Chị Bạch Kim Ngân (sinh năm 1972) là cô giáo tại trường THCS thị trấn Chũ (Lục Ngạn, Bắc Giang). Từ một giáo viên dạy hoá sinh, ở tuổi 40, chị trở thành một startup chỉ vì ước mơ giản dị: để nông dân Việt bớt lận đận vì nông sản.

Mặc dù không sinh ra và lớn lên ở miền quê Lục Ngạn – Bắc Giang nhưng hơn 10 năm gắn bó với mảnh đất này, cô giáo Bạch Kim Ngân đã coi nơi đây như quê hương thứ hai của mình. Chính vì vậy, chị hiểu rất rõ những khó khăn, vất vả của nông dân địa phương.

Hơn 30 năm nay, Lục Ngạn thường được biết đến như là “quê hương” của vải thiều, nhưng mỗi khi đến mùa thu hoạch, vải lại chất đống bởi thương lái ép giá. Thấy cảnh này, cô giáo Ngân cứ đau đáu, phải làm gì để giúp bà con?

Vốn là giáo viên dạy bộ môn hóa sinh, chị đã có sẵn kiến thức khoa học về lĩnh vực điều chế, chị bắt đầu lên kế hoạch điều chế rượu và giấm làm từ quả vải và mật ong.

Biết rõ bản thân chưa có kinh nghiệm thực tiễn và xác định khởi nghiệp là một quá trình thất bại liên hoàn nên chị không ngần ngại đứng lên làm lại hết lần này đến lần khác.

Sản phẩm giấm vải của cơ sở sản xuất Kim Ngân (ảnh: Uyên Hương/BNEWS).

Năm 2014 được xem là năm khó khăn nhất của chị với những đêm dài thức trắng, một mình lọ mọ bóc vải, nghiền, pha chế, rà soát lại quá trình lên men, điều chỉnh độ ẩm, nhiệt độ phù hợp để tìm ra công thức tối ưu nhất. Không biết bao nhiêu lần sản phẩm cứ thử rồi lại hỏng, chị Ngân chán nản, nhiều lần muốn bỏ cuộc, nhưng rồi lại gạt những giọt nước mắt và tiếp tục cố gắng.

Cuối cùng, sau biết bao nỗ lực không ngừng, dung dịch bắt đầu lên men cho mùi vị thơm ngon và những chai giấm vải đầu tiên đã được điều chế thành công. Không chỉ dùng để chế biến một số món ăn cho gia đình, chị còn đem biếu người thân, bạn bè và nhận phản hồi khá tốt. Đáng mừng hơn là mẫu giấm sau khi kiểm tra thì được đánh giá là đạt tiêu chuẩn.

Chị Kim Ngân quyết định vay mượn để đầu tư xây dựng nhà xưởng, thu mua nguyên liệu, mua thùng chứa, in bao bì nhãn mác để sản xuất giấm vải.

Năm 2015, sản phẩm giấm vải Kim Ngân chính thức lên kệ. Được pha chế và lên men từ 100% quả vải và mật ong, giấm Kim Ngân không chỉ là một loại gia vị trong nhà bếp mà còn có thể dùng như một thức uống giàu dinh dưỡng, có công dụng làm đẹp, chữa bệnh rất hiệu quả. Đặc biệt, công nghệ lên men tĩnh mà chị Ngân sử dụng khiến mùi vị của giấm càng để lâu càng thơm như rượu vang. 

Dòng đồ uống của cơ sở Kim Ngân được các nhà hàng Nhật Bản lựa chọn cho chuỗi nhà hàng.

Các dòng giấm của Kim Ngân đều có thể dễ dàng biến hóa thành những ly nước hoa quả giàu vitamin khi kết hợp với mật ong, hạt chi-a, đá hay pha chế thành cocktail, tuy nhiên thói quen coi giấm chỉ là gia vị của nhiều bà nội trợ rất khó thay đổi. Đặc biệt, lâu nay người ta chỉ nghe đến giấm gạo, giấm táo chứ ít ai nghe đến giấm vải bao giờ. Đó cũng là khó khăn lớn nhất của chị Ngân khi tìm đầu ra cho sản phẩm.

Những khó khăn ban đầu không cản nổi bước chân của người phụ nữ mạnh mẽ ấy, chị vẫn không ngừng phát triển mô hình công ty, vừa tìm hướng đi vừa phát triển sản phẩm. Đến thời điểm này, xưởng giấm của chị đã có quy mô hơn 1.000m, trung bình mỗi tháng sản xuất 10.000-15.000 lít giấm, giúp bà con nông dân Bắc Giang tiêu thụ được 50-60 tấn vải mỗi năm.

Hiện tại, công ty chị đã có 5 dòng sản phẩm, bao gồm: giấm vải, giấm táo xanh, táo mèo, giấm mơ và giấm tỏi ớt (chuyên để trộn rau, sa-lát) được đưa ra thị trường. Sản phẩm được phân phối tại các siêu thị lớn như Vinmart, Aeon, Fivimart… và có mặt tại 15 quốc gia, được đón nhận, đánh giá cao tại nhiều thị trường khó tính như Australia, Anh, Mỹ, Nhật Bản…

Bà chủ thương hiệu Giấm Kim Ngân (áo dài hoa) đang giới thiệu sản phẩm (ảnh: Khám Phá).

Ít ai có thể ngờ rằng, cô giáo viên cứ ngoài giờ lên lớp lại tranh thủ bóc vải, ủ men làm giấm, với hành trang ban đầu chỉ là vài cái thùng nhựa đựng nước vải thô sơ, giờ đây đã trở thành doanh nhân toàn cầu, gánh giấm vải đọ sức nơi chợ Tây.

Cảm ơn cô giáo Bạch Kim Ngân – người thổi hồn cho món giấm vải mật ong – sản phẩm độc nhất vô nhị của Việt Nam.

Cảm ơn tấm gương sáng đang ngày đêm “vượt biển lớn” đem nông sản Việt ra trường quốc tế, để những người nông dân nghèo bớt long đong.