Học thêm một ngoại ngữ không phải việc dễ dàng, nhất là đối với người bận rộn. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia cho biết nếu bạn hiểu được cách hình thành ngôn ngữ, bạn có thể chỉ cần bỏ ra 1 giờ đồng hồ mỗi ngày, kết quả thu về sẽ là điều không tưởng. 

Trở thành người thông thạo song ngữ hoặc đa ngữ mang lại cho bạn những lợi ích to lớn, nhưng để làm được điều đó bạn cần đến một chiến lược suốt đời. Đối với nhiều người, việc học một ngôn ngữ mới là một ý tưởng đáng sợ: Hàng ngàn từ không quen thuộc, các cấu trúc ngữ pháp hoàn toàn khó hiểu, cách giao tiếp khác biệt do nền văn hóa khác nhau mang lại,…Hơn thế nữa, với cuộc sống và công việc bận rộn, việc tìm thời gian để duy trì việc học một ngôn ngữ mới có thể là một thách thức thật sự.

Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng chỉ cần học ngoại ngữ trong một giờ mỗi ngày, chúng ta có nhiều khả năng để đạt được tiến bộ nhất định. Không chỉ vậy, khi bạn áp dụng các kỹ năng thu được từ việc luyện tập ngôn ngữ mới, bạn có thể cảm thấy như mình có siêu năng lực tại nơi làm việc vậy.

Set of social people on World map with speech bubbles in different languages. Male and female faces avatars. Communication, chat, assistance, interpretation and people connection vector concept

Phân loại độ khó của những ngôn ngữ

Viện Dịch vụ Đối ngoại Hoa Kỳ (FSI) chia các ngoại ngữ thành bốn cấp độ:

  • Nhóm 1: Nhóm dễ nhất, bao gồm các ngôn ngữ như tiếng Đan Mạch, tiếng Pháp, tiếng Ý, tiếng Rumani, tiếng Tây Ban Nha và tiếng Thụy Điển. Theo nghiên cứu của FSI, phải mất khoảng 600 đến 750 giờ luyện tập để đạt được sự lưu loát cơ bản trong tất cả các ngôn ngữ Nhóm 1.
  • Nhóm 2: Khó khăn bắt đầu tăng đột biến khi chúng ta di chuyển lên cấp độ khó nhóm 2. Phải mất 900 giờ để đạt được mức độ lưu loát đối với các ngôn ngữ nhóm 2 bao gồm tiếng Đức, tiếng Mã Lai, tiếng Swords, tiếng Haiti Creole và tiếng Indonesia.
  • Nhóm 3: Độ khó sẽ lớn hơn nhiều ngôn ngữ với các ngôn ngữ như tiếng Bengal, tiếng Séc, tiếng Do Thái, tiếng Ba Lan và tiếng Tagalog.
  • Nhóm 4: Bao gồm một số ngôn ngữ có tính thách thức người học nhất là các tiếng Ả Rập, tiếng Trung, tiếng Nhật và tiếng Hàn.

Trí não linh hoạt hơn từ việc học ngôn ngữ thứ hai

Mặc dù sẽ là điều khó khăn cho chúng ta khi áp dụng việc học trong một thời gian dài, nhưng các chuyên gia cho rằng những lợi ích về mặt nhận thức mà bạn có được sẽ rất đáng giá để bạn dành thời gian học ngôn ngữ thứ hai. Bởi vì các chức năng điều hành của não bộ chúng ta sẽ được phát triển một cách tự nhiên. Bạn sẽ thấy mình linh hoạt hơn về khả năng điều khiển và sử dụng thông tin ở mức độ cao, cũng như khả năng lưu giữ thông tin trong trí nhớ và ngăn chặn thông tin không liên quan.

Nghiên cứu còn cho thấy có một mối tương quan trực tiếp giữa sự phát triển song ngữ và trí thông minh, kỹ năng ghi nhớ và thành tích học tập tốt hơn. Thậm chí việc học ngoại ngữ giúp bộ não chúng ta xử lý thông tin hiệu quả hơn qua quá trình thực hành và ghi nhớ ngôn ngữ, từ đó có thể ngăn chặn sự suy giảm nhận thức do tuổi tác.

(Ảnh: Rosettastone)

Ông Jane Fiez, giáo sư khoa học thần kinh của Đại học Pittsburgh nhận định rằng: “Phần não bộ kiểm soát hoạt động song ngữ gọi là ‘chức năng điều hành’ bởi vì nó được xem như có kỹ năng của một giám đốc điều hành: quản lý một nhóm người, xử lý nhiều thông tin, đa nhiệm vụ, biết phân loại tính ưu tiên”.

Ngoài ra, theo một nghiên cứu từ Đại học Tây Bắc Mỹ, hoạt động song ngữ của não bộ dựa vào những thứ như là kiểm soát ức chế, trí nhớ làm việc và tính linh hoạt nhận thức, để duy trì sự cân bằng giữa hai ngôn ngữ. Bởi vì cả hai hệ thống ngôn ngữ luôn hoạt động và đối kháng nhau nên các cơ chế kiểm soát não bộ liên tục được tăng cường.

Cô Lisa Meneghetti, một nhà phân tích dữ liệu đến từ thành phố Treviso, nước Ý, là một “người đa ngữ”, nghĩa là cô thông thạo sáu ngôn ngữ trở lên. Trong trường hợp của Lisa, cô thông thạo tiếng Anh, tiếng Pháp, tiếng Thụy Điển, tiếng Tây Ban Nha, tiếng Nga và tiếng Ý. Lisa cho biết kinh nghiệm của cô đối với việc học các ngôn ngữ có tính tương đồng cao và các ngôn ngữ khác biệt:

“Điều bình thường là bộ não chúng ta sẽ chuyển đổi và sử dụng các “lối đi tắt”, nghĩa là với các ngôn ngữ thuộc cùng nguồn gốc, hay gọi là cùng nhóm “gia đình”, thì sự tương đồng trong việc học là rất tuyệt vời, nhưng chúng sẽ khiến bạn bối rối vì sự giống nhau “giả tạo” mà chúng tạo ra trong não bạn. Nếu bạn chọn học cùng một lúc hai ngôn ngữ có hệ thống chữ viết và các lĩnh vực rất khác nhau như tiếng Nhật Bản và tiếng Tây Ban Nha chẳng hạn, bạn sẽ không lo mình sẽ trộn lẫn các từ đó”.

Giáo sư Beverly Baker thuộc chuyên ngành ngôn ngữ và song ngữ tại Đại học Ottawa cũng đưa ra nhận định rằng: “Dù nghe có vẻ khác thường, nhưng việc vượt qua rào cản tinh thần trong việc học ngôn ngữ tương đồng cũng tương tự như việc theo đuổi một ngôn ngữ khác biệt với ngôn ngữ mà bạn đã biết”. Vì thế, đối với bất kỳ loại ngôn ngữ nào, chúng ta cũng cần có một quyết tâm cao độ để vượt qua các vấn đề khác nhau của ngôn ngữ đó.  

Cách thức và mục tiêu tạo nên động lực học ngoại ngữ

Tùy thuộc vào ngôn ngữ mẹ đẻ của bạn và ngôn ngữ mới mà bạn đang học, bạn có thể phát triển một bộ dụng cụ đa dạng để phát triển nhận thức ngắn hạn và nhận thức lâu dài đối với việc học ngoại ngữ. Tất nhiên, các loại ngôn ngữ càng khác biệt thì thách thức càng khó khăn (ví dụ như tiếng Hà Lan và tiếng Việt), nhưng nếu chúng ta tập trung vào một mục đích, hay ứng dụng cụ thể có thể thu hẹp đáng kể thời gian luyện tập ngôn ngữ mới.

Age 13 students in the language lab learning English, L’viv, L’vov, Ukraine. (Photo by: Jeffrey Greenberg/UIG via Getty Images)

Cho dù mục đích học ngoại ngữ của bạn là vì phục vụ cho công việc, để đọc các tác phẩm văn học hoặc để thực hiện cuộc trò chuyện thông thường, bạn cũng cần rèn luyện các kỹ năng ngôn ngữ, bất kể tuổi tác hoặc trình độ trước đó của bạn.

Nếu bạn chỉ cần học những điều cơ bản của bất kỳ ngôn ngữ nào, đó có thể là một nhiệm vụ dễ dàng. Các chương trình như Duolingo hoặc Rosetta Stone có thể hướng dẫn bạn thực hiện qua một vài lời chào và cụm từ đơn giản với tốc độ nhanh chóng. Nhưng để có được trải nghiệm sâu sắc và đa dạng hơn trong việc học ngôn ngữ mới, thần đồng ngôn ngữ Timothy Doner, người thành thạo hơn 23 ngoại ngữ khuyên bạn rằng:

“Bạn nên đọc và xem các tài liệu mà bạn cảm thấy hứng thú hoặc quan tâm bằng ngôn ngữ mới mà bạn đang học. Nếu bạn thích nấu ăn, hãy mua một cuốn sách dạy nấu ăn bằng tiếng nước ngoài. Nếu bạn thích bóng đá, hãy thử xem một trận đấu nước ngoài. Ngay cả khi bạn chỉ học được một số ít từ mỗi ngày, trong khi đa số phần nội dung còn lại nghe có vẻ như vô nghĩa, nhưng chúng sẽ giúp bạn dễ nhớ lại sau này”.

Tuy nhiên, trước khi bạn đi quá xa, điều quan trọng là phải xem xét chính xác mục đích bạn dự định sử dụng ngôn ngữ trong tương lai là gì. Giáo sư Baker cho biết: “Việc học ngôn ngữ có thể là mục tiêu quan trọng đối với một doanh nhân vì họ có liên hệ kinh doanh, hoặc đối với người sinh trưởng tại nước ngoài và đang tập nói lại ngôn ngữ gốc của gia đình, hoặc bạn có người yêu nói ngôn ngữ đó và bạn đang quan tâm đến việc giao tiếp với bên vợ/chồng tương lai của mình,v.v. Nếu bạn có động lực cá nhân, điều đó sẽ tác động đến mức độ bạn thực sự muốn học thông thạo ngôn ngữ đó”.

(Ảnh dẫn qua Colorado Academy News)

Khi mục tiêu học ngôn ngữ mới của bạn được xác định, bạn có thể bắt đầu lên kế hoạch cho việc thực hành hàng giờ hàng ngày, bao gồm nhiều phương pháp học tập. Mặc dù các chuyên gia ngôn ngữ học có các cách thức sử dụng thời gian hiệu quả khác nhau, nhưng có một mẹo mà tất cả họ dường như tán thành, đó là hãy dành ít nhất một nửa thời gian học ngôn ngữ của bạn để bước ra khỏi những cuốn sách và video để thực hành giao tiếp trực tiếp với người nói tiếng bản xứ.

Giáo sư Baker khuyên rằng: “Hãy đưa ra các câu hỏi và thực hành các hoạt động, nói chuyện với nhau bằng ngôn ngữ mới và thảo luận về văn hóa. Tôi sẽ không bỏ qua phần đó, bởi vì việc bạn học về con người và văn hóa sẽ thúc đẩy việc học ngoại ngữ của bạn tiến bộ hơn”.

Giáo sư khoa thần kinh ông Jane Fiez cho biết: “Một vài người lớn học ngôn ngữ bằng cách cố gắng ghi nhớ các từ và luyện phát âm ‘trong im lặng’ và với chính họ. Họ không thực sự có bước nhảy vọt để thử sử dụng ngôn ngữ này cho một cuộc trò chuyện thực sự. Thế thì bạn không thực sự học ngôn ngữ khác, bạn chỉ học các kết hợp các âm thanh, hình ảnh”.

‘Một giờ’ tạo ra sự khác biệt

Cũng giống như việc tập thể dục hoặc nhạc cụ, mọi người thường đề xuất luyện tập trong khoảng thời gian ngắn một cách thường xuyên thay vì trong thời gian dài hơn nhưng không đều đặn. Bởi vì nếu không có một lịch trình cố định và nhất quán, bộ não của chúng ta sẽ không tạo nên bất kỳ quá trình nhận thức sâu sắc nào, như cách tạo ra mối liên hệ giữa kiến ​​thức mới và kiến thức đã học trước đây của bạn. Do đó, hãy học mỗi giờ một ngày trong năm ngày một tuần, bạn sẽ thu được nhiều lợi ích hơn là bạn học cả năm giờ một lần trong mỗi tuần.

(Ảnh dẫn qua Learning English)

Theo dữ liệu của Viện dịch vụ Đối Ngoại Hoa Kỳ, người học cần dùng 150 tuần hoặc dưới ba năm, với tốc độ mỗi giờ một ngày để đạt được sự lưu loát cơ bản đối với các ngôn ngữ Nhóm 1. Các chuyên gia khuyên rằng hãy thu hẹp bài học của bạn và tập trung mục tiêu vào các ứng dụng cụ thể thay vì đặt mục đích dùng ngôn ngữ lưu loát chung chung. Theo cách đó những người mới học sẽ có thể giảm lượng thời gian đáng kể để đạt đến trình độ mong muốn.

Nhà phân tích dữ liệu Meneghetti nhận định rằng: “Học ngôn ngữ thứ hai không chỉ đáp ứng nhu cầu của bạn ngay lập tức mà nó còn giúp bạn trở thành một người hiểu biết và đồng cảm hơn bằng cách mở ra những cách thức suy nghĩ và cảm nhận khác. Đó chính là cách kết hợp cả IQ và EQ, kết hợp trí tuệ và cảm xúc của bạn”.

Việc giao tiếp và tìm thấy sự đồng cảm thông qua việc ngôn ngữ mới giúp bạn phát triển loại kỹ năng cao cấp gọi là “năng lực liên kết văn hóa”. Về cơ bản, nó có nghĩa là bạn có thể phát triển khả năng xây dựng mối quan hệ thành công với nhiều người từ các nền văn hóa khác.

Học thêm ngôn ngữ là tăng thêm kết nối. (Ảnh dẫn qua Linkedin)

Vì thế, dành một giờ trong ngày của bạn để học một ngôn ngữ mới được coi là cách tuyệt vời để thu hẹp khoảng cách giữa mọi người ở các quốc gia, hay nền văn hóa khác nhau. Từ đó bạn sẽ có được kỹ năng giao tiếp linh hoạt hơn, đưa bạn đến gần hơn với bạn bè trong công việc, trong gia đình (trường hợp kết hôn với người nước ngoài), hoặc sinh sống ở nước ngoài.

Giáo sư Baker cho biết thêm: “Trong cuộc sống bạn có thể phải đối mặt với những người có những thế giới quan khác nhau thuộc các nền văn hóa khác nhau. Bạn sẽ không vội vàng phán xét và sẽ giải quyết các bất đồng một cách hiệu quả hơn, chỉ cần bạn học một ngôn ngữ, bất kỳ ngôn ngữ nào trong bất kỳ nền văn hóa nào, sẽ giúp bạn phát triển khả năng thích ứng và linh hoạt đó khi đối mặt với các nền văn hóa khác nhau”.

Tâm An

videoinfo__video3.dkn.tv||d4d174a73__