Nhiều người Việt Nam đã thuộc nằm lòng câu nói: “Nhân chi sơ, tính bản thiện”. Đây cũng chính là câu mở đầu của bộ sách giáo dục trẻ em truyền thống “Tam tự kinh”, từng được ngợi ca và sử dụng rộng rãi ở các nước Á Đông như Việt Nam, Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc. “Tam tự kinh” chỉ có trên 1000 chữ nhưng bao trùm cả văn học, lịch sử, triết học, thiên văn, địa lý, luân thường đạo lý. Sách thích hợp với trẻ nhỏ nhờ hình thức thơ 3 chữ ngắn, đơn giản, có thể hát như đồng dao nghe rất vui tai.

Tiếp theo bộ kinh điển giáo dục trẻ em “Phép tắc người con” (Đệ tử quy), Đại Kỷ Nguyên hy vọng rằng bộ sách “Tam tự kinh” này sẽ giúp các em nhỏ và mỗi người chúng ta nuôi dưỡng bản tính thiện lương, tịnh hóa tâm hồn, tìm lại và nâng cao những giá trị đạo đức truyền thống tốt đẹp trong thời buổi đạo đức suy thoái hôm nay.

Kinh văn

Người đọc sử, khảo thực lục,

Thông cổ kim, như mình thấy.

Miệng đọc rõ, tâm nghĩ suy,

Sáng như thế, tối cũng thế.

Diễn giải

Đã là người đọc sử sách thì phải nghiên cứu khảo sát tỉ mỉ các tư liệu sự thực lịch sử. Như thế mới có thể thông hiểu các sự kiện đã xảy ra từ xưa đến nay, rõ ràng minh bạch giống như bản thân mình chính mắt trông thấy. Ngoài ra, khi đọc sách cần tâm khẩu tương ứng, không được chỉ dùng miệng đọc rõ ràng mà còn phải suy nghĩ trong tâm. Hơn nữa, cần sớm tối chuyên cần gắng sức học thì mới có kết quả.

Câu chuyện tham khảo: Thái Sử nước Tề thời Xuân Thu

Trong “Tả truyện” có chép, đại thần nước Tề là Thôi Trữ giết Tề Trang Công hoang dâm vô đạo, sử quan Thái Sử Bá nước Tề cầm bút viết trung thực: “Thôi Trữ giết vua”. Thôi Trữ nổi giận giết Thái Sử Bá, sau đó lệnh cho người em trai thứ 2 của Thái Sử Bá là Thái Sử Trọng ghi chép sự kiện này. 

Thái Sử Trọng không hề do dự vẫn viết 4 chữ: “Thôi Trữ giết vua”. Thế là Thái Sử Trọng lại bị Thôi Trữ giết chết. 

Người em trai thứ 3 là Thái Sử Thúc kế thừa chí hướng của anh trai, lại viết: “Thôi Trữ giết vua”, và lại bị Thôi Trữ giết chết. 

Người em nhỏ nhất của Thái Sử Bá là Thái Sử Quý cũng giống như 3 người anh của mình, coi cái chết như trở về, vẫn viết “Thôi Trữ giết vua”, đồng thời nói với Thôi Trữ rằng: “Viết trung thực theo sự kiện, đó là chức trách của sử quan. Không theo chức trách để được sống thì sống không bằng chết”.

Thôi Trữ bị chính khí của Thái Sử Quý gây chấn động kinh sợ nên đã từ bỏ ý tưởng bóp méo lịch sử. Khi Thái Sử Quý bước ra ngoài cửa, thấy một vị sử quan là Nam Sử Thị tay cầm thẻ tre đến. Thái Sử Quý bèn hỏi: “Ông đến làm gì?”.

Nam Sử Thị nói: “Tôi sợ ông cũng bị Thôi Trữ giết chết, không có ai ghi chép sự thực lịch sử”. Nói rồi ông ta đưa cho Thái Sử Quý thẻ tre xem, trên cũng ghi chép 4 chữ đúng sự thực “Thôi Trữ giết vua”.

Câu chuyện này cho thấy người xưa coi tín nghĩa như mạng sống. Người xưa chép sử rất nghiêm khắc và chân thực, đó là tài sản quý báu. Họ không vì quyền quý mà dao động trách nhiệm và đạo nghĩa của mình. 

Xem phim hoạt hình Tam Tự Kinh: Thôi Trữ giết hại quan sử

Phụ chú

Nguyên văn chữ Hán

讀史者,考實錄

通古今,若親目

口而誦,心而惟

朝於斯,夕於斯

Âm Hán Việt

Độc sử giả, khảo thực lục

Thông cổ kim, nhược thân mục.

Khẩu nhi tụng, tâm nhi duy,

Triêu ư tư, tịch ư tư.

Pinyin Hán ngữ

dú shǐ zhě,kǎo shí lù 

tōng gǔ jīn,ruò qīn mù 

kǒu ér sòng,xīn ér wéi 

zhāo yú sī,xī yú sī

Chú thích

(1)Khảo (考):nghiên cứu, khảo sát.

(2)Thực lục (實錄):ghi chép chân thực. Ở đây chỉ tài liệu sử nguyên gốc.

(3)Thông (通):thông hiểu minh bạch.

(4)Cổ kim (古今):những sự tích xảy ra từ xưa đến nay.

(5)Nhược (若):như, giống như.

(6)Thân mục (親目):tận mắt trông thấy.

(7)Tụng ():đọc to.

(8)Duy (惟):suy nghĩ.

(9)Triêu (朝):buổi sáng.

(10)Tư (斯):như thế này.

(11)Tịch (夕):buổi tối.

Ảnh chụp màn hình video Chánh Kiến.

Đọc sách bút đàm

Nguyên tác “Tam tự kinh” chỉ thuật về lịch sử đến triều Tống, do đó ở đây bắt đầu khuyên và tổng kết nên học lịch sử như thế nào. Học lịch sử nhất định phải thiết thực, phải xem ghi chép chân thực và sự thực. Nếu bắt đầu đã thấy đều là giả, thế thì sẽ đưa ra kết luận không chính xác, từ đó dẫn dắt sai tư tưởng và hành vi của con người.

Nhưng nếu chỉ thấy ghi chép chân thực thì vẫn chưa được, bởi vì có rất nhiều sự kiện phức tạp hỗn loạn. Cần có lịch sử quan chính xác và tư duy độc lập để có thể xem xét vấn đề toàn diện và đúng đắn.

Vậy tại sao hiểu lịch sử một cách chính xác và toàn diện lại quan trọng đối với con người? Bởi vì chúng ta sống là có giao tiếp xã hội, giao tiếp với người khác, sẽ gặp phải các loại phiền não và nhiều vấn đề. Bất kể là quản lý quốc gia, kinh doanh, hay xử lý các mối quan hệ giữa cha mẹ, vợ chồng và giáo dục con cái, đều là vấn đề của con người. Lịch sử có thể cung cấp cho chúng ta tấm gương và tham khảo. Nếu chúng ta chỉ biết các sự kiện xảy ra trong lịch sử mà không biết áp dụng chúng để chỉ đạo cuộc sống hiện thực của chúng ta, thế thì trở thành tri thức chết.

Giống như con người hôm nay, học tập là vì điểm số thi cử, rất nhiều người học xong dường như chữ thầy trả lại thầy, bởi vì không biến thành tri thức và trí tuệ của riêng mình. Người xưa học lịch sử sẽ không đưa ra kết luận tôn sùng những kẻ dùng vũ lực giải quyết vấn đề. Họ phóng tầm mắt hàng trăm năm, thậm chí hàng nghìn năm để xem xét vấn đề, do đó không ngừng khuyên dạy con người rằng: người đắc nhân tâm thì có được thiên hạ, tu đức thì mới lâu bền, người làm chính trị nhân đức thì thiên hạ mới thái bình, người quản lý gia đình độ lượng công bằng chính trực thì gia đình hòa thuận, vạn sự hưng vượng. Trẻ em ngày hôm nay thiếu những người thầy có tri thức dạy các em cách học lịch sử, các em sẽ dễ bị những tà thuyết dị đoan dẫn dắt sang sùng bái tiền bạc và bạo lực. Điều này vô cùng nguy hiểm.

Do đó, trong chương “Vi chính” sách “Luận ngữ”, Khổng Tử nói: “Học mà không suy nghĩ thì mê lạc vô tri, suy nghĩ mà không học thì mệt mỏi vô ích” (nguyên văn: “Học nhi bất tư tắc võng, tư nhi bất học tắc đãi”).

Câu này có nghĩa là: đọc sách mà không suy nghĩ độc lập thì có học cũng chẳng được gì, không thể nào hiểu và hấp thụ được tri thức trong sách, không thể nào biến chúng trở thành trí tuệ của mình. Như thế sẽ càng học càng mù mờ. Không chỉ mù mờ, vì không cảm thụ được bất kỳ ý nghĩa nào nên đã đánh mất hứng thú và động lực học tập. 

Làm thế nào trải nghiệm được niềm vui đọc sách và học tập? Học sinh ngày nay trốn học, tự kỷ, rất nhiều là do bị ép phải học, bị nhồi nhét một đống tri thức và danh từ, khiến con người dường như biến thành chiếc máy tính. Học hành mệt mỏi khó chịu, mà sống thì mù mờ bất an, không cách nào nắm chắc được phương hướng cuộc đời mình.

Nhiều trẻ em ngày nay rất trống trải và bất lực, thậm chí tuyệt vọng, u uất, thế nên thường chìm đắm vào trò chơi điện tử. Những gì là lòng ôm chí lớn, lo cho nước cho dân, thế nào là bổn phận, trách nhiệm và đạo lý làm người… thì hầu như không có cơ hội tiếp xúc và suy nghĩ. 

Trẻ em nếu không được thầy cô và cha mẹ dẫn dắt đúng đắn thì sẽ không có chủ kiến, không có chính kiến, thế thì các tà thuyết dị đoan sẽ chiếm cứ tâm hồn các em, khiến các em đi về hướng ma tính. Bạo lực học đường xảy ra như thế nào? Tại sao không thể trừ được tận gốc? Vấn đề căn bản chính là ở chỗ này.

Cũng có em biết suy nghĩ, hy vọng chiểu theo ý nguyện của mình mà học tập, nhưng lại không tìm được tham chiếu, không có tấm gương lịch sử, không có kinh nghiệm của người đi trước. Do đó, các em thường cảm thấy đứng trước ngã tư cuộc đời, lo lắng không yên, cuối cùng đành phải bỏ qua cho xong chuyện, từ bỏ suy nghĩ của mình, để mặc trôi theo dòng chảy. 

Còn hy vọng nào cho thế hệ trẻ hay không? Khi nào con người có thể trở về với giáo dục truyền thống, hiểu được người thầy có bổn phận “truyền Đạo thụ nghiệp, giải đáp nghi hoặc” thì lúc đó các em được cứu rồi. Cũng chính vì vậy mà sách “Tam tự kinh” giáo dục truyền thống mới bảo cho con người biết, chớ học mà không suy nghĩ, chớ đọc sách chết. 

Rất may là các kinh điển người xưa để lại, chúng ta có thể tự mình đọc. Sách “Luận ngữ” nói: “Cẩn thận cử hành tang lễ cha mẹ, thờ tế ông bà tổ tiên thì đức hạnh người dân sẽ dần dần trở nên đôn hậu” (nguyên văn: “Thận chung truy viễn, dân đức quy hậu”). “Truy viễn” còn có nghĩa là truy tìm theo dấu chân lịch sử, kiến thức và trí tuệ tổ tiên để lại. Dân tộc như thế này sẽ mãi mãi giữ được và kế thừa đạo nghĩa và nhân đức, không quên mất đạo lý làm người, khi đó cái xấu cái ác sẽ không có thị trường.

Theo Chánh Kiến

Kiến Thiện biên dịch

Video: Con đường sáng cho một sinh mệnh lạc lối

videoinfo__video3.dkn.tv||23ecf54f2__