Lời chào là mở đầu cho yêu thương. Đó là món quà vô giá chúng ta có thể dễ dàng trao cho mọi người xung quanh mà chẳng cần phải tốn một đồng nào cả.

Một cô gái trẻ làm việc tại nhà máy chế biến đông lạnh. Hôm ấy, như thường lệ, khi chuẩn bị kết thúc một ngày làm việc, cô đi vào kho đông lạnh để kiểm tra.

Đột nhiên, cửa phòng bị đóng và khóa lại, cô bị nhốt ở bên trong. Cô cũng không mang theo điện thoại để gọi điện cho bất cứ ai.

Đang lúc cô tưởng như mình sẽ chết ở đây thì cánh cửa phòng đông lạnh mở ra. (Ảnh: thecut.com)

Cô hét khản cổ, luống cuống đập cửa với hy vọng ai đó sẽ nghe được tiếng kêu cứu của mình nhưng không ai nghe thấy. Bây giờ là thời điểm tất cả công nhân đã tan ca, cả nhà máy đều vô cùng yên tĩnh.

Một tiếng sau, nữ công nhân lạnh cóng người. Tay chân cô run lẩy bẩy và đầu não thì như bị đông cứng. Tuyệt vọng và đau khổ…

Đang lúc cô tưởng như mình sẽ chết ở đây thì cánh cửa phòng đông lạnh mở ra. Bác bảo vệ già bước vào và đưa cô ra ngoài.

Đang lúc cô tưởng như mình sẽ chết ở đây thì cánh cửa phòng đông lạnh mở ra. (Ảnh: guce.oath.com)

Hôm sau, cô gái đến cảm ơn bác bảo vệ và hỏi tại sao lại biết mình ở trong phòng đông lạnh để đến mở cửa (bởi đây không phải khu vực mà bác quản lý).

Bác bảo vệ ôn tồn:

– Bác làm việc ở đây đã hơn 30 năm rồi. Mỗi ngày đều có mấy trăm công nhân ra ra vào vào. Nhưng cháu là người duy nhất mà sáng nào đến cũng chào hỏi bác và buổi chiều tan làm lại chào tạm biệt. Trong khi đó, những người khác đều xem như không nhìn thấy bác vậy!

Cháu là người duy nhất mà sáng nào đến cũng chào hỏi bác và buổi chiều tan làm lại chào tạm biệt. (Ảnh: linkedin.com)

Trầm ngâm một lúc, bác tiếp lời:

Hôm qua, bác biết là buổi sáng cháu có đi làm vì sáng cháu còn nói “Cháu chào bác!”. Nhưng sau khi tan làm buổi chiều, mọi người đã về hết mà bác vẫn chưa nghe thấy tiếng cháu chào tạm biệt. Vậy nên bác quyết định vào trong nhà xưởng tìm xem sao. Nghe thấy tiếng khóc trong phòng đông lạnh, bác biết là cháu ở đó. Tạ ơn trời đất, bác vẫn đến kịp…

***

Nhịp sống hối hả của xã hội hiện đại ngày nay luôn thúc bách, đưa đẩy chúng ta chỉ chăm chú vào những nhu cầu của riêng mình, thay vì quan sát người khác và dành cho họ những điều tốt đẹp. Một lời chào cũng chẳng mất bao nhiêu thời gian nhưng vì cảm thấy không thực sự cần thiết mà nhiều người đã lãng quên nó. Kỳ thực, cũng là vì chưa đủ chân thành. 

Trong văn hóa phương Tây, câu chào phổ biến nhất là “xin chào, bạn thế nào?”. Đây hiển nhiên là một câu chào tự động và không đợi câu trả lời. Nó chỉ đơn thuần mang tính chất mào đầu cho một cuộc trò chuyện, hoặc là thể hiện phép lịch sự.

“Sawubona” là cách người Zulu bày tỏ sự tôn trọng dành cho người đối thoại (Ảnh: plus.google.com)

Nhưng nếu người ta chào nhau bằng ánh mắt chân thành, giao tiếp với người kia bằng tâm hồn chứ không chỉ là lời nói, sức mạnh ấy có thể động tâm can người đối diện. Khi lời chào là sự trân trọng tự đáy lòng người đang cùng giao tiếp với mình, bạn chính là đang nói trong lòng bạn họ quan trọng nhường nào.

Các bộ tộc ở Natal (Nam Phi) có một lời chào là “Sawubona”, có nghĩa “Tôi thấy bạn, bạn quan trọng với tôi và tôi tôn trọng bạn rất nhiều”. Để đáp lại, mọi người sẽ trả lời: “Shikoba”, có nghĩa “Tôi hiện hữu là vì bạn”. Đó là cách họ bắt đầu những yêu thương tốt đẹp.

Những gì cho đi… chính là những điều bạn sẽ nhận lại. (Ảnh: pinterest)

Trao nụ cười hay một lời chào chân thành, niềm nở và hiền hòa với bất kì ai đó bạn tình cờ gặp trên đường đời. Tất cả những yêu thương tưởng như vô hình và không để lại dấu vết ấy, thực ra đều là những hạt giống thiện lành bạn gieo vào thế giới xung quanh.

Và một ngày nào đó, nó sẽ hồi đáp bằng âm thanh của tình yêu thương, những gì cho đi… chính là những điều bạn sẽ nhận lại.

Thiện Nam