Đó là một ngày cuối thu se lạnh, dưới màu trời ảm đạm và u tối, hơn 2000 người dân ở thành phố Cao Hùng, Đài Loan đã tới đưa tiễn người phụ nữ 96 tuổi về nơi yên nghỉ cuối cùng. Khung cảnh sau khi được ghi lại đã khiến rất nhiều người ngạc nhiên và xúc động.

Người phụ nữ ấy là ai, cuộc đời bà có điều gì đặc biệt mà khiến cho hơn 2000 người đau khổ vì sự ra đi của bà như vậy?

Hơn 2000 người tới đưa tiễn bà Ngọc Nữ.

Bà không phải một ngôi sao nổi tiếng, cũng không phải một quan chức cấp cao hay doanh nhân thành đạt. Bà chỉ là một người phụ nữ bình thường, kinh doanh một quán cơm suốt 55 năm. Không những vậy, từ ngày mở quán, quán cơm của bà luôn luôn trong tình trạng lỗ nặng, chưa khi nào bà được cầm một đồng tiền lời lãi.

Bà Ngọc Nữ một mình bươn chải giữa thành phố xa lạ.

Sinh ra ở một miền quê nghèo vào năm 1920 tại Bành Hồ, Đài Loan, bà Trang Chu Ngọc Nữ lấy chồng khi 16 tuổi. Sau khi kết hôn, hai vợ chồng bà chuyển đến Cao Hùng sinh sống.

Không lâu sau đó, chồng bà đi lính. Bà Ngọc Nữ một thân một mình chăm đứa con thơ chưa tròn 2 tuổi, mưu sinh giữa thành phố xa lạ, rộng lớn. Cuộc sống của hai mẹ con bà khi ấy vô cùng khốn khó. Trong một thời gian dài, bà không thể tìm được việc làm. Khi chỉ còn những đồng bạc lẻ cuối cùng, bà Nữ đã xin làm công việc đánh xe bò để kiếm tiền sống qua ngày. Tuy nhiên, khó khăn lớn nhất của hai mẹ con chính là không có một nơi để trú ngụ.

Vào thời điểm khốn cùng ấy, hai mẹ con bà đã được những người công nhân tốt bụng ở nơi đây cưu mang. Cuộc sống của họ cũng rất vất vả, làm việc quần quật cả ngày mà số tiền kiếm được lại vô cùng ít ỏi. Họ cũng phải sống tạm bợ, chật chội trong những túp lều tự dựng nhưng họ đã dang rộng vòng tay, đùm bọc những người còn khó khăn, thiếu thốn hơn.

Vào lúc khó khăn nhất, bà đã được những người công nhân nghèo cưu mang.

Trải qua những tháng ngày ấy, bà Nữ đã thấm thía hai chữ “tình người”. Chẳng phải đợi tới khi giàu có, sung túc mới đi giúp người khác, những người công nhân giúp bà vì họ biết họ may mắn hơn bà. Ký ức những tháng ngày gian nan nhưng ấm áp ấy đã khắc sâu trong tâm bà suốt cả cuộc đời.

Chiến tranh kết thúc, gia đình bà Nữ được đoàn tụ. Hai vợ chồng chăm chỉ làm lụng, gây dựng cuộc sống và mua được một căn nhà. Bà Nữ không quên những người năm xưa đã cưu mang mình nên quay trở lại tìm họ để cảm ơn và báo đáp. Nhưng những người công nhân mộc mạc, chất phác năm xưa đã từ chối sự báo đáp của bà, họ cho rằng họ chỉ làm những việc nên làm, yêu thương đùm bọc lấy nhau trong lúc khó khăn. Suy nghĩ mãi, cuối cùng bà Nữ đã quyết định nấu cơm mang đến cho họ mỗi ngày mà không nhận bất kỳ một khoản chi phí nào.

Bà Ngọc Nữ quyết định nấu cơm miễn phí cho những người đã giúp đỡ bà như một lời cảm ơn chân thành nhất.

Trong thời gian sống cùng họ, bà Nữ thấu hiểu nỗi vất vả và thiếu thốn về vật chất của những người công nhân nghèo. Họ mỗi ngày đều đi sớm về muộn, chi tiêu dè xẻn và ăn uống rất kham khổ. Họ thường chuẩn bị đồ ăn từ sáng và đựng trong những hộp nhựa, cho nên tới bữa trưa, bữa tối, đồ ăn của họ vừa nguội vừa cứng. Họ cũng không mấy khi được ăn no, nhiều người không kiếm được một chỗ ở tử tế.

Vì thế, bà Nữ đã quyết định chia ngôi nhà của mình thành nhiều phòng nhỏ rồi cho những người công nhân đó ở. Bà cũng mở một quầy cơm tự chọn nho nhỏ để giúp đỡ những người nghèo, những người lang thang. Tất cả mọi thứ bà đều phục vụ miễn phí.

Suốt những năm tháng qua, cho dù thời tiết thuận hòa hay khắc nghiệt, giá cả thị trường có thế nào, bà Ngọc Nữ vẫn cần mẫn, đều đặn nấu cho hàng trăm công nhân sống quanh đó ba bữa một ngày. Có những ngày giá rét, bà Nữ một mình đi chợ và trở về nhà trong tình trạng toàn thân run lẩy bẩy, chân tay tê cóng tới mức không thể mở được cửa, nhưng bà chưa bao giờ có một lời kêu than, chưa bao giờ có ý định từ bỏ công việc này.

Dần dần, quầy cơm của bà ngày càng đông khách. Công việc và cả áp lực bà Nữ gánh vác cũng vì thế mà nhiều hơn. Mọi người đã đề xuất rằng bà nên thu tiền chứ không phát cơm miễn phí nữa, họ muốn san sẻ với bà một phần chi tiêu. Bà Ngọc Nữ đắn đo mãi rồi đưa ra mức giá vô cùng thấp, 3 Đài tệ (tương đương với 2.000 đồng) cho một phần cơm. Sau đó, giá cơm tăng lên 5 Đài tệ (khoảng 3.500 đồng) và cuối cùng dừng lại ở con số 10 Đài tệ ( 7.500 đồng). Định giá như vậy nhưng bà Nữ thường để những người lao động nghèo tùy tâm trả tiền, bởi vì bà biết có thể họ chẳng có đủ 10 Đài tệ trong người, nếu có thì cũng không thể chi hết số tiền đó cho một bữa ăn.

Bà thậm chí đã đi nhặt ve chai để kiếm thêm tiền đi chợ.

Trong tình hình kinh tế ngày càng khó khăn, giá cả tăng lên từng ngày, bà Nữ có đôi lúc đã phải gồng mình suy nghĩ đủ mọi cách để kiếm đủ tiền đi chợ. Mỗi ngày đều có ít nhất 200 công nhân nghèo tới ăn cơm của bà. Họ chỉ phải bỏ ra vài đồng ít ỏi đã có được một bữa ăn thơm ngon, nóng hổi mà lại đầy đủ dưỡng chất. Bởi vậy, không biết từ khi nào, bà Nữ đã tự giao trách nhiệm cho bản thân rằng phải đảm bảo những người công nhân ấy được no bụng. Nếu họ đói thì đó là lỗi của bà.

Quầy cơm của bà không chỉ đầy đủ dưỡng chất mà còn đầy ắp tình thương, tình người.

Chẳng có bà chủ quán nào vất vả như bà Ngọc Nữ. Kể từ ngày bắt đầu kinh doanh, bà chưa bao giờ biết đến một đồng tiền lãi. Không những thế, bà đã phải bán hết 7 gian nhà mà hai vợ chồng bà tích góp cả đời mới mua được, dùng toàn bộ khoản tiền dưỡng lão của mình để duy trì quầy cơm. Thậm chí đã có lúc bà đi nhặt ve chai để kiếm thêm thu nhập và bà nợ người ta tới 500 nghìn Đài tệ (khoảng 370 triệu đồng).

Bà luôn hạnh phúc với những gì mình đang làm.

Không mong đợi điều gì, cũng không cần ai khen tặng, bà Ngọc Nữ đã âm thầm giúp đỡ những người lao động nghèo khổ suốt 55 năm qua. Trong khi các con của bà và cả những người hàng xóm đều không thể hiểu nổi công việc bà đang làm, có lúc họ đã kiên quyết ngăn cản bà tiếp tục, nhưng bà Nữ chưa bao giờ chùn bước hay yếu lòng. Bà giúp đỡ người khác vì hơn ai hết bà hiểu giá trị của sự giúp đỡ khi con người gặp khó khăn.

Bà hiểu giá trị của sự giúp đỡ khi con người gặp khó khăn.

Đối với những người khác, một bữa cơm là điều quá đỗi bình thường. Nhưng đối với những người nghèo khó, để có một bữa cơm, họ phải lao động rất cực nhọc. Và nếu không có bữa cơm của bà, họ có thể sẽ chẳng gắng gượng thêm được nữa.

Nấu những bữa cơm ngon cho người lao động nghèo khổ chính là động lực để bà vượt qua bệnh tật.

Thời gian trôi qua, bà Ngọc Nữ ngày càng già yếu, đi lại cũng khó khăn hơn trước. Tuy vậy, bà vẫn kiên quyết duy trì hàng cơm chưa bao giờ có lãi của mình. Mỗi ngày bà vẫn dậy từ rất sớm, làm việc không ngừng nghỉ suốt cả một ngày, và đi ngủ với thân thể rã rời sau khi đã dọn dẹp xong tất cả.

Ngay cả khi ốm nằm giường, trong lòng bà vẫn canh cánh nghĩ về người khác.

Năm bà 70 tuổi, sức khỏe giảm sút rất nhiều nên bà đã phải điều chỉnh việc bán hàng, phục vụ 2 bữa ăn một ngày, không còn là 3 bữa như trước đây. Tới năm 80 tuổi, mặc dù bà Ngọc Nữ thường xuyên bị bệnh, nằm trên giường nhiều ngày liền, nhưng bà vẫn canh cánh một nỗi niềm: liệu những người công nhân ăn có đủ no không, ai sẽ giúp đỡ họ nếu bà ra đi. Chính điều này đã tiếp thêm cho bà động lực để nhanh chóng khỏi bệnh và duy trì hoạt động quán cơm.

Người phụ nữ cao cả ấy cuối cùng đã ra đi ở tuổi 96 tuổi, để lại sự xót thương và tiếc nuối cho biết bao con người. Ngày bà mất, bầu trời tối đen, nặng trĩu và nước mắt của hơn 2000 người không ngừng tuôn trào. Họ khóc khi nhớ lại tất cả những điều to lớn, vĩ đại bà đã làm, khóc thương những hy sinh âm thầm bà đã trải qua để mang lại cuộc sống no đủ hơn cho người khác. Họ khóc vì một người nhân hậu, bao dung, vị tha như bà không thể tiếp tục hiện diện trong cuộc đời này, không thể sống bên họ được nữa.

Có lẽ đến lúc này, gia đình và những người không thể hiểu bà lúc trước đã sáng tỏ động lực của bà khi chấp nhận thua lỗ suốt 55 năm kinh doanh. Bữa cơm của bà không chỉ có cơm, rau, thịt, cá, nó còn chứa đựng biết bao công lao, tâm sức và thiện tâm của bà. Nó là bữa cơm chan chứa tình thương và sự bao dung của một người phụ nữ phúc hậu dành cho những người nghèo khổ, khó khăn. Dù bà đã ra đi, nhưng những dấu ấn bà để lại mãi khắc sâu trong tâm mọi người, nhắc họ về tình người, về đạo làm người. Quả thực, không thứ vật chất nào trong cuộc sống có thể thay thế được tình thương yêu chân thành mà con người dành cho nhau.

Lý Minh

(Nguồn ảnh: Lifebuzz)

Video xem thêm: Ăn ở thiện lương, rộng đường phúc đức

videoinfo__video3.dkn.tv||532230b73__