Người xưa có câu “Tam tuế khán đại, thất tuế khán lão”, ý rằng nhìn trẻ lúc lên 3 có thể biết tâm tính nó khi trưởng thành, nhìn trẻ lúc lên 7 sẽ biết cả đời của nó. Nói như vậy có chút hơi quá, nhưng không phải không có đạo lý.

Hiện nay, những đứa trẻ hư hỏng ngang ngược ngày càng nhiều vô kể, các hành vi bất hiếu với cha mẹ, ngược đãi người già… đều diễn ra thường xuyên. Kỳ thực, đa phần nguyên nhân dẫn đến tình trạng này là do khi còn nhỏ, trẻ có những biểu hiện, hành vi không đúng nhưng cha mẹ lại không kịp thời phát hiện để mà uốn nắn và giáo dục, dẫn đến trẻ lớn lên sẽ không hiếu thuận với ông bà, cha mẹ.

Khi trẻ còn nhỏ, nếu phát hiện trẻ có một trong những hành vi dưới đây, thì cha mẹ nhất định phải quan tâm để ý, kịp thời giáo dục. Nếu không, khi trẻ đã trưởng thành, trở thành ngỗ nghịch thì đã quá muộn rồi.

1. Ích kỷ, không chia sẻ với người khác

Có nhiều bậc cha mẹ vẫn nói rằng nên giáo dục trẻ có lòng hào phóng, biết chia sẻ với người khác, giúp đỡ người khác thì trẻ sẽ cảm thấy hạnh phúc vui vẻ. Tuy nhiên trên thực tế lại không làm được như vậy.

Ngày nay xu thế mỗi cặp vợ chồng chỉ sinh một con rất nhiều, vậy nên cha mẹ rất chiều chuộng con, con trẻ trở thành vị thế độc tôn, trở nên ích kỷ, ngang ngược, không biết chia sẻ với người khác. Có thức ăn ngon, đồ chơi đẹp chỉ biết để bản thân mình hưởng dụng, không hề nghĩ đến chia sẻ với người khác; hoặc nếu cảm thấy không vừa lòng, liền tức giận ngang ngược…

Một đứa trẻ ích kỷ, ngang ngược như vậy, bạn còn có thể hy vọng tương lai nó sẽ làm một người hiếu thuận với bạn được sao?

Cha mẹ rất chiều chuộng, con trẻ trở thành vị thế độc tôn, trở nên ích kỷ. (Ảnh: ivari.ca)

2. Không biết cảm ơn

Khi trẻ còn nhỏ, cha mẹ luôn yêu chiều trẻ, việc gì cũng làm thay cho con, trẻ cứ việc sống trong những ngày tháng với cuộc sống được cha mẹ “cơm đưa tận miệng, áo đưa tận tay”. Đến khi trẻ trưởng thành, cha mẹ già đi, là lúc cần dựa vào con cái, thì mới phát hiện ra, con cái đã trưởng thành rồi mà vẫn cứ đòi hỏi cha mẹ hầu hạ, vẫn cứ thoải mái hưởng thụ sự phục vụ của cha mẹ, một chút cũng không biết cần phải chăm sóc, hiếu thuận với cha mẹ, một chút cũng không tỏ lòng cảm ơn đối với cha mẹ.

Hoặc có trường hợp khi trẻ trưởng thành, cha mẹ đã già yếu, cũng không hề quan tâm chăm sóc cha mẹ, chỉ biết lo cho cuộc sống của chính mình. Những đứa con như vậy thực là những kẻ vô lương tâm, không có một chút gì là lòng biết ơn đối với cha mẹ đã chăm sóc, nuôi nấng mình trưởng thành. Đây là những đứa con mà khi còn nhỏ, đã coi sự phục vụ của cha mẹ là điều đương nhiên, một từ ‘cảm ơn’ cũng ko biết nói.

Đến lúc về già, gặp phải tình huống con cái như vậy, chẳng phải bạn sẽ hối hận lắm sao!

3. Không có gan gánh vác, không chịu trách nhiệm

Khổng Tử từng nói: “Nhân phi thánh hiền, thục năng vô quá”. Ý rằng con người đâu phải bậc Thánh hiền, ai mà không có lầm lỗi. Chúng ta, có ai mà không phạm phải lỗi lầm, vấn đề quan trọng là cần biết đó là sai trái để sửa chữa. Nhưng có một số trẻ sau khi phạm lỗi, nhất định không chịu thừa nhận lỗi của mình, cũng không chịu sửa chữa thay đổi và cũng không muốn nghe người khác nói về nó; hoặc có những bậc cha mẹ quá mức bảo hộ con mình, không chịu dạy dỗ con trẻ.

Các bậc cha mẹ nên giúp con hiểu, thừa nhận lỗi và sửa sai. (Ảnh: missmum.at)

Như vậy, qua thời gian dài, trẻ nhỏ sẽ dưỡng thành thói quen vô tâm, không có trách nhiệm. Ngay cả một chút lỗi lầm nhỏ cũng không dám thừa nhận, hơn nữa cũng không nghĩ tới cảm giác của người khác – Một đứa trẻ vô trách nhiệm như vậy, liệu cha mẹ còn có thể trông cậy khi về già sao? Đứa trẻ như vậy sẽ hiếu thuận với cha mẹ được sao?

Ba loại hành vi trên sẽ có dần dần hình thành và ngấm ngầm trong tính cách của trẻ theo năm tháng. Đến khi trưởng thành, chúng sẽ là nhân tố độc hại gặm nhấm đạo đức nhân cách và lòng hiếu thảo của con trẻ. Vậy nên, ngay từ khi còn nhỏ, cha mẹ phải có cách giáo dục đúng đắn và kịp thời phát hiện những hành vi không đúng đắn của con. Mong rằng mỗi đứa trẻ của chúng ta lớn lên đều có thể trở thành một người có phẩm chất tốt, trách nhiệm cao.

Theo tw.aboluowang.com
Minh Phúc biên dịch