Một buổi trưa mùa hè nắng như thiêu đốt, một người phụ nữ mù lòa bước đi chậm chạp trên con đường mòn của một vùng ngoại ô thưa thớt dân cư. Tay không cầm gậy, lối đi này rất quen thuộc với bà. Bên vệ đường có một cây to, bà rẽ vào đó dường như để trốn cơn nắng hạ dưới bóng mát tàn cây phủ trùm trên một khoảng đất rộng. Có thể bà sẽ nghỉ trưa ở đây như bà đã từng làm như thế sau những buổi đi xin.

Bà đến gần gốc cây. Bà sẽ dựa vào gốc cây để tìm một giấc ngủ yên lành. Bà sẽ cảm thấy hạnh phúc không thua gì một lệnh bà ngả lưng trên chiếc giường nệm êm ái. Bà đang mơ màng với thứ hạnh phúc lớn lao nhất mà bà có thể có được, thì bất ngờ bà vấp phải một vật gì, bà chao đảo, chưa kịp lấy lại thăng bằng, thì bà nghe một tràng âm thanh chua chát:

– Ai đó? Bộ đui mù rồi hay sao mà không thấy tôi đang ngồi đây vậy? Người gì vô duyên vậy?

– Xin lỗi, xin lỗi! Tôi mù cô ạ! Tôi mù thật! Cho tôi xin lỗi! Xin lỗi cô! – Bà hốt hoảng trả lời khi gượng đứng lên được.

“Giọng nói này, chắc là cô ấy còn nhỏ lắm”.

Bà nghĩ thế và hối hận vì sự bất cẩn của mình. Không gian chìm vào yên tĩnh. Không có tiếng trả lời. Đúng như người phụ nữ suy đoán, tiếng nói phàn nàn gay gắt vừa rồi là của một cô bé trạc tuổi mười bốn, mười lăm, có điều bà không biết được rằng, cô bé ấy cũng mù như bà. Cô bé cũng đi xin và dừng chân nghỉ nơi này trước bà.

Cô bé hối hận vì lời nói vừa rồi và giữ im lặng. Nghe ngóng một lúc, người phụ nữ mù lòa vẫn không nghe một lời nào đáp lại. Bà nói lớn lên một lần nữa: “Cho tôi xin lỗi nhé! Tôi mù! Tôi mù thật đó!”. Rồi bà quay lưng bước đi. Chợt cô bé gọi lại: “Nè bà ơi, tôi cho bà một ngàn nè!”. Số tiền duy nhất mà cô đang có. Nghe thế, bà rất mừng. Bà mừng vì nghĩ cô bé tha thứ cho mình, hơn là mừng vì nhận được một ngàn đồng. Bà dừng lại, quay ngược chiếc nón lá cũ kỹ đưa về phía tiếng nói. Chợt một chiếc lá vàng rơi vào chiếc nón của bà.

Ảnh minh họa: Youtube.

Bà tưởng cô bé bỏ tiền vào nón, bà nói: “Cám ơn cô, cám ơn cô!”. Nhưng khi bà cho tay vào nón lấy tiền, bà mới nhận ra đó chỉ là một chiếc lá khô. Bà lẩm bẩm: “Cô bé gạt mình. Chắc cô bé còn giận mình”. Bà buồn bã quay đi!

Trong khi đó, cô bé cầm tờ giấy một ngàn đồng đưa về phía bà chờ đợi bà lấy. Nhưng cô bé lại nghe tiếng bước chân xa dần – “Bà ấy không lấy tiền, chắc bà ấy còn giận mình”. Cô bé nghĩ như vậy, và lòng vô cùng buồn bã…

***

Đọc xong cây chuyện này, tôi chợt nhớ câu nói của một nhà văn nào đó: “Tôi sợ một chiếc lá rơi vô tình làm vỡ ánh trăng vàng trên mặt hồ yên lặng!”.

Trong câu chuyện này, chiếc lá vàng không rơi vào mặt hồ yên lặng mà nó rơi vào chiếc nón của một tâm hồn hiền hòa đơn sơ, làm tan vỡ sự yên bình của hai tâm hồn, khiến họ cùng đau khổ. Hai người mù!

Người phụ nữ mù ở đây hiền quá, phải không các bạn? Có thể cuộc đời của bà đã gặp nhiều lận đận, truân chuyên. Bà phản ứng rất dịu dàng với một cô bé có phần thô lỗ. Cô bé mà lời lẽ có vẻ cộc lốc ấy, trong thẳm sâu tâm hồn, vẫn rất đáng yêu. Cô hối hận. Cô không biết nói gì, thậm chí một lời xin lỗi với người mà cô đã quá lời cũng không. Cô bé cần được cảm thông, và người phụ nữ bị xúc phạm ấy đã có lòng bao dung với cô bé. Cô bé đã dùng số tiền mà cô có như một thái độ phục thiện: “làm hòa”, đó không phải là đáng yêu lắm sao!

Chỉ tiếc một điều, “chiếc lá vô tình” đã làm hai tâm hồn đơn sơ có một “khoảng cách”! Không còn có thể hiểu nhau!

“Cô bé gạt mình. Chắc cô bé còn giận mình”. Bà buồn bã quay đi.

“Bà ấy không lấy tiền, chắc bà ấy còn giận mình”. Cô bé nghĩ như vậy và lòng vô cùng buồn bã!

Cuộc đời có biết bao lần con người hiểu lầm nhau.

Thế giới vật chất mênh mông đã đành, thế giới tâm hồn của mỗi người càng bao la hơn nữa. Nên có khi một người đang ở bên cạnh ta, mà vẫn như xa cách nghìn trùng!

Ngày nay, khoa học tiến bộ, thế giới ngày một gần nhau hơn, nhưng con người thật sự đã hiểu nhau chưa?

“Vô tri bất mộ”, không hiểu nhau, làm sao thương yêu nhau đây?

Bao Nguyen Quang (ST)

Bài viết đã được ĐKN biên tập. Độc giả có thể đọc bài gốc tại đây.

Video xem thêm: Đời người có 2 điều không nên nhìn, 3 điều không nên quản, 4 điều không nên cho, 5 điều không nên đợi

videoinfo__video3.dkn.tv||9983cd854__