Trong dòng chảy của những thất vọng về cách con người đối xử “không tử tế” với nhau tuần vừa qua, chúng tôi muốn mời các bạn lắng lại trong một câu chuyện về tình cha con. Câu chuyện của một người cha đã cho con mình cuộc đời thứ hai không chỉ bằng tình thương mà bằng cả một niềm tin mạnh mẽ.

Câu chuyện kể về hành trình trưởng thành của Nguyễn Khôi Nguyên, cậu bé 17 tuổi mắc chứng tự kỷ, tăng động giảm chú ý. Từ một cậu bé tưởng chừng không có tương lai, em đã tìm ra được niềm đam mê của mình, có cơ hội sống mỗi ngày với niềm đam mê ấy. Để rồi từ một cậu bé không biết vui, chẳng biết buồn nay đã có thể kéo chăn đắp cho bố ban đêm, hay lễ phép xin chụp ảnh cùng mọi người. Và hơn hết, hy vọng có được một cái nghề đang mở ra với chàng trai trẻ đang ở ngưỡng cửa của tuổi trường thành.

Màn trình diễn của Nguyên Khôi trong chương trình biểu diễn xiếc chuyên nghiệp. (Ảnh dẫn qua: vov)

Mọi người bắt đầu biết đến câu chuyện của cha con em, khi Khôi Nguyên lập kỷ lục Việt Nam “môn đội chai trên đầu, tung 8 bóng trên xe đạp một bánh trong thời gian lâu nhất” vào năm

Sinh ra kháu khỉnh, nhưng tương lai dường như đang đóng lại

Nguyễn Khôi Nguyên sinh năm 2001. Lúc ấy cả gia đình chú Nguyễn Thế Hiệp (59 tuổi) đều mừng rỡ. Cậu bé bụ bẫm lại vô cùng kháu khỉnh. Tuy nhiên Nguyên lại là một đứa trẻ khó nuôi: bé thính ngủ, chỉ hơi một chút tiếng động là có thể làm em tỉnh giấc.

Đến lúc Nguyên 6 tháng tuổi, em bắt đầu có những biểu hiện lạ: Đang ngồi bỗng hẫng người hoặc có những con co giật nhẹ. Chú Hiệp nhanh chóng đưa con trai đến bệnh viện khám bệnh.

Khi đến cả hai bệnh viện lớn là Bệnh viện Nhi Trung ương và Bệnh viện Bạch Mai, bố mẹ Nguyên đều nhận được cùng một câu trả lời: “Con anh chị bị mắc chứng tự kỷ”. Thời bấy giờ, những thông tin liên quan đến các chứng bệnh tâm lý thần kinh này vẫn còn rất khan hiếm. Hai từ “tự kỷ” vì thế trở thành nỗi ám ảnh lớn với vợ chồng chú Hiệp. Tương lai của Khôi Nguyên trở nên mờ mịt.

Đã có lúc Khôi Nguyên ở một mình trong thế giới của riêng em. (Ảnh: Kênh 14)

Theo kết luận của các bác sĩ khi ấy, Khôi Nguyên mắc hội chứng West – một chứng động kinh hay gặp ở trẻ nhỏ. Nhưng thời điểm ấy không có thuốc nào chữa triệt để, nên em sẽ phải chung sống với nó đến cuối cuộc đời. Để tránh những cơn co giật, em sẽ phải dùng thuốc và liều lượng sẽ nhiều lên theo thời gian. Chứng bệnh này còn để lại hậu quả trên hành vi và nhận thức của cậu bé.

Từ khi em biết đi, gia đình luôn phải cắt cử người ở cạnh để trông em, cậu bé leo trèo rồi lại ngã. Ngã thì không biết đau. Tăng động, giảm chú ý là một trong những hậu quả khác mà hội chứng West để lại cho Nguyên.

Chưa dừng lại tại đó, dù có lớn khôn thế nào, Khôi Nguyên vẫn sẽ như một đứa trẻ 3 tuổi. Việc học hành của em sẽ chậm hơn các bạn cùng trang lứa rất nhiều. Hơn thế, về mặt cảm xúc, Khôi Nguyên cũng không có nhiều. Thế giới khi bé của em như khép kín với tất cả, kể cả những người thân yêu nhất.

Ngày hay tin em bệnh, mẹ Phượng của em đã khóc rất nhiều. Khóc vì mẹ không biết sẽ giúp em như thế nào, nuôi em khôn lớn thành người ra sao. Nghĩ đến tương lai của em mẹ khóc.

Nhưng bên canh mẹ, bố Hiệp của em lại cảm nhận một suy nghĩ, một niềm tin vô cùng mạnh mẽ: “Con mình nhất định sẽ khác”. Khác với những đứa trẻ tự kỷ khác, tương lai của con sẽ không đóng chặt, bởi cha mẹ sẽ gõ cửa đến khi nào còn có thể ra với thế giới bên ngoài.

Một niềm tin “vô căn cứ”

Chú Hiệp cho biết niềm tin của mình giây phút ấy là vô căn cứ, chú không có kiến thức y khoa nhưng tình thương mà một người cha dành cho con đã thôi thúc chú phải làm một điều gì đó.

Chân dung người cha với niềm tin mạnh mẽ. (Ảnh: dẫn theo Eva)

Vượt lên trên những khó khăn trong việc tiếp xúc với con, chú Hiệp, cô phượng đã dạy cho Khôi Nguyên biết cách tự chăm sóc bản thân mình. Một hành động đơn giản như đánh răng, trẻ con thông thường mấy vài ngày là học được, nhưng với những trẻ giống như Khôi Nguyên đó có thể là hành trình tính bằng tuần, bằng tháng. Nhưng thương con, nên không gì có thể khiến cha mẹ em nản lòng.

Không chỉ dừng lại ở những công việc chăm sóc bản thân đơn thuần, chú Hiệp còn giúp con trai đi tìm điều có thể chạm tới tâm hồn con. Chú cho Nguyên đi học nhạc, học vẽ, học võ. Mỗi lần thử, cô Phượng, chú Hiệp đều mong con tìm được một niềm đam mê cho mình.

Nhưng may mắn chỉ mỉm cười sau gần 10 năm cố gắng. Lần ấy, trung tâm Tâm Việt mở lớp học ngoại khóa cho các bạn nhỏ, và đó cũng là nơi duy nhất chấp nhận những đứa trẻ như Nguyên. Thương và mong con có cơ hội được giao tiếp, được kết bạn, chú gửi Nguyên tới Trại hè.

Những tháng ngày tìm thấy đam mê. (Ảnh: Tuổi trẻ)

May mắn thay, thầy Việt ở trung tâm là người đã tìm thấy chiếc chìa khóa mà bấy lâu nay cha mẹ Khôi Nguyên đau đáu đi tìm: Khôi Nguyên là một đứa trẻ có trí thông minh vận động, tay chân em đặc biệt khéo léo.

Nắm lấy tia hy vọng mong manh ấy, chú Hiệp theo lời khuyên của thầy giáo, cho Nguyên tiếp xúc với xiếc. Cụ thể là môn tung bóng và đứng thăng bằng trên con lăn.

Bố và thầy đã rất mừng rỡ khi sau bao ngày thờ ơ với trái bóng bất chấp cố gắng thu hút sự chú ý của thầy giáo xiếc, Nguyên đã cầm lấy quả bóng, và bắt đầu tương tác.

Dù ban đầu, chỉ là ném, là chơi với bóng, nhưng dần dần, cậu bé bị những trái cầu thu hút. Em bắt đầu bước vào luyện tập từ lức nào không hay. Và kể từ khi ấy, cuộc đời Nguyên bắt đầu đổi khác.

“Con có một ước mơ”

Chú Hiệp kể từ khi bén duyên với trái bóng, Nguyên như tìm thấy thế giới của chính mình. Tung rồi hứng , tung rồi hứng. Vừa tung hứng vừa giữ chiếc chai thăng bằng trên đầu. Ngã hết lần này đến lần khác, tay chân đầy sẹo. Nhưng “Nguyên vẫn tập, vì Nguyên thích tập”. Tập bóng đã khiến cho cậu bé này lần đầu tiên cảm thấy được niềm vui.

Luyện tập không ngừng. (Ảnh: vov)

Thầy Thọ, huấn luyện viên xiếc của Khôi Nguyên đã không giấu được sự ngạc nhiên trước khả năng của cậu học trò nhỏ. Theo kinh nghiệm trình diễn và giảnh dạy nhiều năm của thầy, để thuần thục kỹ thuật tung 7 bóng người ta mất 2 năm, thêm 2 năm nữa để có thể giữ thăng bằng trên con lăn ở mức độ tương đối và thêm 2 năm để thuần thục. Vậy mà Khôi Nguyên chỉ trong hai năm đã thuần thục cả hai kỹ năng khó ấy và hơn nữa, em còn có thể làm chúng cùng một lúc.

Yêu xiếc là thế, nhưng sau một lần bị ngã, Nguyên bị gãy xương vai. Tai nạn ấy khiến em lùi trở lại thế giới của mình. Nhưng không để con quay lại quá lâu trong thế giới của cô đơn, trống vắng không cảm xúc ấy, chú Hiệp đã một lần nữa động viên con, nắm tay con để đưa con trở lại với xiếc.

Bố là người luôn đồng hành cùng nguyên trên con đường chinh phục nghệ thuật xiếc. (Ảnh: vov)

Khi đã vượt qua được một lần nỗi sợ hãi, con người ta sẽ trưởng thành và can đảm hơn rất nhiều. Nguyên cũng thế, và hơn nữa, trong chặng đường này bố vẫn ở đây, vẫn đi cùng em. Ngay từ đầu bố đã sống với niềm tin rằng em sẽ không như các bạn tự kỷ khác. Niềm tin ấy đã dẫn bố, dẫn Nguyên đến trước bao nhiêu cánh cửa, kiên trì cho tới tận ngày hôm nay.

Để rồi khi nhìn con trai đứng dưới ánh đèn sân khấu để nhận tấm bằng ghi kỷ lục, chú Hiệp đã phải thốt lên rằng, tôi không thể tin vào mắt mình rằng con trai tôi lại có ngày hôm nay.

Và chắc hẳn cha của Khôi Nguyên khó có thể tin rằng sẽ có ngày Khôi Nguyên có thể chụp ảnh cùng mọi người như thế này. (Ảnh: Kênh 14)
Hơn nữa em còn có bạn bè. (Ảnh: Kênh 14)
Và cả một ước mơ. (Ảnh: Kênh 14)

Nhưng trên hết, hơn cả những ghi danh bên ngoài, sự kiên trì và niềm tin “vô căn cứ” ấy của chú Hiệp lại cho Khôi Nguyên một cơ hội để thực sự được sống, được hòa nhập và còn có cả ước mơ.

“Ước mơ của Khôi Nguyên là trở thành người tung bóng số một thế giới”. Và cậu bé đang ngày ngày luyện tập để ước mơ ấy thành sự thật.

“Ước mơ của Khôi Nguyên là trở thành người tung bóng số một thế giới”. (Ảnh: Kênh 14)

Xin chúc cho Khôi Nguyên sẽ chạm được tới giấc mơ của mình. Bởi em có sự khổ luyện, có tài năng ít người có được. Nhưng trên hết, em có người mẹ, người cha dành trọn cho em tình thương và đặc biệt là lòng tin tưởng.

Chú Hiệp phải chăng đã dùng chính cuộc sống của mình và Khôi Nguyên để kiểm chứng một chân lý của cuộc sống này: “Tốt xấu xuất tự một niệm của người ta”. Niềm tin mạnh mẽ vào những điều thiện lành sẽ là ngọn hải đăng đáng tin cậy nhất để dẫn lối cho con người trong khó khăn của cuộc đời.

Hy Văn