Trên khu đồi Kujira hướng ra Thái Bình Dương, có một chiếc bốt điện thoại màu trắng với những ô cửa kính được lau chùi sạch bong. Bên trong có một chiếc điện thoại quay số cổ điển, và một cuốn sổ ghi những lời nhắn nhủ. Tất cả đều đã nằm ở đó từ 7 năm nay, chứng kiến bao người tới để thực hiện những cuộc gọi một chiều… cho những người đã ra đi mãi mãi. 

Bốt điện thoại này là ý tưởng của một người dân làng Otsuchi, ông Itaru Sasaki, 69 tuổi. Vào năm 2010, khi người anh họ của ông từ giã cõi đời vì bạo bệnh, Itaru đã đặt một bốt điện thoại trong khu vườn rộng lớn của mình, ông gọi nó là “bốt điện thoại của gió” để tưởng nhớ người anh đã khuất.

“Bởi vì những gì tôi muốn gửi tới anh mình lúc này không còn có thể truyền qua đường điện thoại thông thường, nên tôi hy vọng rằng gió sẽ giúp tôi gửi chúng đi”.

Bốt điện thoại của gió (Ảnh: chụp màn hình Youtube/NHK World)

Đó là cách mà nghệ nhân làm vườn người Nhật Bản này chọn để xoa dịu nỗi đau tinh thần. Đây phải chăng cũng chính là lý do mà chiếc bốt điện thoại ấy đã trở nên thân thuộc với rất nhiều người Nhật sau ngày thảm hoạ 11/03/2011.

Năm 2011 đối với Nhật Bản là một năm của đau thương và mất mát. Thảm khọa kép sóng thần và động đất vào mùa xuân đã lấy đi sinh mạng của 16.000 người và khiến 2.500 người mất tích. Dòng nước dữ tợn và những rung gãy mà thiên nhiên tạo nên đã để lại những đổ nát trên mặt đất và trong cả lòng người. Những ngôi nhà không còn hình thù, những làng xóm giống như một đống hỗn độn, những người cha mất con, vợ mất chồng… tất cả đều lặng đi trong màu xám của bầu trời.

Tất cả chỉ còn là những đống đổ nát (Ảnh: aljazeera.com)

Họ rồi sẽ phải bắt đầu lại mọi thứ từ đầu, nhưng là một sự bắt đầu đầy khó khăn với những ai còn bị mất đi người thân yêu.

Họ sẽ phải bắt đầu lại từ đầu tất cả mọi thứ (Ảnh minh họa: AP Photo/Itsuo Inouye)

Ngôi làng Otsuchi cũng hứng chịu rất nhiều mất mát, 400 người (10% dân số của làng) đã không còn cơ hội để được tiếp tục cuộc sống. Điều đó đồng nghĩa với ít nhất hàng trăm gia đình, hàng trăm con người đang phải nỗ lực rất nhiều để vượt qua nỗi đau mất người thân.

Tai họa ập tới một cách bất ngờ, tất cả những người ra đi có lẽ cũng không kịp nói điều gì với những người ở lại. Và rất có thể như ông Sasaki suy nghĩ “các gia đình nạn nhân vẫn còn những lời cuối chưa kịp nói với người thân yêu”, nỗi đau và sự mất mát đối với những người ở lại càng khó để chấp nhận.

Đó là lý do mà ông Sasaki khuyến khích những người dân trong làng tới để “gọi điện” cho những người thân yêu đã đi qua thế giới bên kia, đến để chia sẻ với người đã ra đi những cảm xúc, những suy nghĩ đang chất chứa trong lòng.

“Alo, Mine và Issei của bố, …” (Ảnh: chụp màn hình Youtube/NHK World)

“Xin hãy về đi!”

Hay để đặt những câu hỏi:

“Tại sao lại là bố, tại sao lại là con?”

Hay để nói được với người thân yêu của mình rằng họ đã ra đi và để lại nỗi nhớ lớn như thế nào:

“Xin hãy gọi bố một lần được không, dù chỉ một lần, bố rất nhớ giọng nói của các con”.

Chỉ là những cuộc hội thoại ngắn ngủi ấy rồi cúp máy, nhưng nó đã giúp biết bao người Nhật gỡ được một phần những nút thắt trong trái tim.

Chiếc bốt điện thoại của ông Sasaki từ đó đã trở thành một trạm điện thoại công cộng của cả nước Nhật. Nơi rất nhiều người đã vượt hàng chục dặm xa xôi tới đây, để được một lần gọi điện cho người thân, dù chỉ là bằng cách nhẩm số điện thoại của người ấy, quay số và bắt đầu trò chuyện. Rất nhiều người trong số họ đã trò chuyện với những người thân đã ra đi, như thể đầu dây bên kia có ai đó đang thực sự chăm chú lắng nghe.

Rất nhiều người đã tìm đến bốt điện thoại, sau khi thảm họa diễn ra (Ảnh: chụp màn hình Youtube/NHK World)

Đối với người Nhật, việc bày tỏ cảm xúc và bộc lộ những đau khổ của mình không phải là việc dễ dàng, đặc biệt họ chỉ có thể làm việc đó ở những nơi kín đáo và cho họ có cảm giác an toàn. Không gian nhỏ hẹp nhưng riêng tư của chiếc hộp điện thoại này hoàn toàn phù hợp với nhu cầu tâm lý ấy.

Trong chiếc hộp kính, bên chiếc điện thoại nối vào hư vô, người Nhật mới cho phép mình trút đi sự mạnh mẽ bề ngoài, để đối diện với những giông bão của lòng mình. Cuối cùng là để những dòng nước mắt được thực sự rơi, mang theo những khổ đau, yếu đuối ra khỏi mỗi người.

Để được khóc… (Ảnh: chụp màn hình Youtube/NHK World)

Có thể chân thành đối mặt với nỗi đau, chấp nhận nó, những người đã mất đi người thân ấy mới có thêm dũng khí để tự mình vượt lên khỏi nỗi đau này.

“Với những ai từng mất đi người thân, bốt điện thoại của gió trở thành niềm an ủi lớn lao. Dù khó khăn, nhưng hy vọng khiến cuộc sống trở nên có giá trị hơn”, ông Sasaki chia sẻ.

Sau thảm họa 2011, bốt điện thoại của gió đã đón 10.000 người tới để thực hiện những cuộc trò chuyện một chiều, và hơn thế nữa, có những người đã trở thành người sử dụng thân quen của bốt điện thoại kết nối hai thế giới.

Cuốn sổ bên cạnh chiếc điện thoại là để ghi lại những nỗi niềm với người đã khuất (Ảnh: Japo.vn)

Ông Sasaki, còn đặt bên cạnh chiếc điện thoại một cuốn sổ, để những người tới đây có thể viết những điều gửi tới người thân đã qua đời của họ. Thông qua những dòng tâm sự này, ông Sasaki nhận ra rằng thời gian đang dần chữa lành những vết thương. Nỗi đau trong những trang giấy đã nhẹ đi rất nhiều.

Ngay cả những cuộc trò chuyện cũng vậy, giờ đây, có những người vẫn quay lại nơi này để gọi điện. Nhưng không phải là để nói về sự khổ đau. Họ tới để nói với người đã khuất rằng cuộc sống của cả gia đình đã dần ổn hơn, và để kể cho người đã khuất nghe những điều tốt đẹp trong cuộc sống.

“Ông nội ơi, ông có thể tin được không con đã học xong tiểu học rồi đấy. Năm nay em con cũng học lớp hai rồi và mọi người đều rất ổn ông ạ”.

Chiếc bốt điện thoại mang tới hy vọng cho những người ở lại (Ảnh: citylab.com)

Theo thời gian, sau mỗi lần gác máy, khuôn mặt của những người bước ra từ bốt điện thoại cũng nhẹ nhàng và thanh thản hơn. Họ đã hoàn toàn trở về được với cuộc sống của mình. Giờ đây, họ giữ mối liên lạc này như một sự động viên và an ủi tinh thần quý giá.

Hải Lam

Xem thêm: