Ám thị là sử dụng ngôn ngữ, hành vi hàm súc, ý nhị, không đi thẳng vào vấn đề để người khác lĩnh hội được ý của mình. Đối với trẻ, giáo dục bằng cách ám thị có thể kích thích hoạt động tâm lý vô thức của chúng, tạo ra không khí tiếp nhận giáo dục một cách vui vẻ. Điều này có hiệu quả tốt hơn nhiều so với việc dùng mệnh lệnh cưỡng chế.

Ám thị còn là một loại trí tuệ, là một kiểu giáo dục “không lời”. Nếu cha mẹ động chút là lại lôi trẻ ra nhắc nhở: “Con phải lễ phép, phải thật thà, phải biết giúp đỡ mọi người…” thì trẻ sẽ cảm thấy phiền toái.

Mẹ Hoàng Anh rất coi trọng việc giáo dục con cái. Một lần Hoàng Anh nghịch bẩn mà không rửa tay, mẹ không lập tức phê bình mà dùng phương pháp ám thị bằng cách kể một câu chuyện để giúp con thực sự nhận thức và sửa đổi ngay hành vi không giữ vệ sinh của mình.

Mẹ kể cho Hoàng Anh nghe câu chuyện về chú chó nhỏ Lili tìm bạn: Chú chó nhỏ Lili muốn làm bạn với mèo con Mimi. Chú đưa đôi tay về phía mèo con Mimi. Khi nhìn thấy đôi bàn tay vấy bẩn của chú chó Lili, mèo con liền nhăn mặt bỏ đi. Sau đó, chú chó lại muốn làm bạn với chú thỏ Titi, nhưng thỏ con nhìn thấy đôi bàn tay bám bẩn của chó Lili, thỏ cũng nhăn mặt và bỏ đi. Chú chó nhỏ rất buồn vì không ai chịu làm bạn với mình nhưng chú hiểu ra vì đôi tay bẩn nên không ai muốn làm bạn với mình. Chú liền về nhà rửa tay sạch sẽ. Sau đó, các bạn nhìn thấy đôi tay sạch sẽ của Lili, bạn thỏ liền đưa đôi tay trắng như tuyết của mình về phía Lili. Từ đó, Lili biết mình cần giữ vệ sinh sạch sẽ và cậu có rất nhiều bạn bè.

Sau khi nghe mẹ kể xong câu chuyện, Hoàng Anh liền giơ đôi tay bẩn của mình lên và nói: “Mẹ, con không muốn giống bạn Lili”. Sau đó, Hoàng Anh tự đứng lên và đi rửa tay thật sạch sẽ. Qua câu chuyện này, chúng ta thấy quá trình giáo dục diễn ra rất vui vẻ, vì trẻ tự nguyện chứ không phải vì mẹ trách mắng hay cưỡng ép mới đi rửa tay.

Trẻ em vốn không muốn bị chê trách, và luôn luôn ám thị sự tiến bộ vì thế kể một câu chuyện để trẻ nhận ra những chi tiết sai của nhân vật từ đó liên hệ bản thân. (Ảnh: Shuterstock)

Một chuyên gia về giáo dục từng nói: “Bất kể một phương pháp giáo dục nào, trẻ càng không cảm nhận được ý đồ của người dạy thì hiệu quả giáo dục đạt được càng cao”. Cho nên, khi cha mẹ dạy dỗ trẻ không nên dùng những từ khiến trẻ không vui như: yêu cầu, ra lệnh, buộc phải… mà nên thông qua những hình thức như kích thích, ám thị, thương lượng để tiến hành giáo dục.

Phương thức giáo dục bằng ám thị có rất nhiều, có thể dùng hành động, lời nói, những tấm gương từ thực tế hoặc theo hoàn cảnh… Trẻ rất nhạy cảm nên dễ dàng tiếp nhận được tín hiệu ngầm mà cha mẹ muốn nhắn nhủ. Nhưng để làm được điều này, cha mẹ phải hiểu được đặc điểm tính cách và tâm lý của con mình. Đồng thời, căn cứ vào tình hình cụ thể để lựa chọn phương pháp ám thị hợp lý. Có một số loại ám thị như sau:

Ám thị bằng lời nói

Tức là khi cần biểu dương hay phê bình thì dùng phương pháp đi đường vòng. Bằng cách kể một câu chuyện rồi khéo léo đưa ra quan điểm của mình, giúp trẻ lĩnh hội và tiếp nhận sự giáo dục trong không khí thoải mái, nhẹ nhàng.

Kể một câu chuyện để trẻ có thệ liên hệ với bản thân. (Ảnh: NewBranch)

Ám thị bằng hành động

Dùng thái độ biểu cảm hoặc ngôn ngữ cơ thể để biểu lộ suy nghĩ của mình, từ đó đạt được mục đích giáo dục trẻ.

Đã hơn 9h tối, Minh vẫn ngồi xem tivi. Mẹ không nhắc Minh đi ngủ mà chuẩn bị chăn và gối cho Minh. Hành động của mẹ nhắc nhở Minh rằng đã đến giờ đi ngủ. Qủa nhiên, Minh nhìn thấy lập tức tắt tivi và đứng dậy đi ngủ.

Hay một số trẻ có tật xấu thường xuyên đòi mua đồ. Hễ đến chợ hoặc siêu thị liền mè nheo mẹ mua thứ này thứ khác, thậm chí còn nằm lăn ra đất để thị uy, ăn vạ. Nếu mẹ không nói gì, chỉ chăm chú nhìn trẻ, trẻ sẽ tự khắc nhận thấy hành động của mình là không đúng, từ đó mất hứng và không đòi nữa.

Ám thị bằng những tấm gương

Tấm gương có thể là những nhân vật mà trẻ vô cùng yêu thích.

Con trai của chị An rất thích mẹ đọc cho nghe truyện cổ tích Andersen, đặc biệt là truyện “Chú lính chì dũng cảm”. Mỗi tối trước khi đi ngủ, cậu bé đều nhắc mẹ đọc truyện. Qua câu chuyện này, mẹ bé An đã khéo léo bồi dưỡng cho con lòng dũng cảm thông qua nhân vật chú lính chì. Bé An rất sợ tiêm. Mỗi lần đi tiêm là An khóc lóc, gào thét, vung tay khiến cha mẹ và bác sỹ rất khó khăn để bé bình tĩnh lại. Mẹ liền nói với con: Chú lính chì đừng nói là tiêm, ngay cả khi bị mất một chân, phải đối mặt với ác quỷ mà chú cũng không khóc bao giờ. Cậu bé quả nhiên đã chịu ngồi yên, cắn răng rồi kéo tay áo lên: Con không sợ, con muốn dũng cảm giống như chú lính chì.

Ám thị trong truyện cổ tích, chú lính chì dũng cảm, một câu chuyện mà chắc chắn sẽ đi vào lòng trẻ. (Ảnh: képernyőkép)

Ám thị, giáo dục theo bối cảnh

Khi trẻ không chịu ngủ, cha mẹ có thể chỉ vào chú mèo nhỏ đang ngủ rất ngon, tỏ ý nhắc rằng trẻ nên đi ngủ. Cha mẹ cũng có thể nằm cạnh trẻ và giả vờ ngủ, trong hoàn cảnh “mọi người đều đã ngủ” trẻ cũng sẽ nhanh chóng đi vào giấc ngủ.

Những lưu ý khi dùng phương pháp ám thị

Điều cha mẹ cần lưu ý là, mọi ám thị trong cuộc sống đều có thể ảnh hưởng đến trẻ. Cha mẹ không nên chủ quan cho rằng, chỉ có những ám thị có ý nghĩa mới mang lại tác dụng. Trên thực tế, đối với trẻ, bất kỳ thông tin bên ngoài nào trẻ tiếp nhận cũng có thể có ý nghĩa nhưng có thể là vô nghĩa.

Ám thị có tác dụng tích cực nhưng cũng có thể phát sinh tác dụng tiêu cực. Ám thị tích cực có thể thúc đẩy tâm trạng trẻ phát triển theo hướng tích cực, còn ám thị tiêu cực lại làm tăng cảm giác đau khổ cho trẻ, thậm chí còn khiến trẻ đi sai đường. Nhất là khi cha mẹ tức giận mà mắng trẻ những câu như “đồ ngu ngốc, đồ dốt nát”. Trẻ có thể nhận được ám thị là mình thật sự ngu ngốc. Kết quả là khi gặp khó khăn, trẻ không chịu suy nghĩ, không đi tìm hiểu, dần dần dốt thật sự.

Trong cuộc sống, cha mẹ cần lưu tâm tác động của các ám thị như thế nào. Khi trẻ đang chơi, không cẩn thận mà bị ngã, trẻ không cảm thấy quá đau, cũng không nhất thiết phải khóc. Lúc này nếu cha mẹ giả bộ như không nhìn thấy, trẻ sẽ có thể tự mình đứng dậy và tiếp tục chơi như không có chuyện gì xảy ra. Đó chính là vì cha mẹ có ám thị tích cực với trẻ: cái đau này không đáng gì, phải dũng cảm đứng dậy. Còn nếu lúc đó cha mẹ hoảng hốt chạy đến ôm ấp, vỗ về thì trẻ sẽ lập tức khóc òa lên. Vì cha mẹ căng thẳng như vậy, nhất định là sự việc rất nghiêm trọng, từ đó tăng thêm cảm giác đau ở trẻ.

Khi trẻ từ trường mẫu giáo về, rất nhiều cha mẹ luôn thích hỏi trẻ: “Ở trường con ăn có no không?”, “Cô giáo có tốt với con không, có đánh con không?”. Mặc dù cha mẹ không có ý chê trách cô giáo ở trường nhưng cách hỏi của cha mẹ chính là đang ám thị với trẻ rằng: Cô giáo ở trường không đáng tin. Ám thị tiêu cực như thế này vô cùng bất lợi cho quá trình phát triển của trẻ nhỏ.

Sự ám thị cũng dễ lệch lạc khi cha mẹ hỏi những câu ở trường, cha mẹ không có ý chê trách cô giáo ở trường nhưng cách hỏi của cha mẹ chính là đang ám thị với trẻ rằng: Cô giáo ở trường không đáng tin. (Ảnh: TinTM)

Vì vậy, các bậc cha mẹ nhất định phải chú ý, dù ở bất kì đâu cũng cho trẻ những ám thị tích cực, không được cố tình hay vô tình cho trẻ những ám thị tiêu cực.

Cha mẹ nên cho trẻ những ám thị như thế nào?

1. Trên phương diện học tập, phải khiến trẻ tin tưởng bản thân mình là người thông minh, giỏi giang.

2. Trên phương diện tâm lý, phải khiến trẻ tin rằng mình là người mạnh mẽ, dũng cảm, có khả năng tự giải quyết mọi vấn đề.

3. Trên phương diện sức khỏe, phải khiến trẻ tin tưởng rằng mình khỏe mạnh, đồng thời rèn cho trẻ thói quen vận động như chơi thể thao, tham gia các hoạt động ngoài trời…

4. Về phẩm chất đạo đức, phải khiến trẻ nghĩ rằng mình là người lễ phép, biết phân biệt đúng – sai, tự giác quan tâm và giúp đỡ người khác, là một đứa trẻ hiểu chuyện.

Hồng Ân