Mỗi lần chùn chân sau quá nhiều chông gai của cuộc sống, đâu là nơi mà bạn muốn trở về? Hẳn đó phải là một nơi cho tâm hồn bạn được cảm giác an toàn, nơi bạn cảm thấy mình được bao dung? Liệu có một nơi nào trên thế gian này ấm áp đến vậy?

Câu chuyện nhỏ dưới đây có lẽ sẽ như một lời ru đưa bạn trở về miền đất của tình thương yêu vô điều kiện, để mỗi chúng ta có thể biết rằng luôn có một cánh cửa mở rộng đón chúng ta về.

Nếu thả bộ trong công viên Hồ Giảng Võ, giữa thành phố Hà Nội hiền hòa vào buổi sớm mai, chúng ta rất có thể sẽ bắt gặp một hình ảnh đơn sơ nhưng đủ để khiến bạn phải dừng chân và quan sát. Một bà cụ đang cặm cụi đun nước, pha ấm trà nóng đầu ngày. Bà nhẹ tay đặt cái tích vào chiếc giỏ mây ủ trà đã cũ, để giữ được sự ấm nóng của trà cho suốt một ngày dài. Bà Nhẫn hiểu rất rõ những vị khách tới quán mình, ai cũng muốn nâng một chén trà nồng ấm trong cái tiết trời se sắt của Hà Nội những ngày đông.

Bên cạnh bà, một người đàn ông chạc 40 tuổi, nhưng khuôn mặt vẫn ngây dại như một đứa trẻ lên bốn. Anh ngồi đó, tô tô, vẽ vẽ, mải miết như một em bé thơ ở trong cái thế giới tưởng tượng của nó vậy. Người đàn ông ấy, con trai út của bà Nhẫn, đã ngẩn ngơ như vậy từ khi mới lọt lòng. Hai mẹ con cứ lặng lẽ ở bên nhau, giữa cái nhộn nhịp của những người tới tập thể dục để khởi động cho một ngày mới sắp bắt đầu.

Bà Nhẫn, tên đầy đủ là Nguyễn Thị Nhẫn, nay đã ngoài 85, cái tuổi mà nếu ở chốn quê nhà, dịp Tết này, người ta đã mời bà áo dài, khăn xếp ra nhà văn hóa để cả Làng cùng được chúc mừng cho sự trường thọ của bà. Nhưng người phụ nữ mang cái tên thật đẹp ấy giờ đây vẫn hàng ngày lo kiếm từng bữa ăn nhờ quán nước nhỏ bên bờ hồ.

Ai đi qua quán nước của cụ Nhẫn cũng có chung một cảm nhận, gần gũi và thân thuộc, vì cái dáng vẻ thân thiện và cử chỉ nhẹ nhàng của cụ. Phải vậy chăng, hay bởi vì người ta luôn tìm thấy một sự yên ả nào đó khi ở bên những con người đã đi qua gần hết cuộc đời, những con người đã buông hết được những nặng nề trong tâm khảm. Và cuộc sống của họ giờ là toàn tâm, toàn ý dành cho hạnh phúc không phải của riêng mình.

Ít ai có thể tưởng tượng được rằng, người phụ nữ nhỏ bé này lại trải qua một cuộc đời gian truân là thế. Ông bà ta có câu ca, ca ngợi sự tảo tần của người phụ nữ khi họ mang trên đôi vai bé nhỏ trách nhiệm làm Mẹ của đàn con thơ:

“Dấu chân mẹ dãi dầm thân cát bụi
Gánh tình thương rong ruổi giữa chợ đời.”

Câu ca ấy dường như đã miêu tả trọn vẹn cuộc đời cụ Nhẫn. Ngày xưa, khi còn trẻ, gia đình cụ Nhẫn rất khá giả. Là mẹ của tám con thơ, nhưng với đôi bàn tay khéo léo được thừa hưởng từ cha, cụ Nhẫn vẫn luôn vun vén cho cuộc sống của cả gia đình lúc nào cũng đủ đầy. Cụ gánh gánh bún riêu, bún ốc ấy đi mỗi sớm mai khắp các phố phường Hà Nội, gửi thương nhớ cho rất nhiều những tâm hồn yêu nét tinh tế trong ẩm thực của đất Hà Thành. Để khi chiều tới, cụ lại gánh những nụ cười hạnh phúc trở về.

Nhưng cuộc sống vốn chứa đựng nhiều sự bất ngờ. Sự ra đời của anh Tiến, đứa con út của cụ cách đây 46 năm, dường như đã làm thay đổi cuộc đời của cụ. Anh Tiến sinh ra không giống những đứa trẻ bình thường khác. Anh đã không may mắn được làm một người bình thường, đến tận năm 20 tuổi, anh vẫn như một đứa trẻ, không biết nói, cũng chẳng biết đi, dù cụ Nhẫn – mẹ anh đã dành bao nhiêu tiền của, mang anh tới mọi nơi có hy vọng được chữa lành. Nhưng những lo lắng, cố gắng của cụ Nhẫn cũng chỉ được đền đáp phần nào, khi anh Tiến biết nói vài câu và có thể tự bước đi. Cụ Nhẫn nhìn đứa con thơ dại, mà lòng luôn nặng trĩu một nỗi buồn: Anh Tiến cả đời này sẽ cứ mãi là đứa trẻ, cần vòng tay, cần sự chăm sóc của cụ.  

 

“Nuôi con thân mẹ héo gầy
Vì con mà mẹ lệ đầy viền mi.”

Tưởng chừng như cụ Nhẫn sẽ được đỡ đần, khi những người con khác của cụ trưởng thành. Ai cũng mong rằng khi các anh chị đủ lông, đủ cánh, có thể tự lập, tự chăm sóc cho cuộc sống của chính mình thì cụ Nhẫn sẽ bớt được nhiều nỗi lo, để rồi tập trung chăm chút cho anh Tiến, người con thiếu may mắn nhất. Nhưng cuộc đời như muốn thử thách cụ, muốn xem cụ có hiểu được chính cái tên của mình. Các con lớn của cụ lần lượt gặp nhiều chuyện chẳng lành. Người con trai thứ tư của cụ ra đi vì ma túy sau khi tiêu tán hết gia sản của gia đình, chồng cụ Nhẫn, sau đó không lâu cũng bỏ cụ lại giữa cuộc đời còn dang dở quá nhiều trách nhiệm. Chưa nguôi những nỗi đau, một thời gian sau con cả của cụ Nhẫn vì cảm gió mà cũng rời đi.


Ảnh minh họa dẫn qua: gocnhosantruong

“Cánh cò cõng nắng cõng mưa
Mẹ tôi cõng cả bốn mùa gió sương.”

Cụ Nhẫn hẳn đã cõng trên đôi vai gầy guộc nhỏ bé của mình không chỉ sương gió của bốn mùa, mà sương gió cuộc đời của những đứa con. Người con trai thứ hai của cụ cũng không có nhiều may mắn hơn các anh em của mình. Anh là người bay xa nhất khỏi vòng tay mẹ. Những tưởng có thể lập nghiệp và tạo dựng được một cuộc sống an ổn nơi đất khách. Nhưng chỉ một đám cháy, cơ đồ của anh cũng tiêu tan và gia đình cũng từ đó mà tan vỡ. Người đàn ông mang trái tim nhiều đau khổ ấy, không còn biết phải đi đâu, về đâu, anh cùng con trai trở về Việt Nam, nơi vẫn còn ít nhất một tấm lòng sẵn sàng đón nhận anh.

Về bên mẹ, thấy được cuộc sống lặng lẽ nhưng đầy nhẫn nại của bà, ngày ngày đẩy xe hàng ra công viên, kiếm từng đồng nuôi đứa em ngơ ngẩn có lẽ đã trở thành nguồn động lực rất lớn để anh tiếp tục đứng lên. Hình ảnh ấy tiếp thêm cho anh dũng cảm để bỏ lại sau lưng những khổ đau và tiếp tục sống vì đứa con sắp bước vào ngưỡng cửa của tuổi trưởng thành. Anh quyết định chạy xe ôm, nuôi cho con học hành tới nơi tới chốn.

Quay trở lại với cuộc sống hiện tại, biết được câu chuyện của cụ, nhìn thấy hoàn cảnh mẹ già đã mắt mờ chân chậm chăm con, nhìn thấy nỗi lo lắng đong đầy trong đôi mắt đã đục mờ một bên của cụ Nhẫn, có lẽ không ít người trong chúng ta sẽ cảm thấy xót xa. Nhưng nhìn những hình ảnh được phóng viên báo Thanh Niên ghi lại, liệu bạn có nhận thấy một điều gì đó khác đang lan trong trái tim mình?

Bạn có cảm nhận được một sự bình yên? Giữa gió bão của cuộc đời, người mẹ ấy đã không vì hạnh phúc của bản thân mà bỏ đi một phương trời khác để tìm cái hạnh phúc, an ổn cho chính mình. Người mẹ ấy chọn sống đúng như cái tên mà cha mẹ đặt cho để sống. Bất chấp cái khổ, bất chấp những mất mát, những nỗi đau và cả những nỗi lắng lo như chưa bao giờ vơi bớt, bà vẫn ở đây, trong cái thành phố bé nhỏ này, dùng lòng thương yêu bao la của mình bao bọc, che chở, là điểm tựa cho những đứa con không may mắn.

“Mẹ nằm chỗ ướt canh sương
Chỗ khô lót tiếng ru nhường con thơ”

Để mang tới sự ấm áp, cái yên ả, tĩnh lặng cho cuộc sống của các con, không biết người mẹ ấy đã phải vượt qua bao nhiêu những khổ ải trong tâm can, những dằn vặt của cái tôi ích kỉ đưa tới? Người phụ nữ bé nhỏ ấy, không biết đã tốn bao nhiêu sức lực để nới rộng biên giới của trái tim mình, để đẩy xa giới hạn sức chịu đựng của mình, để bao trọn lấy nỗi đau của các con? Không ai có thể trả lời rõ ràng những câu hỏi ấy, nhưng ai cũng có thể cảm nhận được rằng người mẹ ấy đã hoàn toàn quên đi bản thân mình, để sống vì các con.

Trước khổ đau, con người ta luôn có hai ngã rẽ. Mỗi lựa chọn sẽ đưa đến những bến bờ khác nhau. Nếu bạn chọn ngã rẽ mang tên “Buông xuôi”, nghe theo tiếng gọi của sự vì mình mà bước chân lên con đường trốn chạy, thì chờ đón bạn là những tháng ngày bạn sẽ sống và đối mặt với sóng gió trong chính tâm can mình, đối mặt với những phán xét đến từ một nơi nào đó rất sâu thẳm trong tâm hồn thiện lương thủa ban đầu trong chính bạn.


Ảnh minh họa dẫn qua Hdwallpaper.com

Nhưng nếu, bạn lựa chọn đối mặt với những sóng to, gió lớn mà cuộc đời mang tới; nếu bạn chọn dũng cảm ở lại, dũng cảm chấp nhận những đau thương khi ấy, để bảo vệ, để chở che cho những cuộc sống khác đang cần có bạn, trong tâm hồn bạn khi ấy, sẽ là cảnh tưởng của mặt hồ bình yên sau cơn mưa, lấp lánh một ánh cầu vồng, giống như mặt hồ Giảng Võ xanh trong, nơi hai mẹ con cụ Nhẫn ngồi bên nhau mỗi ngày, thật bình yên.

Ly Ly tổng hợp
Ảnh nhân vật: Dẫn qua Thanhnien.vn

Xem thêm: