Trong 13 năm trở lại đây, số lượng tội phạm ở Nhật liên tục giảm, cảnh sát phải đi sâu hơn vào các vụ án dân sự, thậm chí là các vụ việc vặt vãnh để… có việc làm. Vậy điều gì đã khiến cho Nhật Bản trở thành một quốc gia an toàn đến vậy?

Nhật Bản – một trong những quốc gia có tỷ lệ tội phạm thấp nhất thế giới

Nhật Bản luôn được xếp đầu trong danh sách những quốc gia an toàn và và yên bình. Tỷ lệ giết người tại đất nước này rơi vào khoảng 0,3/100.000 người – con số thuộc hàng thấp nhất thế giới. Tại Mỹ, con số này khoảng 4/100.000. Trong năm 2015, chỉ có một vụ giết người bằng súng được ghi nhận. Thậm chí kể cả các nhóm yakuza, băng đảng xã hội đen khét tiếng tại Nhật và là đối tượng mà cảnh sát phải e dè cũng đã suy yếu do Pháp luật ngày càng kiện toàn và cứng rắn.

Trên thực tế, chúng ta hoàn toàn không phủ nhận những câu chuyện phạm tội ở Nhật, tuy nhiên, nếu quan sát kỹ, bạn sẽ nhận ra, bất kỳ vụ việc nào, dù to hay nhỏ đều được công khai trên báo đài.

Thậm chí kể cả các nhóm yakuza, băng đảng xã hội đen khét tiếng tại Nhật và là đối tượng mà cảnh sát phải e dè cũng đã suy yếu do Pháp luật ngày càng kiện toàn và cứng rắn.

Năm 2016, một vụ tấn công bằng dao tại Nhật khiến 19 người thiệt mạng đã trở thành vụ thảm sát lớn nhất trong lịch sử đất nước này. Đến đầu năm nay, vụ bé gái Việt Nam thiệt mạng tại Nhật cũng khiến dư luận chấn động. Đây gần như là những vụ án nghiêm trọng duy nhất trong năm tại Nhật Bản. Quả thực, tỷ lệ tội phạm ở đất nước mặt trời mọc đã giảm đi đáng kể trong suốt 60 năm qua.

Cảnh sát cần phải “sáng tạo” để… có việc làm

Bất chấp tỷ lệ tội phạm đang giảm đi đáng kể, thay vì cắt giảm bớt nhân viên, lực lượng cảnh sát ở Nhật ngày càng đông hơn. Hiện tại, Nhật Bản có khoảng 259.000 sĩ quan cảnh sát mặc đồng phục, gấp hơn 17 lần so với 10 năm trước (khoảng 15.000 sĩ quan).

Những đội tuần tra an ninh xuất hiện ở hầu khắp các khu phố tại những thành phố lớn. Tokyo là nơi có lực lượng cảnh sát đô thị lớn nhất thế giới. Thống kê cho thấy tỉ lệ cảnh sát so với số lượng cư dân ở thủ đô Tokyo rất cao, nhiều hơn so với thành phố New York  25%.

Tokyo là nơi có lực lượng cảnh sát đô thị lớn nhất thế giới.

Số lượng cảnh sát đông nhưng các vụ án thì quá ít ỏi. Nghịch lý ấy đã khiến cảnh sát Nhật Bản sẵn sàng điều tra cả những vụ án nhỏ nhặt và đồng thời trở nên “sáng tạo” hơn khi điều tra.

Một người phụ nữ đã không khỏi bất ngờ khi thấy 5 cảnh sát xông vào căn hộ chật hẹp của cô sau khi người phụ nữ này thông báo bị mất một chiếc quần đùi trên dây phơi.

Vài tháng trước, một nhóm cảnh sát tại Kagoshima, một thành phố nằm tận cùng phía nam Nhật Bản, đã theo dõi một chiếc xe không khóa cả ngày lẫn đêm đậu bên ngoài siêu thị, trong xe là một thùng bia mạch nha. Sau nhiều ngày “nằm vùng”, cuối cùng, một gã đàn ông trung niên đã đi qua và giở trò “chôm chỉa”. Toán cảnh sát bất ngờ ập ra và “bắt sống” tên trộm bất đắc dĩ. Đây là một trong số ít những tên trộm còn sót lại tại Kagoshima.

Trong một tình huống gần đây, cảnh sát Nhật cũng đã bắt giữ một nhóm người thuê chung taxi và chia tiền với nhau vì cho rằng đây là hành vi gian lận dịch vụ taxi. Tại nhiều tỉnh khác nhau, cảnh sát cũng bắt đầu điều tra và truy lùng những người đi xe đạp vượt đèn đỏ.

Trộm văt, hiện là ‘mục tiêu’ mới của cảnh sát Nhật Bản

Vậy vì sao Nhật Bản lại ít tội phạm đến vậy?

Thứ nhất, người Nhật luôn thực hành đức tin khi đối mặt tất cả những vấn đề trong cuộc sống, kể cả những tình huống hiểm nguy nhất.

Đa số người Nhật theo Thần Đạo (Shinto) và Đạo Phật. Theo thống kê của Tổng cục văn hóa Nhật Bản vào năm 2006, có 84% người dân Nhật Bản theo Thần Đạo và 70% người dân theo Đạo Phật, nghĩa là có những người sẽ thực hành theo cả hai đức tin. Ngoài ra, Nhật Bản cũng là quốc gia chịu ảnh hưởng sâu sắc tư tưởng Nhân-Lễ-Nghĩa-Trí-Tín của Nho giáo.

Nhờ đức tin của mình, người Nhật luôn hướng tới sự trong sáng, lương thiện và tránh làm điều ác. Họ coi giết chóc là tội lớn và không được giết sinh vật trừ khi vì sự sống còn của bản thân. Trước khi ăn, người Nhật cũng thường nói câu ‘Itadakimasu!’ để cảm ơn những sinh linh đã chết và trở thành thức ăn cho mình.

Nhờ đức tin của mình, người Nhật luôn hướng tới sự trong sáng, lương thiện và tránh làm điều ác.

Còn một điều đặc biệt, vào mùa thu hoạch, trên những cánh đồng ở Nhật luôn còn một góc nguyên. Không ai bảo ai, những nông dân Nhật không bao giờ gặt hái toàn bộ nông sản mà luôn để phần 5-10% sản lượng cho các loài chim, thú trong tự nhiên. Người ta vẫn nói, khi con người biết yêu thương muôn loài, chắc chắn, đối với đồng loại, họ sẽ càng nhân văn hơn.

Thứ hai, văn hóa truyền thống luôn được đề cao ở xứ sở hoa anh đào.

Nền giáo dục Nhật Bản luôn đảm bảo phải thực hiện được tiêu chí “mỗi học sinh sẽ trở thành một cá nhân hoàn thiện đạo đức”. Tinh thần kế thừa và phát triển văn hóa truyền thống là một trong những mục tiêu chủ yếu nhất trong giáo dục, đạo đức là điều mà mọi học sinh phải biết đến đầu tiên.

Khác với nhiều nước trên thế giới, giáo dục đạo đức chủ yếu thông qua một môn học, Nhật Bản dạy học sinh qua tất cả các môn cũng như trong sinh hoạt hàng ngày.

Nền giáo dục Nhật Bản luôn đảm bảo phải thực hiện được tiêu chí “mỗi học sinh sẽ trở thành một cá nhân hoàn thiện đạo đức”.

Trẻ em Nhật Bản ngay từ mẫu giáo đã được học các quy tắc ứng xử căn bản, rèn luyện thực hành đạo đức trong các hoạt động hàng ngày như cách giao tiếp với mọi người, giúp đỡ người khác, vệ sinh trường lớp…. Trẻ em cũng được dạy phải nói xin lỗi, cảm ơn, và áp dụng ngay trong cuộc sống hàng ngày. Vì thế mà những đứa trẻ ở Nhật ngay từ bé đã biết những gì nên làm và không nên làm. Bên cạnh đó, chúng luôn được dạy dỗ rằng phạm tội là một điều đáng xấu hổ và không thể dung thứ trong xã hội.

Thật vậy, trong văn hóa Nhật Bản, việc ngồi tù được xem là một vết nhơ cuộc đời của mỗi người. Hơn nữa, xã hội cũng coi nghi phạm là có tội, cho đến khi có bằng chứng vô tội. Đối với những người này, họ còn chưa bị bản án phạt từ tòa đã phải chịu bản án đáng sợ hơn từ dư luận và cộng đồng; nhưng nhờ đó mà tỷ lệ tự thú tại Nhật Bản cao tới 95%.

Còn có một điều bất thành văn trong xã hội Nhật Bản: không bao giờ được đi quá giới hạn. Kể cả những thành viên của băng đảng Yakuza khét tiếng cũng không bao giờ đi ẩu trên đường, xả rác hay phá hàng lối. Văn hóa Nhật Bản luôn đề cao tính cộng đồng. Hiểu một cách đơn giản, họ thích mọi thứ vào khuôn khổ với chuẩn mực như nhau.

Văn hóa Nhật Bản luôn đề cao tính cộng đồng.

Nói như vậy không có nghĩa là người Nhật Bản không thích những thứ mới mẻ; họ thích những điều mới mẻ phù hợp với nhu cầu của bản thân và đặc biệt là không được “đi ngược” văn hóa truyền thống. Chính vì vậy, nếu bạn làm điều gì ngoài khuôn khổ của xã hội, người ta sẽ nhìn bạn bằng ánh mắt kỳ lạ, thậm chí là kỳ thị. Phạm tội là một trong những hành động có tính chất như vậy

Tóm lại, đức tin và văn hóa truyền thống chính là kim chỉ nam tạo nên một Nhật Bản như ngày hôm nay, một kỳ tích mà bất kỳ một nhà giáo dục hay một nhà lãnh đạo nào trên thế giới cũng đều mong muốn.