Nói đến trừng phạt, chắc hẳn không xa lạ gì đối với những người làm cha làm mẹ. Tuy nhiên, có người nói rằng: “trừng phạt” là biểu hiện bất lực trong việc quản giáo con của cha mẹ.

Trong việc giáo dục trẻ, phương pháp cuối cùng mà nhiều người sử dụng chính là “trừng phạt”, và xem nó như một “đại chiêu”. Sở dĩ gọi nó là “đại chiêu” là bởi vì, chiêu trừng phạt này thường được xuất ra sử dụng cuối cùng, tác dụng của nó khiến cho trẻ rất nhanh ‘bại trận’, chỉ một chiêu này thôi là có thể giúp cho cha mẹ áp chế được đứa trẻ lì lợm.

Khi trẻ có hành vi không đúng, lúc đầu, cha mẹ còn có thể giữ thái độ hòa nhã, giảng giải đạo lý cho con hiểu, dùng tình cảm để con cảm động, nhưng tất cả đều không mang đến kết quả như mong muốn. Lúc này chỉ có thể vận dụng đến chiêu “trừng phạt”: “đi vào phòng ngồi suy nghĩ về hành vi sai trái của mình, trong vòng 15 phút không được ra khỏi phòng”, “ngửa tay ra để mẹ đánh vào lòng bàn tay”, “hôm nay phạt con không được xem phim”…. cùng với sự tức giận mắng nhiếc của cha mẹ, thì đứa trẻ có thể sẽ khóc lóc hoặc có thể sẽ có phản ứng im lặng. Chỉ khi “trừng phạt” xuất hiện, thì những lì lợm, cứng đầu, quậy phá, hư hỏng kia mới vội vàng kết thúc.

Có người nói, “trừng phạt” là biểu hiện bất lực trong việc quản giáo con của cha mẹ. Trừng phạt xác thực là biện pháp giáo dục dễ dàng nhất, là biện pháp không hề chứa đựng kỹ năng nào, cũng là biện pháp gần như là bản năng nhất.

Nhưng rốt cuộc, trừng phạt sẽ mang lại cho trẻ những ảnh hưởng gì đây?

Trừng phạt làm tăng những cảm xúc tiêu cực ở trẻ, khiến cho trẻ không quan tâm đến việc giải quyết vấn đề

Trừng phạt, trên thực tế là tước đoạt quá trình suy xét lại hành vi sai trái và quá trình điều chỉnh hành vi trong nội tâm của trẻ, mà đây lại là một quá trình quan trọng.

Chúng ta thử nhớ lại cảnh mình bị trừng phạt lúc còn nhỏ, điều khiến chúng ta nhớ rõ nhất là gì? Là những cảm xúc khi bị trừng phạt hay là những biện pháp để giải quyết vấn đề?

Tôi nhớ lúc còn nhỏ, cha tôi rất nghiêm khắc, mỗi lần tôi làm việc sai trái, cha thường phạt tôi đứng sau cánh cửa. Cho đến bây giờ, điều tôi nhớ rõ nhất là nỗi sợ hãi, giận dữ và xấu hổ, nhưng lại không thể nhớ được lý do bị phạt.

Cho nên, trừng phạt chỉ kích thích những cảm xúc tiêu cực mạnh mẽ trong tâm lý của trẻ, mà không giúp trẻ nghĩ đến nguyên nhân bị phạt và cách để điều chỉnh hành vi. Xét về lâu dài, nó không có lợi trong việc bồi dưỡng năng lực giải quyết vấn đề cho trẻ, cũng ảnh hưởng không tốt tới tâm lý của trẻ.

Đồng thời, việc trừng phạt sẽ làm cho trẻ cảm thấy tội lỗi từ những hành vi sai trái của mình được giảm bớt, và sẽ coi đây là hình thức để đổi lấy việc làm sai. Vậy nên, sau khi bị trừng phạt xong, trẻ sẽ chẳng ngại ngần mắc lại sai lầm, như vậy sẽ dễ tiến vào một vòng tuần hoàn: “làm sai – trừng phạt – làm sai”.

Trừng phạt làm tăng những cảm xúc tiêu cực ở trẻ, khiến cho trẻ không quan tâm đến việc giải quyết vấn đề. (Ảnh theo kenh14)

Trừng phạt sẽ làm tổn hại nghiêm trọng đến mối quan hệ gần gũi thân thiết giữa cha mẹ và con cái

Sau khi cha mẹ trừng phạt con trẻ, thì cả cha mẹ và con trẻ sẽ bị bao phủ bởi một cảm xúc tiêu cực và không khí căng thẳng. Một khi đầu não bị che lấp bởi cảm xúc tiêu cực thì sẽ mất đi sự phán đoán lý trí và khả năng suy xét. Điều đó có thể sẽ khiến cho trẻ thốt ra một số lời lẽ hoặc hành vi quá khích gây tổn thương đến cha mẹ. Vậy nên mới nói, trừng phạt sẽ phá hoại nghiêm trọng tình cảm và mối quan hệ gần gũi giữa cha mẹ và con cái.

Nếu dùng “trừng phạt” để giáo dục trẻ thường xuyên, trẻ sẽ học được cách “trừng phạt” và áp dụng nó

Trẻ nhỏ ban đầu vốn giống như một trang giấy trắng, toàn bộ nhận thức và hành vi đều là do học tập được trong hoàn cảnh và môi trường sống xung quanh. Nói một cách đơn giản, cha mẹ đối xử với trẻ như thế nào, thì trẻ sẽ đối đãi với người bên cạnh như thế. Nếu cha mẹ luôn dùng hình thức “trừng phạt” để đối xử với trẻ, như vậy, lâu ngày sẽ biến trẻ thành người có tính cách thô bạo.

Vậy có phương pháp nào thay thế cho trừng phạt không?

Xin được đề xuất một số phương pháp sau, mong rằng các bậc cha mẹ áp dụng và thay cho “trừng phạt”:

1. Nói ra cảm xúc của mình

Khi trẻ có những hành vi sai trái khiến cho cha mẹ khó chịu, cha mẹ có thể nói cho trẻ biết cảm giác hiện tại của mình, hoặc cha mẹ nên dùng cách hình tượng hóa để miêu tả cảm xúc đó.

Ví như, khi tôi không thể nào nhẫn nhịn được hành vi của con gái, tôi muốn con bé dừng lại, tôi sẽ nói với con rằng: “Con gái, mẹ hy vọng con sẽ nhanh chóng dừng lại, mẹ hiện tại sắp hết kiên nhẫn rồi, hiện giờ kiên nhẫn của mẹ chỉ nhỏ bằng quả táo thôi”. Nếu như con gái vẫn chưa dừng lại, tôi lại tiếp tục nhắc rằng kiên nhẫn của tôi chỉ còn như quả trứng gà, tiếp theo là bằng hạt táo vậy. Sau đó con gái tôi dường như hiểu ra rằng sự kiên nhẫn của mẹ càng lúc càng nhỏ, tức giận của mẹ càng lúc càng lớn, thì mình nên dừng lại ngay thôi.

Tôi nhận thấy sau một thời gian áp dụng biện pháp này, con gái tôi đã có nhiều chuyển biến; có lúc, bé còn chủ động hỏi tôi: “Mẹ ơi, sự kiên nhẫn của mẹ còn nhiều không?”. Tôi cảm thấy con gái tôi đã học được một phương pháp giao tiếp rất tốt, rất đáng yêu, và tâm trạng của tôi cũng được cải biến khá hơn.

Nói cảm xúc của mình cho trẻ biết. (Ảnh minh họa: woman.excite.co)

2. Phương pháp tạm dừng tích cực

Trừng phạt là một loại hình tiêu cực, là cách dừng hành vi một cách tiêu cực, gọi là “tạm dừng tiêu cực”. Vậy thì cũng có cách “tạm dừng tích cực” vậy!

Tạm dừng tích cực kỳ thực chính là thiết lập một thái độ để đối mặt với cảm xúc của mình. Đầu tiên, cha mẹ cần dạy trẻ cảm nhận cảm xúc của mình, sau đó chủ động bình ổn cảm xúc tạm thời để chuẩn bị tốt hơn cho việc giải quyết vấn đề.

Chúng ta có thể chọn một khu vực trong nhà để làm “khu vực tạm dừng tích cực” cho trẻ. Có thể trang trí khu vực này theo ý thích của trẻ, để khi trẻ có cảm xúc tiêu cực thì tới nơi này để bình tâm và cải biến tâm trạng. Đồng thời nói cho trẻ biết rằng, khi nào tức giận, thất vọng thì trẻ hãy đến nơi này, chờ cho cảm xúc lắng xuống, tâm trạng tốt hơn mới đi đối diện vấn đề và nghĩ biện pháp giải quyết.

3. Hãy nói với trẻ “Ba mẹ không muốn bức ép con, nhưng ba mẹ cần sự giúp đỡ của con”

Trừng phạt thường được xuất phát từ “hành vi sai trái”, mỗi khi con trẻ có hành vi sai trái thì cha mẹ thường dùng cách này với mong muốn cho trẻ nhớ kỹ mà không lặp lại hành vi sai đó. Nhưng cha mẹ không hề biết rằng, trừng phạt hoàn toàn không có tác dụng tích cực nào trong việc giáo dục con trẻ.

Chúng ta cần phải dạy cho trẻ rằng một khi xảy ra vấn đề thì nên giải quyết như thế nào. Chúng ta có thể cùng nói chuyện với trẻ, muốn trẻ cùng nhau nghĩ biện pháp, hỏi trẻ xem theo trẻ thì nên giải quyết vấn đề này như thế nào. Hãy hỏi con: “Con có thể giúp giải quyết vấn đề này không?”, sau đó trẻ sẽ tập trung toàn bộ chú ý đến việc tìm cách giải quyết vấn đề.

Tình yêu của cha mẹ đối với con cái là rộng lớn bao la. Chỉ là rất nhiều khi trong cuộc sống, với những bộn bề lo toan mà chúng ta chưa đủ sáng suốt để lựa chọn cho mình một cách quản giáo con cái tích cực. Thay vào đó lại lựa chọn ‘trừng phạt’ để mong muốn con mình thay đổi nhanh hơn. Tuy nhiên, như bạn thấy đấy, ‘trừng phạt’ chưa bao giờ là cách giáo dục tích cực, khiến con bạn thực sự chuyển biến từ tâm can. Vậy nên, thay vì ‘trừng phạt’ con, cha mẹ hãy trầm tĩnh, bình hòa để giáo dục con một cách lý trí và tích cực nhất.

Theo kknews.cc
Minh Phúc biên dịch