Trước khi sinh con trai lớn, tôi đã đọc rất nhiều sách vở về nuôi dạy con và lên các forum làm cha mẹ, webtretho để học hỏi kinh nghiệm của các bà mẹ giỏi giang khác. Vậy nên, khi nuôi con, tôi áp dụng rất đúng công thức: Bao nhiêu protein, bao nhiêu tinh bột, bao nhiêu rau xanh, bao nhiêu chất béo trong một bữa đều được tính toán rất kỹ. Ngủ bao nhiêu tiếng một ngày cũng đều cố gắng đảm bảo. Nhưng con trai tôi vẫn lười ăn, khó ngủ và còi dí.

Ngày nào con trai không ị là tôi lo sốt vó. Con hắt xì một cái là đi khám bác sĩ. Một tháng không tăng được bao nhiêu lạng, bao nhiêu cân theo đúng chuẩn là tôi lại tự dằn vặt lương tâm mình chăm con chưa đủ.

Sau mười năm nhìn lại, tôi biết mình đã sai lầm. Tôi đã để quá nhiều những tác động bên ngoài làm át đi trực giác nhạy bén của một bà mẹ, đã cố gắng đuổi theo các tiêu chuẩn được cho là khoa học mà quên lắng nghe tiếng nói từ cơ thể của con.

Sau mười năm, tôi mới nhận ra rằng, làm mẹ chính là một quá trình học cách để hiểu được và giải mã được thứ ngôn ngữ không lời từ cơ thể của con. Mọi ứng xử, mọi sự giáo dục của người lớn chỉ có thể trở nên tích cực nếu chúng ta thực sự hiểu biết một cách sâu sắc cơ thể của bé.

Đứa trẻ không chỉ nói bằng ngôn ngữ, mà chúng đang giao tiếp với ta hàng ngày bằng cơ thể của chúng. Và những thứ mà lời nói không thể diễn tả, do năng lực ngôn ngữ hạn chế của trẻ thì cơ thể có thể biểu đạt. Những thứ mà trẻ muốn che giấu cũng có thể bị tiết lộ trên cơ thể. Những gì đã diễn ra trong quá khứ, hoặc có thể diễn ra ở tương lai, đều để lại những dấu hiệu nào đó trên cơ thể. Cơ thể của trẻ có thể kể với chúng ta về cái thế giới bí mật của tiềm thức, những thứ mà ngay chính trẻ cũng không thể nhận ra và không thể biểu đạt.

Ảnh: người đưa tin.

Khi trẻ chưa biết nói thì cách giao tiếp duy nhất của chúng là bằng cơ thể và bạn phải học cách phiên dịch được thứ ngôn ngữ đó. Khi đứa trẻ không ngừng nấc, bạn nên biết rằng chúng đã tè dầm và đang bị lạnh. Khi miệng của chúng chao đi chao lại như tìm kiếm, bạn nên biết rằng chúng đang đói. Khi chúng cáu kỉnh vật vã khóc lóc, rất có thể là chúng đang buồn ngủ. Việc hiểu lầm tiếng nói từ cơ thể của trẻ có thể khiến cho mối quan hệ giữa mẹ và bé trở nên căng thẳng, vì tất cả những việc mà trẻ đang làm là cố gắng phát đi một thông điệp để biểu đạt nhu cầu, cảm xúc, nhưng người mẹ lại không hiểu. Nhu cầu chưa được thỏa mãn, trẻ sẽ tiếp tục lặp lại thông điệp nhưng ở mức gay gắt hơn, quyết liệt hơn, đôi khi khiến cho người mẹ trở nên rối trí, stress, cảm thấy tuyệt vọng vì mình đã cố mọi cách mà trẻ vẫn la hét, khó chịu, vật vã.

Khi trẻ đi học về, nếu quan sát thật kĩ sắc mặt, dáng vẻ, điệu bộ, cử chỉ của con, bạn có thể dễ dàng suy đoán ra điều gì đã diễn ra ở trường trong suốt một ngày. Khi đứa trẻ tươi tỉnh, rạng rỡ, hồng hào chạy ùa ra ôm lấy bạn, ríu rít nói không dứt, bạn có thể an tâm rằng chúng đang khỏe mạnh, hạnh phúc và tự tin. Khi da chúng tái xanh, mặt mày hốc hác, mắt cụp xuống, môi nhợt nhạt, lùi lũi ngồi một góc, bạn có thể đoán ra chúng đã ăn ít, ngủ không đủ giấc, có chuyện gì buồn hoặc đang mệt mỏi.

Ảnh: tinh hoa.

Nếu bạn hỏi về chuyện học hành mà mắt chúng không nhìn thẳng vào bạn, lảng đi nơi khác thì rất có thể là có một chuyện gì khó nói mà chúng đang không muốn tiết lộ. Khi vai chúng chùng xuống, co lại, dáng đi co ro, trầm lặng trong suốt một thời gian dài, có thể chúng đang cảm thấy thiếu tự tin. Hàng ngày, chúng đang cố gắng trò chuyện với bạn bằng cơ thể, và nếu bạn không đủ nhạy cảm để lắng nghe, thì sự chia cắt giữa bạn và con ngày càng lớn.

Vậy làm thế nào để có thể lắng nghe tiếng nói từ cơ thể của trẻ?

1. Dành thời gian:

Nhiều bố mẹ sẵn sàng đầu tư rất nhiều tiền bạc để cho con được học trường tốt, lớp tốt, mua đồ tốt, cho con những gì mà họ cho là tốt nhất, nhưng lại không dành đủ thời gian cho con. Nhiều bố mẹ dành rất nhiều thời gian cho con, nhưng lại sử dụng phần lớn thời gian đó để dạy dỗ, kèm cặp, giáo huấn. Tuy nhiên, tôi cho rằng, để có thể thực sự hiểu con, bố mẹ cần dành phần lớn thời gian của mình để lắng nghe, thậm chí phải đưa lắng nghe vào thời gian biểu của mình.

Buổi sáng, sau khi ngủ dậy là thời điểm tốt nhất để đưa ra những dự đoán về tâm trạng, sức khỏe của trẻ trong một ngày. Rất nhiều bệnh tật bắt đầu nảy sinh trong khi trẻ ngủ, và trạng thái của trẻ khi thức dậy có thể báo hiệu cho bạn biết cơ thể chúng đang thực sự ra sao. Các dấu hiệu mệt mỏi, môi đỏ mọng, thân nhiệt tăng cao, hắt xì hơi liên tục, ho, mè nheo, cáu kỉnh… có thể cho thấy cơ thể của trẻ đang trục trặc. Giấc mơ của trẻ có thể cho bạn biết điều gì đang diễn ra trong tiềm thức của chúng, những nỗi sợ hãi, bất an, căng thẳng, âu lo đã bị kìm nén mà trẻ không thể diễn tả thành lời

2. Theo dõi nhịp điệu sinh học của trẻ

Paul Nurse, nhà khoa học đoạt giải Nobel về tế bào năm 2001 nói: mỗi người trên trái đất đều là nô lệ của mặt trời, bởi trong cơ thể chúng ta có một chiếc đồng hồ sinh học. Việc theo dõi để có thể hiểu được nhịp điệu sinh học của trẻ là cực kì quan trọng. Bạn hãy quan sát con hàng ngày, thậm chí có thể ghi chép lại sự thay đổi của cơ thể con trong một thời gian dài để xác định được thời điểm mà con khỏe mạnh hay yếu đuối nhất trong ngày, thời điểm mà con muốn ăn, muốn ngủ, hay cáu gắt, thời điểm mà con thông minh nhanh nhẹn nhất. Nếu lặp đi lặp lại việc quan sát và ghi chép này trong vòng nhiều tháng, bạn có thể nhận ra chu kì sinh học của trẻ, những thời điểm mà sức khỏe, tinh thần, trí tuệ của trẻ tốt nhất cũng như những thời điểm mà các chỉ số này rơi xuống đáy.

Ảnh: doanh nhân plus.

Việc lắng nghe thật cẩn trọng để hiểu được nhịp điệu và chu kì tự nhiên bên trong cơ thể của trẻ có thể tránh cho bạn những hiểu lầm về trẻ, ví như khi con tỏ ra chậm chạp, đó không hẳn là do bản tính lười biếng mà là do thời điểm đó cơ thể của trẻ đang mệt mỏi và cần được nghỉ ngơi. Sự hiểu biết này khiến cho bạn trở nên bao dung hơn, dễ thông cảm hơn, đồng thời có thể điều chỉnh nhịp sinh hoạt trong gia đình cho phù hợp với cơ thể của trẻ.

3. Dạy con cách biểu đạt những cảm giác của cơ thể

Khi con biết nói, hãy dạy con những từ ngữ biểu đạt cảm giác như đau, mệt, khó chịu, buồn, buồn ngủ, đói… Để làm được điều này, hãy thường xuyên chia sẻ với con về những cảm giác của bạn : hôm nay mẹ mệt quá, nếu cứ ngồi như thế này thì mẹ sẽ cảm thấy đau lưng, đầu mẹ đang rất nóng, hình như mẹ đang bị sốt, mẹ cảm thấy đau rát ở cổ…

Sự chia sẻ đó không những làm gia tăng sự gắn bó, thúc đẩy sự đồng cảm của trẻ, mà còn giúp cho trẻ làm quen và biết cách sử dụng ngôn ngữ để biểu đạt những cảm giác của cơ thể.

4. Tự học hỏi

Việc tự trang bị cho mình những kiến thức về cấu tạo sinh lý của cơ thể, về y học thường thức, về tâm lí học lứa tuổi cực kì quan trọng để bạn có thể nắm được những qui luật chung nhất của cơ thể. Dựa trên những nền tảng tri thức này, bạn có thể đưa ra những phán đoán chính xác về những vấn đề trục trặc trong cơ thể mà trẻ đang phải đối mặt, phân biệt những cảnh báo nguy cấp và những dấu hiệu thông thường. Muốn làm một người mẹ bao dung, trước hết bạn cần phải trở thành một người mẹ hiểu biết.

5. Lắng nghe trẻ bằng tất cả các giác quan

Lắng nghe ở đây không chỉ hàm nghĩa là sự lắng nghe bằng tai, mà bạn cần cảm nhận cơ thể của trẻ bằng tất cả các giác quan. Ngoài việc trò chuyện và hỏi han trẻ hàng ngày, bạn cần tập trung quan sát bằng mắt những biểu hiện trên gương mặt, đặc biệt là trong ánh mắt của trẻ, cần ôm trẻ vào lòng để cảm nhận về thân nhiệt, thậm chí để cảm nhận hơi thở của trẻ.

Ảnh: phụ nữ today.

Một đứa trẻ khỏe mạnh bao giờ cũng có hơi thở thơm tho, cơ thể ấm áp, ánh mắt lanh lợi, cử động nhanh nhẹn. Bất cứ một dấu hiệu bất thường nào đó trên cơ thể cũng sẽ mách cho bạn những trục trặc về sức khỏe hoặc những vấn đề nào đó về tâm lí của trẻ.

6. Không xét đoán

Trên hết, khi lắng nghe, bạn cần phải gạt bỏ hết những xét đoán, định kiến. Nếu lúc im lặng lắng nghe, vẫn có một tiếng nói vang lên trong đầu bạn : Sao thằng con em nó còi thế, mãi chẳng lớn gì cả ; con chị có dấu hiệu tăng động ; sao bé nhà em nhát thế…, thì bạn sẽ nghe con với một tâm thế phán xét, và bạn sẽ chỉ thu được những thông tin nhằm khẳng định cho một định kiến có sẵn của bạn mà thôi.

Vì vậy, khi ở bên cạnh con, hãy gạt bỏ tất ca những tiếng ồn ào của kẻ khác, hãy tin vào trực giác bén nhạy của một người mẹ, hãy tin vào cảm giác chân thực bên trong bạn. Là một người mẹ, bạn đã được tự nhiên trao cho một sợi dây vô hình nhưng vô cùng mật thiết nối với cơ thể con mình, chỉ có bạn mới là người cảm nhận được sợi dây đó, và vì thế chỉ bạn mới là người hiểu con mình nhất. Hãy cố gắng lắng nghe để mỗi ngày, ngay cả khi con đã trưởng thành, sợi dây gắn kết giữa cơ thể với cơ thể đó vẫn bền chặt, ấm áp.

Ảnh: Dân trí.

Mỗi đứa trẻ đều khác biệt. Không có một công thức chung nào cho sự nuôi dưỡng và dạy dỗ. Bài học thành công của bà mẹ này chưa hẳn đã là kinh nghiệm hữu ích cho những người mẹ khác. Bởi vậy, muốn tìm ra được cách giáo dục con đúng đắn nhất, bạn phải thực sự hiểu con. Sự hiểu biết đó trước hết cần bắt đầu từ sự hiểu biết cơ thể tự nhiên của con, vì suy cho cùng, toàn bộ năng lực, cảm xúc, trí tuệ… của con đều khởi sinh từ đó. Để có thể hiểu biết, bạn cần phải trở thành một người mẹ biết lắng nghe.

Khi thực sự lắng nghe, bạn sẽ cảm nhận được điều kì diệu của việc làm mẹ. Bạn sẽ phát hiện ra có một sợi dây kết nối vô hình nhưng thật bền chặt giữa bạn và con, nằm trong thâm sâu nơi cơ thể. Bạn sẽ thôi không còn hoang mang và mắc kẹt trong vô vàn các phương pháp giáo dục, những lời phán xét của người khác, để bình tĩnh nuôi dạy con theo cách của mình. Bạn sẽ thấy tin vào bản thân và tin vào con mình. Quan trọng hơn, bạn sẽ cảm nhận được niềm hạnh phúc trọn vẹn trong từng khoảnh khắc bạn còn được ở bên con, còn được cảm nhận hơi thở này, làn da này, ánh mắt này, giọng nói này. Bạn sẽ thấy mình bao dung hơn, dịu dàng hơn bởi vì bạn là một người mẹ.

Bài viết đã được ĐKN biên tập. Độc giả có thể đọc bài gốc tại đây.

Video xem thêm: 20 năm đi dạy, giờ tôi mới nhận ra môn học quan trọng nhất cuộc đời (mới)

videoinfo__video3.dkn.tv||9e309e4c9__