Thói quen là một loại sức mạnh kiên định và lớn lao, có thể làm chủ cuộc sống. Không có ai khi bắt đầu đã sở hữu một năng lực hơn người, cũng không có người nào hành xử tùy tiện liền có thể thành công. Bí quyết thành công là những kinh nghiệm được tích góp từ cuộc sống, thông qua những thói quen hằng ngày.

Leo Babauta sống ở bang San Francisco (Mỹ), tác giả của blog nổi tiếng Zen Habits với hơn 2 triệu người đăng ký, mặc dù không phải là một chuyên gia, một bác sỹ hay một giảng viên, anh chỉ đơn giản giới thiệu bản thân mình một nhà văn, một vận động viên chạy marathon và là một người ăn chay trường.

Leo Babauta – Tác giả của blog nổi tiếng Zen Habits. (Ảnh: sterhluki.ru)

Tuy nhiên, Leo đã mang đến cho người đọc những quan điểm sống rất thú vị, bắt nguồn từ việc làm sao để thay đổi những thói quen. Anh cho biết:

Một thói quen tích cực tại thời điểm nào đó có thể tạo ra một con đường dẫn đến cách sống hoàn toàn mới.

Leo cho rằng cách tốt nhất để thay đổi bản thân là tạo ra những thói quen tốt sẽ gắn bó lâu dài, thay vì chỉ đưa ra các phương pháp giải quyết vấn đề nhất thời. Nếu bạn muốn chạy marathon, hãy hình thành thói quen chạy. Nếu bạn muốn viết một cuốn tiểu thuyết, hãy hình thành thói quen viết. Nếu bạn muốn tìm được sự tĩnh lặng trong tâm hồn, hãy hình thành thói quen thiền định.

Nếu bạn muốn tìm được sự tĩnh lặng trong tâm hồn, hãy hình thành thói quen thiền định. (Ảnh: thanhuudfw.blogspot.com)

Tất nhiên, nói thì dễ hơn làm nhiều, việc hình thành thói quen mới không phải là vấn đề dễ dàng như thế. Vì vậy, chúng ta hãy cùng tìm hiểu các bước chính để hình thành thói quen thay đổi cuộc sống của mình.

1. Lựa chọn tích cực

Hãy bắt đầu bằng việc lựa chọn một thói quen tích cực thay vì bỏ một thói quen xấu. Ví dụ như, nếu bạn muốn bỏ tật ăn vặt, hãy tập trung vào việc tạo thói quen ăn nhiều rau hơn. Bạn cũng có thể phát triển những thói quen tích cực khác như là thiền, đọc sách, viết lách, tập thể dục, viết nhật ký, dùng chỉ nha khoa, v.v..

Bạn có thể phát triển thói quen tích cực như là đọc sách… (Ảnh: fotosearch.com.b)

2. Tập trung thời điểm

Tất cả chúng ta đều có một danh sách hàng tá thói quen muốn thay đổi. Nhưng nếu bạn cố thay đổi nhiều thói quen xấu cùng một lúc, cơ hội thành công của bạn sẽ càng ít hơn. Ngay cả khi bạn muốn thay đổi một thói quen tại một thời điểm nào đó thì bạn cũng cần tập trung và quyết tâm thực hiện. 

Thiền định là một thói quen tích cực mà mỗi người nên tạo cho mình. (Ảnh: Minghui.org)

3. Bước nhỏ thành công

Mọi người thường đánh giá thấp tầm quan trọng của việc thực hiện những bước nhỏ. Tuy vậy, chúng ta hãy thử bắt đầu bằng một bước nhỏ – thực sự nhỏ thôi. Chẳng hạn như: nếu bạn muốn tạo thói quen ngồi thiền, bạn có thể bắt đầu với 5 phút mỗi ngày trong tuần đầu tiên (và tăng dần vài phút mỗi tuần nếu bạn duy trì tốt trong tuần trước). Nếu bạn muốn tạo thói quen tập chạy, hãy bắt đầu chạy 5-10 phút mỗi ngày, thay vì bắt mình phải khởi đầu vất vả với 30 phút chạy. Nếu bạn muốn tập thói quen ăn nhiều rau, hãy dùng một khẩu phần nhỏ rau cho một bữa ăn, đừng cố gắng thay đổi toàn bộ chế độ ăn của bạn cùng một lúc.

Nếu bạn muốn tạo thói quen tập chạy, hãy bắt đầu chạy 5-10 phút mỗi ngày. (Ảnh: dissolve.com)

Hãy bắt đầu từ bước nhỏ nhất mà bạn có thể, và tăng dần, điều quan trọng nhất là bạn phải kiên trì. Các bước nhỏ cho phép tâm trí của chúng ta điều chỉnh dần dần và đây là phương pháp tốt nhất cho đến nay.

4. Thiết lập nhắc nhở

Tại thời điểm ban đầu, điều giúp chúng ta tiến lên chính là nhớ thực hiện thói quen. Đừng để cho mình quên mất đi việc ấy. Bạn hãy thiết lập lời nhắc nhở dễ nhìn thấy nhất xung quanh nơi bạn muốn ghi nhớ. Ví dụ, đặt lời nhắc trong nhà bếp cho thói quen ăn chay, hoặc một ghi chú trên gương phòng tắm của bạn cho việc dùng chỉ nha khoa. Lời nhắc trên điện thoại và lịch của bạn cũng rất hữu ích.

Nhớ thường xuyên nhắc nhở bản thân về việc thực hiện thói quen. (Ảnh: Nick Morrison/ Unplash)

5. Thiết lập trách nhiệm

Làm thế nào để giữ cho bản thân mình có thể duy trì hành trình thay đổi thói quen này khi bạn cảm thấy rất khó thực hiện? Hãy thiết lập một “trách nhiệm giải trình” bằng cách tham gia vào một cộng đồng hoặc nhóm nhỏ để giữ cho mình có trách nhiệm. Khi trao đổi chia sẻ với nhau, bạn sẽ thấy mình phải có trách nhiệm với những gì mình đang làm, và bạn sẽ có thể tìm ra chỗ sai kém của mình trong quá trình thực hiện và cố gắng vươn lên.

Thiết lập một “trách nhiệm giải trình” bằng cách tham gia vào một cộng đồng hoặc nhóm nhỏ để giữ cho mình có trách nhiệm. (Ảnh: entrepreneur.com)

6. Đi tìm phần thưởng

Đừng dính mắc vào bất kỳ thay đổi nào trong thời gian dài nếu bạn thực sự ghét làm điều đó. Thay vào đó, hãy tìm niềm vui trong việc thực hiện các thói quen. Ví dụ, nếu bạn chạy bộ, thay vì nghĩ đó là một cực hình, hãy xem đó như một cách để tận hưởng không khí ngoài trời, để cảm thấy cơ thể bạn chuyển động và cảm nhận được sự sinh động trong tâm hồn. Hãy duy trì suy nghĩ tích cực cho từng khoảnh khắc thực hiện thói quen, và tìm thấy lòng biết ơn, niềm vui khi bạn làm điều đó. Thói quen sẽ trở thành một phần thưởng và bạn sẽ mong chờ cảm giác tốt đẹp này.

Hãy duy trì suy nghĩ tích cực cho từng khoảnh khắc thực hiện thói quen, và tìm thấy lòng biết ơn, niềm vui khi bạn làm điều đó. (Ảnh: Pinterest.com)

7. Nhất định kiên trì

Bạn càng kiên trì thì càng tốt. Hãy chống lại việc từ bỏ việc thực hiện thói quen tốt và biến nó thành quy định của bạn, rằng bạn sẽ bắt đầu ngay khi tâm trí bạn nói rằng bạn sẽ làm điều đó, thay vì nuông chiều theo cách cũ: “Tôi sẽ thực hiện sau vậy!”. Hãy nhắc nhở bản thân rằng đó chính là một thói quen cũ mà bạn muốn thay đổi ngay lập tức.

Hãy biến thói quen tốt thành quy định của bạn. (Ảnh dẫn qua: nbcdfw.com)

8. Nhìn lại chặng đường

Xem lại cách chúng ta đã làm với thói quen của mình vào cuối mỗi ngày trước khi ngủ sẽ giúp ta ngày càng tốt hơn trong việc hình thành thói quen. Hoặc ít nhất, hãy xem xét lại mỗi tuần một lần và thực hiện “ trách nhiệm giải trình” với nhóm của bạn nếu bạn có. Qua đó, bạn có thể điều chỉnh khi cần thiết. Ví dụ: nếu bạn quên thực hiện thói quen, hãy điều chỉnh bằng cách tạo lời nhắc mới. Nếu bạn không thể kiên trì, có thể thiết lập một thử thách với nhóm của mình để đặt ra mục tiêu hoàn thành cho bản thân. Điều chỉnh mỗi tuần sẽ giúp bạn thực hiện ngày càng tốt hơn các thói quen tốt. Nếu bạn thất bại hay trượt ngã, hãy tiếp tục quay lại và cố gắng bắt đầu với từng bước nhỏ.

Ngày qua ngày, chúng ta đã để những thói quen “tự động hóa” cuộc sống của mình và đến một lúc nào đó tâm trí của ta sẽ không thể nhận ra hay kiểm soát chúng được nữa, như thế chẳng phải những thói quen xấu sẽ làm chủ cuộc sống của chúng ta sao?

Bây giờ thì bắt đầu thay đổi để đón một năm mới với một bản thân tích cực hơn nào. (Ảnh dẫn qua Wallpapersok)

Những thói quen có thể mạnh đến nỗi thậm chí nhiều người nhìn nhận đó là chính bản thân của mình, nhưng rõ ràng là không phải thế. Tác giả người Anh, ông Samuel Johnson nói rằng: “Các chuỗi thói quen quá yếu để có thể cảm nhận được cho đến khi chúng quá mạnh để bị phá vỡ”. Vì vậy, hãy nhớ rằng những thói quen xấu đã có thể hình thành như thế thì thói quen lành mạnh cũng vậy.

Do đó, thay vì cảm thấy vô vọng với những thói quen cố hữu của mình, hãy nghĩ về một câu nói nổi tiếng rằng: “Bí quyết để phá bỏ vĩnh viễn bất kỳ thói quen xấu nào là yêu một thứ lớn hơn thói quen”. Cố gắng lên nhé, vì mục tiêu trở thành một người thành công và hạnh phúc hơn, hãy bắt đầu từ bây giờ nhé. Chúc mừng năm mới!

Tâm An