toàn nhất.

Có lẽ rất nhiều những người đã đọc được câu chuyện về ông, nhìn ngắm cuộc sống của Naoto, bên cạnh lòng cảm phục, họ sẽ hướng về mảnh đất còn nhiều hoang tàn ấy và cầu nguyện: “Cầu xin Thượng Đế hãy bảo vệ Naoto – Người canh gác cho sự sống của những loài vật và sự thiện lương của chính con người.”

Hải Lam tổng hợp

Xem thêm: