Khi quở trách con, họ nghiêm khắc nói rõ lý do vì sao con không được làm như vậy. Trong trường hợp nhiều trẻ em cùng gây ra chuyện rắc rối, họ chỉ quở trách con mình, và xin lỗi người xung quanh rằng vì con mình mà mọi chuyện thành ra như vậy. Chính phương pháp này lại khiến bạn cùng chơi với con thấy biết lỗi.

Nghiêm khắc dạy con cả ở nơi công cộng

Một ngày nọ, tôi đi siêu thị thì thấy có một bà mẹ cùng cô con gái nhỏ trông có vẻ như cô bé đang học lớp 1 đang mua sắm. Cô bé muốn ăn trái cây hay sao mà tay cứ cầm trái táo, trái cam lên rồi lại đặt xuống. Người mẹ nãy giờ vẫn dịu dàng, vậy mà lúc ấy vụt thay đổi nét mặt và nói: “Vui lòng đừng sờ vào hàng hóa như vậy. Sờ vào thì phải mua đấy”. Cô bé lập tức buông tay khỏi đám trái cây và bước lùi ra.

Chứng kiến cảnh đó mà tôi cũng phải nhìn lại mình. Tôi nghĩ con mình vẫn còn nhỏ nên ở nơi công cộng, dù có tùy ý làm gì cũng không trách mắng hay thuyết phục một cách cương quyết được. Để thoát khỏi tình trạng đó, tôi sẽ chỉ khiến con đổi hướng chú ý sang chỗ khác, hoặc nếu con la hét thì tôi cũng chỉ nghiêm mặt nhìn con mà thôi.

Tôi cũng biết mình đúng là một bà mẹ nhu nhược, nhưng chuyện này cũng có lý do của nó. Sống ở nước ngoài, quở trách con bằng tiếng Hàn ở chốn đông người đúng là một việc rất ngại. Là vì tôi không muốn gây chuyện ầm ĩ không đâu làm giảm sút hình ảnh về người Hàn Quốc chăng? Mà không có lẽ chỉ đơn giản là vì tôi không muốn người khác chú ý tới mình chăng? Dù thế nào đi nữa thì những lúc như vậy, tôi cũng rối hết cả ruột gan mà lôi ngay đứa con đang hờn dỗi ra khỏi chỗ đó.

Nghiêm khắc dạy con cả ở nơi công cộng
Những người mẹ Nhật rất nghiêm khắc. (Ảnh: gettyimages.com)

Khi quở trách con, các bà mẹ Nhật nghiêm khắc nói rõ lý do vì sao con không được làm như vậy

Không riêng gì bà mẹ Nhật trong siêu thị mà khi quan sát các bà mẹ Nhật khác, tôi đều thấy họ không ngừng lên tiếng giải thích mọi chuyện cho con. Khi quở trách con, họ nghiêm khắc nói rõ lý do vì sao con không được làm như vậy. Trong trường hợp nhiều trẻ em cùng gây ra chuyện rắc rối, họ chỉ quở trách con mình, và xin lỗi người xung quanh rằng vì con mình mà mọi chuyện thành ra như vậy. Chính phương pháp này lại khiến bạn cùng chơi với con thấy biết lỗi.

Một ngày nọ, sau cơn mưa, có 3 bé đang chơi ở vũng nước, mẹ của một trong 3 bé nói: “Con ra khỏi đó mau. Con là chị lớn mà còn nhảy vào chơi nên các em nhỏ hơn cũng bắt chước theo kia kìa. Ngày mai trời sẽ lại mưa tiếp, không được để nước vào trong ủng đúng không nào?” Lập tức không chỉ đứa bé đó ra khỏi vũng nước, mà cả hai đứa trẻ đang chơi cùng cũng ra theo. Nếu là tôi thì tôi sẽ chỉ ngay lập tức kéo mỗi con mình ra khỏi đó, nhưng bà mẹ đó lại biết cách đưa ra lý do vì sao con không được chơi ở vũng nước, và thuyết phục một cách hợp tình hợp lý để hai đứa trẻ chơi cùng cũng tự giác nghe theo. Nhìn cảnh đó, tôi lại thêm một lần ngưỡng mộ. Cảnh tượng này có thể thấy hằng ngày ở Nhật.

Cho đến tận bây giờ, tôi chỉ một hai lần thấy bà mẹ Nhật bộc phát một cách cảm tính mà nổi cáu với con, còn phần lớn các bà mẹ đều thuyết phục một cách rất cứng rắn nhưng cũng thật rõ ràng, khiến cho con chỉ còn cách buộc phải nghe lời. Trước phản ứng này của người mẹ, đứa trẻ lập tức nói “Con xin lỗi”, “Con biết lỗi rồi”. Bởi trẻ em ở đây đã được dạy dỗ để nói những lời lịch sự gần như là một phản xạ tự nhiên.

Chuyện trẻ em Nhật Bản rất biết nghe lời mẹ và không giận dỗi mè nheo là bắt nguồn từ cách dạy con của các bà mẹ Nhật

Theo tôi thấy, chuyện trẻ em Nhật Bản rất biết nghe lời mẹ và không giận dỗi mè nheo là bắt nguồn từ cách dạy con của các bà mẹ Nhật. Các bà mẹ Nhật luôn không ngừng giải thích cho con hiểu và thuyết phục con. “Ra ngoài ồn ào là làm phiền người khác, vì vậy con không được lớn tiếng”, “Có người đến trước rồi, vậy nên mình phải giữ đúng thứ tự đợi đến lượt”, “Gặp các bạn con thích lắm phải không nào? Vậy phải chào bạn thật to lên chứ”… Mới đầu nhìn họ giải thích cho những em bé còn chưa biết nói như vậy, tôi thấy thật là lạ lùng. Vậy nhưng thời gian trôi qua, một tuổi, hai tuổi, ba tuổi, càng lặp lại như vậy thì càng có hiệu quả, và em bé sẽ lớn lên thành một đứa trẻ rất lễ phép.

Một ngày nọ, ở nhà trẻ, tôi được chứng kiến cảnh tượng một bé trai nhường đồ chơi cho bạn. Thế nhưng điều thú vị ở đây là, lúc ấy có một bé gái ở bên cạnh nhìn thấy việc đó. Bé gái đó cất giọng gay gắt nhắc nhở bé trai được nhường đồ chơi: “Cậu nói cảm ơn chưa đấy? Bạn nhường cho thì phải nói cảm ơn chứ”. Có lẽ ở nhà bé gái đó đã bao lần nghe mẹ nói như vậy. Nhìn bé gái mới hai tuổi đầu mà đã bắt chước y như giọng mẹ, bắt bạn phải nói “cảm ơn”, tôi cũng phải phì cười, nhưng cũng không khỏi trầm trồ trước hiệu quả trong việc dạy con của các bà mẹ Nhật.

Chuyện trẻ em Nhật Bản rất biết nghe lời mẹ và không giận dỗi mè nheo là bắt nguồn từ cách dạy con của các bà mẹ Nhật
Sự dứt khoát và thuyết phục của những bà mẹ Nhật giúp trẻ không giận dỗi và mè nheo. (Ảnh: youtube.com)

Người Nhật muốn trở thành bậc cha mẹ như thế nào?

Trung tâm nghiên cứu văn hóa của đài NHK của Nhật đã tiến hành điều tra về ý thức của các bậc cha mẹ Nhật về việc nuôi dạy con. Theo đó, đối với câu hỏi “Bạn muốn trở thành bậc cha mẹ như thế nào?” thì câu trả lời phần lớn là “Một người cha người mẹ nghiêm khắc không chiều theo các đòi hỏi của con”. Bên cạnh đó, đối với câu hỏi “Bạn bận tâm nhất trong việc dạy con ở nhà là gì?” thì có tới hơn 70% câu trả lời là “Việc nghiêm khắc quở trách để con không làm việc xấu”. Tất nhiên, theo dòng chảy của thời đại, hiện nay đang có xu thế dần dần gia tăng tỷ lệ các bậc cha mẹ muốn tôn trọng tự do của con trong phạm vi có thể. Nhưng các bậc cha mẹ Nhật vẫn coi vai trò chủ yếu của cha mẹ là giúp con khôn lớn nên người, nuôi dạy để con lớn lên không gây tổn hại gì cho người khác trong xã hội.

Ngoài ra, có một công ty đã tiến hành thăm dò đối với 400 cha mẹ có con từ 3 đến 6 tuổi thì kết quả điều tra cho thấy có từ 50% đến 80% cha mẹ trả lời rằng trong gia đình, người chịu trách nhiệm việc dạy con là mẹ. So với các ông bố, các bà mẹ thường không cho rằng “mình đang nuôi dạy con rất tốt”, và đặc biệt càng những bà mẹ đi làm thì tỷ lệ có suy nghĩ như vậy càng cao.

Mặt khác, những điều phải nhắc nhở con mà các bậc cha mẹ Nhật bận tâm nhất được liệt kê theo thứ tự như: “Làm trẻ khác bị đau”. “Chen ngang ở sân chơi hay nơi công cộng”. “Làm ồn khi ở trên các phương tiện giao thông công cộng như tàu điện”. Điều đáng chú ý là, các bậc cha mẹ Nhật trả lời rằng họ đặc biệt để tâm một cách cực kỳ nghiêm khắc về những vấn đề này.

Tất cả các câu trả lời liên quan đến việc dạy con đều cho biết rằng, mẹ để ý mọi chuyện nghiêm khắc hơn so với bố. Đặc biệt là các bà mẹ đi làm còn rất nghiêm khắc về việc giữ phép lịch sự trong siêu thị hay trên các phương tiện giao thông công cộng như tàu điện, còn các bà mẹ Nhật ở nhà nội trợ và chăm con thì lại nghiêm khắc yêu cầu con về việc chào hỏi và lễ phép.

Người Nhật muốn trở thành bậc cha mẹ như thế nào?
Cách các ông bố bà mẹ Nhật dạy con rất giống với phương thức dạy con của ông cha ta xưa. (Ảnh: haikudeck.com)

Ngoài ra, tại Nhật Bản còn phổ biến rộng rãi nhận thức không ủng hộ các hình phạt về thân thể. Tuy nhiên cũng có một số bậc cha mẹ khác cũng vẫn cho rằng để dạy con thì “cũng có lúc phải dùng đến roi”.

Có nhiều tài liệu hướng dẫn nuôi dạy con tại Nhật nói rằng, người mẹ thì dạy dỗ con hằng ngày, còn người cha thì thỉnh thoảng mới trách mắng con và phải đứng về phía mẹ. Do vậy nên dường như ấn tượng của các em bé Nhật Bản về mẹ thường là “hay cằn nhằn”, còn về bố thì “nghiêm khắc”. Thế nhưng, Nhật Bản nổi tiếng cả thế giới là một đất nước nề nếp trật tự, yên tĩnh và an toàn, có lẽ vai trò lớn nhất thuộc về những bà mẹ hay cằn nhằn đã không ngừng dạy dỗ con từ ngày con mới chào đời.

Những chia sẻ dưới góc nhìn của An Minjung, một người được sinh ra và lớn lên tại Hàn Quốc nhưng lại sinh sống và nuôi con tại đất nước Nhật Bản bất giác làm tôi muốn suy xét lại cách dạy con của mình. Dưới góc nhìn của cô những người mẹ Nhật thật nghiêm khắc, còn những đứa trẻ thì hoạt bát khi ra ngoài trời, ngoan ngoãn, lễ phép khi ở trong nhà. Đó chẳng phải cũng là điều mà những bậc cha mẹ đang nuôi dạy con như chúng ta luôn mong muốn hay sao?

Hồng Ân